Bảo tồn cho tương lai

Bắc cực không còn là vùng hoang vu trong bối cảnh nhu cầu khám phá và du lịch ngày càng tăng, cộng với tình trạng các nước tranh đua khai thác nguồn tài nguyên dầu khí. Chưa kể, tình trạng biến đổi khí hậu đang khiến băng ở Bắc cực tan nhanh, làm nước biển dâng cao xóa sổ nhiều vùng đất trên thế giới. Đó là những nguyên nhân chính dẫn đến quyết định chung của Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Canada Justin Trudeau tuần qua ngừng mở rộng khai thác dầu ở vùng biển của 2 nước này thuộc Bắc cực và Bắc Băng Dương. Nếu như giới hạn khai thác dầu ở Bắc cực của Mỹ không xác định thời hạn, thì quyết định ở Canada được xem xét mỗi 5 năm. Báo Christian Science Monitor dẫn lời các chuyên gia cho rằng, để bảo vệ Bắc cực toàn diện hơn, những nước khác có lãnh thổ giáp Bắc cực cũng cần hạn chế khai thác nhiên liệu hóa thạch trên khu vực này, chẳng hạn như Nga và Na Uy.

Tuy nhiên, quyết định ngừng các dự án khai thác mới ở Bắc cực của Mỹ cũng gây bức xúc cho giới đầu tư và đi ngược với tuyên bố của Tổng thống đắc cử Donald Trump; theo đó Mỹ cần tăng cường khai thác nguồn dầu khí của mình để giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn dầu khí nhập khẩu, nhất là từ vùng Trung Đông đầy bất ổn. Ông Trump còn xem việc tăng cường khai thác dầu sẽ giúp tạo thêm nhiều việc làm cho người dân Mỹ. Tổng thống Obama ra quyết định trên dựa vào điều luật năm 1953 gọi là Điều luật thềm lục địa, cho phép tổng thống quyết định ngừng khai thác tài nguyên ở vùng này và không cho phép tổng thống khác hủy bỏ. Tuy nhiên, Hạ viện với đa số nghị sĩ đảng Cộng hòa, có thể sửa đổi điều luật hoặc Tổng thống Donald Trump sắp tới có thể đưa vấn đề ra tòa án phán quyết. Thêm vào đó, các công ty khai thác dầu cũng bày tỏ bức xúc với quyết định của Tổng thống Obama. Một số chính trị gia ở cả Mỹ và Canada tin rằng, quyết định của Tổng thống Mỹ Obama và Thủ tướng Canada Trudeau càng tạo lợi thế cho các công ty khai thác dầu khí của Na Uy và Nga.

Ngược lại, các nhà bảo vệ môi trường hoan nghênh quyết định của Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Canada. Theo họ, quyết định của Tổng thống Obama củng cố thêm di sản bảo vệ môi trường khi nhiệm kỳ của ông sắp kết thúc. Bảo vệ Bắc cực là cơ hội để khu vực này trong sạch hơn và bền vững hơn, nhờ đó giúp bảo vệ hệ sinh thái toàn cầu. Hạn chế về khoan dầu có thể thay thế bằng việc chuyển sang ngành công nghiệp du lịch và vận chuyển. Bà Mia Bennett, nghiên cứu sinh tại Đại học California, Los Angeles, Mỹ - một chuyên gia nghiên cứu phát triển Bắc cực, cho biết: “Đã có sự thay đổi về phát triển cơ sở hạ tầng, thay vì phục vụ dầu khí ở Bắc cực, nhiều nước tiến tới xây dựng cơ sở hạ tầng hàng hải, cụ thể phục vụ ngành công nghiệp du lịch và vận chuyển”.

Thật may mắn là ngay cả trước khi Mỹ và Canada công bố hạn chế ngành công nghiệp khai thác nhiên liệu hóa thạch ở Bắc cực, nơi đây cũng đã giảm tốc độ khai thác dầu do giá dầu thế giới sụt giảm. Đồng thời, do băng tan nên việc đi lại giữa những khu vực trên thế giới tới Bắc cực dễ dàng hơn, kích hoạt sự tăng trưởng vững chắc của ngành công nghiệp du lịch. Kể từ năm 2011, tàu du lịch quá cảnh Bắc cực ngày càng dài và mùa hè vừa qua, lần đầu tiên tàu du lịch cỡ lớn Crystal Serenity có thể đi gần hết toàn bộ vùng Bắc cực.

KHÁNH MINH

Tin cùng chuyên mục