Không chỉ phục vụ nhu cầu tìm hiểu tham quan của người dân và du khách mỗi khi đến TPHCM, từ nhiều năm qua, các bảo tàng ở TPHCM đã không ngừng chủ động tìm nguồn “khách hàng” cho mình. Thông qua hàng chục triển lãm lưu động, hàng ngàn công nhân, lao động nhập cư, chiến sĩ, học sinh, sinh viên và thiếu nhi… đã trở thành những người bạn gần gũi của bảo tàng.
Chủ động tìm... “khách hàng”
Có thể nói, từ nhiều năm qua, nhiều bảo tàng ở TPHCM đã trở thành trường học sinh động và thân thiện đối với hàng ngàn học sinh, sinh viên. Từ cuộc thi “Những người bạn của bảo tàng”, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ thu hút hàng trăm ngàn lượt học sinh, sinh viên đến tham quan tìm hiểu. “Chúng tôi thường được nhiều nơi “đặt hàng” các chuyên đề trưng bày để phục vụ nhu cầu học tập, tìm hiểu của học sinh, sinh viên. Trong đó 2 chuyên đề “Phụ nữ miền Nam trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ” và “Trang phục trang sức của phụ nữ Việt Nam” là được yêu cầu nhiều nhất” - bà Nguyễn Thị Hiển Linh, Phó Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, cho biết.
Cùng chủ động phối hợp và đặt mối quan hệ với nhiều đơn vị, trường học, tỉnh thành bạn, Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TPHCM đã tổ chức nhiều cuộc trưng bày chuyên đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh đến phục vụ nhu cầu học tập cho hàng trăm ngàn lượt sinh viên các trường đại học, cao đẳng và học sinh các khối trường học. Bà Nguyễn Thị Hoa Xinh, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TPHCM, cho biết: Kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5-6-1911 – 5-6-2011), ngoài các chuyên đề được hoàn thiện trưng bày tại chỗ, từ tháng 4 đến cuối năm 2011, hàng chục chuyên đề của bảo tàng như “Bác Hồ với thiếu nhi”; “Tiểu sử và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh”; “Chủ tịch Hồ Chí Minh với giai cấp công nhân Việt Nam”; “Chủ tịch Hồ Chí Minh với thanh niên Việt Nam”; “Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp giáo dục”… đã đến với thiếu nhi, học sinh, thanh niên và công nhân lao động tại TPHCM thông qua các nhà thiếu nhi, trường học, các nhà văn hóa, khu công nghiệp - khu chế xuất và nhiều đơn vị trên địa bàn.
“Trường học” thân thiện
Lần đầu tiên xem trưng bày chuyên đề “Trang phục trang sức của phụ nữ Việt Nam”, bạn Đinh Thị Minh Thư, sinh viên Trường Đại học Hoa Sen, tỏ vẻ thích thú: “Thật bất ngờ với chuyên đề này vì tôi học thêm rất nhiều kiến thức về trang phục, trang sức của phụ nữ ở các vùng miền, các dân tộc VN. Với ngành học thiết kế thời trang của tôi, chuyên đề này càng bổ ích hơn”. Bạn Ngô Thu Thủy và nhóm bạn sinh viên Trường Cao đẳng Cộng đồng Bà Rịa – Vũng Tàu, khi xem triển lãm “Phụ nữ miền Nam qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ” đã bày tỏ: “Chuyên đề cung cấp cho chúng tôi nhiều bài học rất hay, nhất là cách trưng bày theo chuỗi thời gian và sự kiện khá khoa học, dễ nhớ. Chúng tôi hiểu và tự hào hơn về những người mẹ, người chị, những thế hệ phụ nữ Việt Nam anh hùng, bất khuất, giàu lòng yêu nước. Khi đất nước cần, các mẹ, các chị sẵn sàng hy sinh tuổi thanh xuân và xông pha ra trận. Tôi mong rằng sẽ có nhiều hơn những triển lãm bổ ích như thế này được tổ chức tại địa phương”.
Mới đây, những người bạn trẻ của Chi đoàn Bảo tàng Chứng tích chiến tranh đã không ngại xa xôi, mưa bão, đường đất trơn trượt mang chuyên đề “Ký ức chiến tranh” về phục vụ người dân và học sinh ở tận xã Đông Sơn, một xã biên giới miền núi của huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế. “Hình ảnh ấn tượng nhất là khi chúng tôi nhìn cảnh học sinh tiểu học vừa choàng áo mưa vừa xem ảnh. Sau khi trưng bày, chúng tôi đã tặng lại chuyên đề này cho địa phương để người dân và học sinh tìm hiểu, học tập” - bạn Đinh Ngọc Hằng, Bí thư Chi đoàn Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, cho biết.
MINH AN