Bảo tồn nhà cổ, chờ “dài cổ”

Nhà cổ sập dần
Bảo tồn nhà cổ, chờ “dài cổ”

Hàng trăm ngôi nhà dân ở khu phố cổ Hà Nội đã được “niêm” vào danh sách cần phải bảo vệ, không được tự ý sửa chữa, phá dỡ, nhưng sau 10 năm, chỉ có 4 ngôi nhà được phục dựng, còn hầu hết vẫn “dài cổ” chờ đến lượt được bảo tồn.

Trong ngôi nhà cổ 47 Hàng Bạc (Hà Nội) giờ chỉ còn lại những xà gỗ cháy nham nhở và phải treo biển cảnh báo nguy hiểm.

Trong ngôi nhà cổ 47 Hàng Bạc (Hà Nội) giờ chỉ còn lại những xà gỗ cháy nham nhở và phải treo biển cảnh báo nguy hiểm.

Nhà cổ sập dần

Cách đây 5 năm, PV Báo SGGP đã từng đến thăm căn nhà 47 Hàng Bạc. Ông Đỗ Ngọc Thanh, một trong những chủ sở hữu căn nhà, dẫn chúng tôi lên khu gác mái, khi đó vẫn còn nguyên vẹn hình bóng một ngôi nhà cổ với cầu thang gỗ, sàn gỗ, các vì kèo đều bằng gỗ đen bóng, trên lợp ngói rêu phong trầm mặc.

Lúc đó, “phong trào” bảo tồn nhà cổ trở nên rầm rộ, được nhiều tổ chức quan tâm. Sau khi bảo tồn thành công hai ngôi nhà ở địa chỉ 38 Hàng Đào và 87 Mã Mây, UBND TP Hà Nội bắt đầu nhắm tới ngôi nhà 47 Hàng Bạc, vì được xếp vào hàng nhà cổ nhất Hà Nội, mang đặc trưng của nhà cổ vào cuối thế kỷ 19 (khác hẳn với các nhà kiến trúc Pháp). Lúc đó, ông Thanh cho biết, Ban quản lý nhà cổ, phố cổ Hà Nội đã nhiều lần gặp và bàn bạc với các hộ dân ở đây về việc chuẩn bị trùng tu, bảo tồn ngôi nhà 47 Hàng Bạc.

Sau 5 năm, nay quay lại, cái biển ngôi nhà vẫn còn nhưng chẳng có một dự án bảo tồn nào cả, ngôi nhà cổ vẫn im lìm, lạc lõng giữa “rừng” nhà lô nhô, đủ kiểu hiện đại. Và thật phũ phàng, một phần của ngôi nhà đã bị sập vì cháy. Theo ông Thanh, căn nhà bị cháy vào dịp tết năm 2010. “Nhà được xây theo đúng kiến trúc nhà Hà Nội cổ, gồm có 3 ngôi theo hình chữ tam, ngôi ở giữa còn nguyên vẹn nhất thì không may bị cháy do sơ suất đốt vàng mã”. Cầu thang gỗ không còn, các hộ dân phải làm tạm một cầu thang sắt cỏn con để leo lên căn gác xếp bên trên. Nơi mái nhà năm xưa, giờ chỉ còn lại một khoảng trời trống trải, cỏ cây um tùm bên những thanh xà cháy dở.

Sau vụ cháy, hai hộ dân phải đi nơi khác ở tạm. Vợ chồng ông Thanh sống trong căn phòng tự ngăn chia ra bên dưới, chật chội, ẩm thấp cùng với 5 hộ gia đình (khoảng 20 người) không có điều kiện di tản, đành bám trụ lại, chờ được chính quyền hỗ trợ để được di dời, mặc dù hiện bên trong nhà, UBND phường Hàng Bạc (Hoàn Kiếm - Hà Nội) cho treo tấm biển cảnh báo “khu vực nguy hiểm”, cấm qua lại vì có nguy cơ sập! “Năm rồi, chúng tôi phải đầu tư mấy chục triệu đồng làm thêm mái tôn, đỡ cho mái (nhà cổ) bên trên khỏi bị sập xuống” - ông Thanh nói.

10 năm “giậm chân tại chỗ”

Năm 2004, Ban quản lý nhà cổ, phố cổ Hà Nội tổ chức đợt khảo sát thực trạng nhà cổ ở khu phố cổ Hà Nội. Vào thời điểm đó, Hà Nội xác định có 4.340 biển số nhà cổ. Tuy nhiên, số địa chỉ nhà cổ cần bảo tồn và đã được “niêm” vào danh sách (theo quy chế không được phép tự phá dỡ và tu sửa) là 274 ngôi nhà.

Trước khi ngôi nhà 47 Hàng Bạc bị sập và cháy, không lâu sau ngôi nhà cổ 100 Hàng Bạc cũng cháy và sập cả phần gác mái. Trong 10 năm qua, cùng với tình trạng nhiều căn nhà cổ bị chia năm xẻ bảy ra để ở, cơi nới, chắp vá xô bồ, không còn hình thù của nhà cổ nữa, cũng có căn nhà khác hư hỏng nặng hoặc bị người dân cố tình phá dỡ để xây lại nhà mới.

Thống kê sau hơn 10 năm, Hà Nội mới chỉ bảo tồn được 4 ngôi nhà. Còn lại, hơn 200 ngôi đã “niêm” danh sách tới nay vẫn nằm trên giấy và đang xuống cấp nặng nề, người dân sống chen chúc, khổ cực, mong từng ngày được di dời. Đặc biệt, tại các nhà đã nằm trong “danh sách đỏ” như: 31, 47, 60, 66, 70 Hàng Bạc; 28, 70, 84, 86 Mã Mây; 13 Hàng Đường... các chủ hộ đều có nguyện vọng được chính quyền bố trí nơi ở mới. Trong đó, có 51 chủ hộ của các ngôi nhà bị liệt vào danh sách “cấm xâm phạm” có đơn đề nghị được rút khỏi danh sách nhà cần bảo tồn, để bà con chủ động việc phá dỡ, xây lại mới, cải thiện chỗ ở.

Tuy nhiên, ông Phạm Tuấn Long, Phó Trưởng ban Quản lý nhà cổ, phố cổ Hà Nội, cho biết Hà Nội sẽ quyết tâm triển khai dự án bảo tồn các ngôi nhà cổ. Hiện nay, một trong những giải pháp khả thi được cơ quan chức năng đề xuất là tiến hành di dời khoảng 1.900 hộ dân ở khu phố cổ Hà Nội sang Khu đô thị mới Việt Hưng (Gia Lâm - Hà Nội) ở bên kia sông Hồng, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc trùng tu, bảo tồn các ngôi nhà cổ.

Mới đây, UBND TP Hà Nội đã tổ chức cuộc họp về giãn dân phố cổ, bảo tồn nhà cổ, các công trình có giá trị. Ông Phí Thái Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội, đã yêu cầu cơ quan chức năng phải đẩy nhanh hoàn thiện dự án giãn dân phố cổ. Theo đó, nỗ lực tới năm 2014, đảm bảo có đủ 1.800 căn hộ tại Khu đô thị Việt Hưng cho các hộ dân ở khu phố cổ chuyển sang.

Nhà sử học Dương Trung Quốc, người từng nghiên cứu về ngôi nhà cổ 47 Hàng Bạc, cho rằng muốn bảo tồn được nhà cổ, phố cổ Hà Nội, trước hết phải giãn bớt dân cư tại khu phố cổ, sau đó mới tiến hành đầu tư trùng tu các công trình cổ.

Phúc Hậu

Tin cùng chuyên mục