Bảo tồn bò quý Hà Giang

Bò vùng cao Hà Giang là giống bò được người dân tộc Mông nuôi tại các tỉnh vùng núi phía Bắc nước ta. Giống bò này có đặc điểm: Tính nết thuần thục, sức chống chịu bệnh tật cao. Màu lông đa số vàng nhạt, xẫm hoặc cánh gián, một số ít màu đen nhánh hoặc loang trắng. Tai to đưa ngang, lưng hơi võng, mông dài nhưng hơi lép, ngực sâu, chân cao, đỉnh trán có u gồ hoặc phẳng. Bò vàng vùng cao Hà Giang là một trong những loài gia súc quý nằm trong danh sách động vật cấm xuất khẩu của Nhà nước.

Tuy nhiên, việc khai thác bò vàng vùng cao Hà Giang suốt thời gian dài mang tính tự phát, thiếu khoa học đã khiến loài bò quý này giảm sút nghiêm trọng. Công tác quản lý giống trên địa bàn chưa chặt chẽ, việc giao phối tự do dẫn đến tình trạng đồng huyết, cận huyết ngày càng nhiều. Đàn bò đang có nguy cơ bị thoái hóa giống nghiêm trọng.

Thạc sỹ Trịnh Quang Phong, Bộ môn Sinh sản và Thụ tinh nhân tạo - Viện chăn nuôi, cho biết thêm hiện nay việc bán hoặc thịt số lượng lớn bò tốt đã gây suy thoái đàn bò còn lại. Kỹ thuật chăm sóc và nuôi dưỡng đàn bò chưa đảm bảo tạo ra sản phẩm thịt hàng hóa, kém cả về số lượng và chất lượng. Phương thức chăn nuôi vẫn mang nặng tính tập quán, thả rông theo đàn; hệ thống quản lý và sử dụng giống chưa hoàn chỉnh, công tác chọn lọc bò đực giống mới chỉ bắt đầu thực hiện từ năm 2006.

Một tin vui đến với người dân Hà Giang. Đó là việc tỉnh miền núi này đã quyết định triển khai đề tài “Nghiên cứu một số biện pháp kỹ thuật nhằm bảo tồn và phát triển giống bò vùng cao Hà Giang”. Đây sẽ là một trong những giải pháp khả thi trong việc bảo tồn và phát triển giống bò vùng cao Hà Giang.

Đề tài sẽ tiến hành chọn lọc bò đực và bò cái đạt tiêu chuẩn giống để ghép đôi giao phối, chọn 2 huyện, mỗi huyện chọn 1 xã để xây dựng mô hình bảo tồn; sử dụng bò đực giống đạt tiêu chuẩn giống cấp I, có tuổi đời từ  24 đến 48 tháng tuổi để huấn luyện, khai thác tinh đông lạnh... Ngoài ra tỉnh sẽ mở lớp đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ kỹ thuật trong chăm sóc, nuôi dưỡng, chế biến thức ăn, sản xuất tinh đông lạnh, truyền tinh nhân tạo bò, khám thai bò, phát hiện bò động dục...

Với những tiến bộ khoa học được áp dụng trong thực hiện đề tài trên, sẽ nâng cao hiệu quả chăn nuôi của các hộ nông dân, tăng thu nhập cho người chăn nuôi, góp phần xóa đói giảm nghèo và hơn nữa là bảo tồn, phát triển đàn bò quý của tỉnh Hà Giang.

Trường Giang

Tin cùng chuyên mục