Bảo tàng đến trường học

Hàng ngàn học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Thượng Hiền, quận Gò Vấp, TPHCM, vừa có thêm những giờ học tập thật sinh động với kiến thức cơ bản về lịch sử qua chuyên đề “Lịch sử Việt Nam qua tư liệu và hình ảnh”. Chuyên đề do Bảo tàng Lịch sử TPHCM phối hợp nhà trường thực hiện. Điều tiện lợi nhất ở đây là bảo tàng đưa chuyên đề này đến tận nhà trường, thay vì phía nhà trường phải tổ chức đủ các khâu, từ xếp lịch, tổ chức xe đưa đón, cử giáo viên hướng dẫn học sinh đến bảo tàng. Trước đó, cũng với phương thức này, Bảo tàng Lịch sử TPHCM đã đưa một trong những chuyên đề được đánh giá rất cần thiết “Biển đảo Việt Nam qua tư liệu và hình ảnh” đến với hàng ngàn học sinh tại nhiều trường trên địa bàn TPHCM: các trường Tiểu học Chí Linh, Đặng Văn Ngữ; THPT Hàn Thuyên (quận Phú Nhuận)...

Bảo tàng Tôn Đức Thắng liên tục những ngày qua cũng đưa chuyên đề giới thiệu cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng đến với hàng ngàn sinh viên Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Lý Tự Trọng tại TPHCM. Chưa dừng lại ở đó, Bảo tàng Tôn Đức Thắng còn phối hợp với Bảo tàng tỉnh Long An giới thiệu chuyên đề đến hàng trăm học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn của tỉnh này. Sau khi tham quan triển lãm, bằng chương trình “Ai nhớ nhiều nhất”; những mốc thời gian, sự kiện cụ thể kết hợp với những hình ảnh, tư liệu sống động đã giúp các bạn sinh viên, học sinh có những bài học sinh động về vị lãnh tụ đáng kính. Những sự kiện, nhân vật và kiến thức lịch sử cứ thế ngấm vào các bạn trẻ.

Tương tự, chuyên đề giới thiệu “Những kỷ vật kháng chiến” do Bảo tàng Lực lượng vũ trang miền Đông Nam bộ thực hiện (sau khi triển lãm tại địa chỉ 247 Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình) cũng đã được trưng bày lưu động, đưa đến tận các trường học trên địa bàn quận Tân Bình, để những hình ảnh tư liệu quý giá, bài học lịch sử đến gần hơn với học sinh. Kỳ công hơn, có thể kể đến chuyên đề “Trẻ em thời chiến”, “Các nạn nhân chất độc da cam/dioxin” của Bảo tàng Chứng tích chiến tranh đã không quản ngại khó khăn được đưa về với học sinh, người dân vùng sâu vùng xa tại xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ, TPHCM và đến với người dân, học sinh miền núi ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế…

Trong bối cảnh chung còn nhiều yếu kém về cơ sở vật chất, bao nỗi khó khăn thiếu thốn về kinh phí hoạt động, các bảo tàng vừa phải phục vụ khách tham quan tại chỗ vừa phải luôn tự làm mới mình để thu hút công chúng đến với bảo tàng nhiều hơn là câu chuyện dài đầy khó khăn. Ngay cả chủ trương xây dựng hệ thống bảo tàng TPHCM hiện đại, lãnh đạo TP cũng đã đề cập đến từ nhiều năm trước nhưng mãi đến nay câu chuyện vẫn còn dang dở.

Mục tiêu phục vụ nhiệm vụ chính trị, giáo dục truyền thống, hướng đến xây dựng hệ thống bảo tàng theo xu hướng hiện đại, thân thiện và kết nối cộng đồng, đòi hỏi các bảo tàng không ngừng nỗ lực để hoàn thiện mình. Thông qua nhiều hình thức năng động, việc chủ động tìm đến tận nơi để phục vụ “khách hàng” mà các bảo tàng tại TPHCM đã làm, quả thật rất đáng khích lệ.

MINH AN

Tin cùng chuyên mục