Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử: Trách nhiệm của người đi sau

Tuy được quốc tế đánh giá cao, du khách nước ngoài thích thú tìm hiểu khi đến Việt Nam, nhưng hiện nay bức tranh đời sống đờn ca tài tử vẫn chưa mấy lạc quan. Câu chuyện bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật đờn ca tài tử đã được những người làm nghề, tâm huyết với đờn ca tài tử trao đổi thẳng thắn và trách nhiệm tại TPHCM trong buổi tọa đàm ngày 21-12, do Sở VH-TT-DL TPHCM tổ chức.
Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử: Trách nhiệm của người đi sau

Tuy được quốc tế đánh giá cao, du khách nước ngoài thích thú tìm hiểu khi đến Việt Nam, nhưng hiện nay bức tranh đời sống đờn ca tài tử vẫn chưa mấy lạc quan. Câu chuyện bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật đờn ca tài tử đã được những người làm nghề, tâm huyết với đờn ca tài tử trao đổi thẳng thắn và trách nhiệm tại TPHCM trong buổi tọa đàm ngày 21-12, do Sở VH-TT-DL TPHCM tổ chức.

  • Sức sống mãnh liệt của đờn ca tài tử

“Tôi lớn lên trong căn nhà của ngoại, căn nhà mà vừa bước tới cửa là đã nhìn thấy một dàn nhạc lễ treo lơ lửng khắp phòng. Nơi đây, tiếng đờn ca tài tử đã có tự bao giờ mà lúc 5 - 7 tuổi tôi đã thuộc lòng các chữ nhạc “hò xự… xang xê cống” và các điệu “ú liu phàn, liu phàn ú”. Rồi những đêm trăng sáng mênh mông, trên dòng sông quê thơ mộng, tiếng đờn, giọng ca của nhóm tài tử ở vàm Cổ Lịch lại vang lên - những tiếng đờn, giọng ca như gợi thương gợi nhớ, làm xốn xang lòng người cứ chập chờn và thao thức mãi trong tôi”, soạn giả Ngô Hồng Khanh tâm tình.

Duyên nợ đưa ông đến với nghệ thuật đờn ca tài tử thật bình dị và tình cờ, để rồi từ đó ông mang giọng ca tài tử đi khắp mọi miền đất nước. Lạ lùng thay, ông nhận ra ở nơi đâu, mỗi khi câu vọng cổ, khúc Nam ai, cung Xuân điệu Oán cất lên đều được người nghe và bạn bè đồng nghiệp thưởng thức, đón nhận nồng nhiệt, thâm tình.

“Hơn 50 năm lăn lóc gió sương của một tài tử hát rong, tôi vẫn tự hỏi mình rằng điều gì đã làm nên chất đam mê, tươi trẻ, đầy sức sống của loại hình nghệ thuật vừa dân gian vừa bác học, vừa quần chúng nghiệp dư lại vừa có tính chuyên nghiệp đỉnh cao này?”, ông Ngô Hồng Khanh chia sẻ. Quả thực, ông vừa hỏi nhưng cũng đã tự trả lời cho mình.

Ngẫu hứng mà sáng tạo, từ người lao động quê mùa ruộng rẫy cho đến các bậc trung lưu, thượng lưu, trí thức thành thị, ai ai cũng có thể tham gia đờn ca và thưởng thức đờn ca tài tử. Không chỉ thu hút mọi tầng lớp người dân, theo lịch sử, nghệ thuật đờn ca tài tử không ngừng phát triển và trở thành cội nguồn cho sự hình thành một loại hình nghệ thuật mới, đó là nghệ thuật sân khấu cải lương. Bài Dạ cổ hoài lang từ nhịp đôi ban đầu, theo thời gian đã được sáng tạo sang nhịp 4, nhịp 8 đến nhịp 16, nhịp 32, cho đến nay vẫn nguyên giá trị và được nhiều thế hệ yêu thích là một minh chứng.

Trong gia đình âm nhạc truyền thống, GS-TS Trần Quang Hải biểu diễn với muỗng kết hợp phần đệm đàn kìm của người cha, GS-TS Trần Văn Khê.

Trong gia đình âm nhạc truyền thống, GS-TS Trần Quang Hải biểu diễn với muỗng kết hợp phần đệm đàn kìm của người cha, GS-TS Trần Văn Khê.

  • Tâm tư câu chuyện bảo tồn

Nghệ thuật đờn ca tài tử là sự kết hợp khéo léo, tài tình giữa dân gian và bác học, giữa tính phóng khoáng và thân thiện, đồng thời thể hiện sự chân thành và nghĩa khí của người dân Nam bộ từ bao đời nay. Đây cũng chính là nét đặc trưng làm nên tính độc đáo và sức sống của loại hình nghệ thuật với truyền thống trên trăm năm này.

Đã lâu lắm, những người làm nghề và tâm huyết với đờn ca tài tử mới có dịp tề tựu, trao đổi nghiêm túc và đờn ca ngẫu hứng như thế. GS-TS Nguyễn Thuyết Phong cho rằng, vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể với nghệ thuật đờn ca tài tử là vô cùng cần thiết.

GS-TS Trần Văn Khê - người “trẻ mãi không già” với âm nhạc truyền thống - cũng lạc quan khi loại hình nghệ thuật độc đáo này đang được hoàn tất hồ sơ trình tổ chức UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể. GS-TS Trần Văn Khê cho biết thêm, từ năm 1963, UNESCO đã mời ông và nghệ nhân dân gian Bạch Huệ thu âm một đĩa nhạc gồm 11 bài theo thể loại đờn ca tài tử nhan đề Viet Nam traditions of the South và phát hành dưới thương hiệu Tuyển tập UNESCO (UNESCO Collection).

Đến năm 1972, một đĩa tương tự đã được thực hiện với phần trình tấu của GS-TS Trần Văn Khê và nhạc sư Vĩnh Bảo. Ngoài ra, Cocora Radio France - một cơ quan truyền thông của Pháp - đã mời ông cùng nhạc sư Vĩnh Bảo (năm 1972) và nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng (năm 1994) thu âm 2 đĩa đờn ca tài tử khác và cả 2 đĩa này đều nằm trong danh sách đĩa nhạc bán chạy nhất và được nhận giải Phê bình âm nhạc của Pháp ngay năm phát hành.

Làm thế nào để bảo tồn và phát huy những giá trị của di sản văn hóa của dân tộc và để nghệ thuật đờn ca tài tử truyền thống phát triển bền vững, tránh nguy cơ bị biến tướng và trở nên xa lạ, bị lạm dụng vì mục đích thương mại là tâm tư chung của những người yêu mến âm nhạc truyền thống?

Với quyết tâm bảo tồn và phát huy giá trị của nghệ thuật đờn ca tài tử truyền thống trước khi quá muộn, nhiều vấn đề nghiêm túc đã đặt ra: cần có chương trình bài bản để đào tạo đội ngũ trẻ kế thừa, đãi ngộ cho các nghệ nhân dân gian nghệ thuật đờn ca tài tử, đồng thời có giải pháp hỗ trợ cho các câu lạc bộ đờn ca tài tử ở cơ sở phát triển.

“Không chỉ hoàn tất hồ sơ để trình UNESCO, việc bảo tồn và phát huy giá trị của nghệ thuật đờn ca tài tử còn là nhiệm vụ của thế hệ đi sau với những người đi trước, với nghệ thuật truyền thống của dân tộc”, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL TPHCM Vũ Kim Anh khẳng định. 

MINH AN

Tin cùng chuyên mục