Xung quanh câu chuyện về làng cổ Đường Lâm và bảo tồn di tích nói chung, ngày 22-5, ông Lê Như Tiến (ảnh), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo SGGP.
* Phóng viên: Thưa ông, vụ việc Đường Lâm có thể coi là một trong những ví dụ điển hình cho sự mâu thuẫn gay gắt giữa bảo tồn văn hóa với đảm bảo dân sinh. Ông có bình luận gì về việc Bí thư Thành ủy Hà Nội vừa có cuộc đối thoại trực tiếp với người dân ở đây - nhiều người trong số họ đã ký văn bản đề nghị “trả lại di tích”?
* Ông LÊ NHƯ TIẾN: Bảo tồn, phát huy giá trị của di sản văn hóa là rất quan trọng, nhưng đảm bảo cho người dân được quyền cải thiện điều kiện ở và có cuộc sống tốt hơn cũng không thể xem nhẹ được. Đường Lâm là một trong 5 làng cổ nhất thế giới và là làng cổ nhất Việt Nam, là nơi có nhiều ngôi nhà hàng trăm năm tuổi, có nhà tới 400 năm, nên việc phải bảo tồn, gìn giữ là tất yếu. Nhưng vì bảo tồn mà bắt dân sinh sống chật chội, khổ sở, 3-4 thế hệ ở chung, không được sửa chữa, cải tạo gì cũng không được, thậm chí là vi phạm nhiều văn bản pháp luật. Không phải không có lý khi ông Phạm Hồng Sơn, Trưởng Ban quản lý di tích Đường Lâm phải chính thức xin lỗi nhân dân trước Bí thư Thành ủy Hà Nội. Tôi hoan nghênh việc lãnh đạo cao nhất của Hà Nội đến tận nơi thị sát và đối thoại với nhân dân. Nhưng lẽ ra phải xử lý việc này sớm hơn, không để đến khi dân quá bức xúc mới làm.
Muốn bảo vệ tốt di tích thì phải có quy hoạch, kế hoạch giãn dân cũng như chuẩn bị nguồn lực để triển khai. Tôi được biết nếu làm hoàn chỉnh việc bảo tồn khẩn cấp ở Đường Lâm thì cần tới khoảng 500 tỷ đồng. Hà Nội có 5.000 di tích, trong đó có 580 di tích cần bảo vệ khẩn cấp, vậy thì phải có cách huy động nguồn lực như thế nào? Có vẻ quyết tâm tháo gỡ “nút thắt” Đường Lâm thì đã có, nhưng cách làm thì chưa rõ!
Có một kinh nghiệm tốt mà Hà Nội rất nên tham khảo là Hội An. Ở đó, người dân đang sống trong di tích, họ trở thành một phần của di tích và di tích đem lại nguồn sống cho họ.
* Ở Hà Nội vừa qua không chỉ có Đường Lâm mà còn rất nhiều di tích khác cũng được công luận “kêu cứu”...
* Phải nói là công tác quản lý di tích ở Hà Nội có nhiều lúng túng. Trước đó là ở chùa Trăm Gian, gần đây là Đàn Xã tắc, chùa Một Cột... Phải có quy trình thống nhất và rõ ràng để xử lý các vụ việc tương tự chứ không thể để mỗi cấp “ngâm cứu” một thời gian, mà di tích thì ngày một xuống cấp. Với mỗi di tích phải có cách ứng xử khác nhau dựa trên sự cân đong đo đếm rất kỹ mọi yếu tố. Tùy đặc điểm cụ thể của địa phương mà làm.
* Ông vừa nói Hà Nội không thể bố trí kinh phí lớn như vậy để bảo tồn. Vậy có cách gì để tháo gỡ vấn đề này?
* Phân loại rõ để có cách xử lý cụ thể, phân kỳ để đầu tư. Nên tập trung bảo tồn cái đã có thay vì xây những công trình mới hoành tráng như nhà hát, bảo tàng... Và huy động nguồn lực xã hội. Tôi cho là với các di tích tâm linh như đền chùa, miếu mạo thì huy động nguồn lực xã hội là không khó, ngân sách nên tập trung cho những di tích lịch sử cách mạng.
* Cần lưu ý điều gì để việc huy động nguồn lực xã hội đạt hiệu quả mong muốn?
* Có cơ chế sử dụng nguồn thu hợp lý, minh bạch. Thu hút đầu tư xã hội thì phải có chính sách như miễn thuế, cho vay vốn ưu đãi, cho thụ hưởng nguồn thu từ vé, từ di tích khác. Việc thu - chi phải công khai, rõ ràng. Tôi biết, có di tích có nguồn thu rất lớn, nhưng sử dụng như thế nào thì địa phương không biết, chỉ có người trụ trì hoặc ban quản lý tự thu, tự chi. Thế thì không động viên được người dân đóng góp. Tôi đã đề nghị với Bộ VH-TT-DL xây dựng quy định sử dụng tiền công đức, tiền thu được từ hoạt động dịch vụ của di tích; không để mù mờ được. Đồng thời Bộ này cũng có trách nhiệm nâng cao hiểu biết, ý thức pháp luật cho người quản lý di tích. Cục Di sản phải tổ chức tập huấn cho Ban Quản lý di tích để ứng xử đúng trong các trường hợp di tích xuống cấp, bị xâm hại: phản ánh đến những cấp nào, trình tự thủ tục ra sao; sửa chữa di tích phải tuân theo nguyên tắc nào...
* Quay trở lại với Hà Nội, người ta có thể thấy gì từ những cuộc tranh luận gay gắt về Đàn Xã Tắc?
* Sao Hà Nội không đề nghị trung ương sớm vào cuộc? Tất nhiên, người phải ra quyết định cuối cùng là lãnh đạo Hà Nội. Để ra được quyết định ấy cần có bản lĩnh, sự kiên quyết; nhưng khi có ý kiến từ các Bộ có liên quan, từ Chính phủ... thì vấn đề được nhìn nhận toàn diện hơn, người dân dễ đồng thuận hơn. Chúng ta đã từng có bài học về việc giữ lại cái gì, xây dựng như thế nào ở Hoàng Thành - Thăng Long. Hoặc là việc xây cầu vượt nút giao Hoàng Hoa Thám - Văn Cao... Xử lý khéo thì vẫn hài hòa được cả yêu cầu bảo tồn và phát triển kinh tế xã hội.
* Cảm ơn ông!
ANH THƯ thực hiện