Mấy ngày qua, mưa nhiều lắm, không ai dám ra đường, dân ở gần bờ biển thì buộc phải sơ tán vào sâu trong đất liền tránh siêu bão Sandy. Thành phố tôi ở là Atlantic bên bờ Đại Tây Dương dông bão ầm ầm. Do miền Đông Nam nước Mỹ từng hứng chịu cơn bão kinh hoàng Katrina năm 2005, nên người dân tuân thủ nghiêm túc hướng dẫn sơ tán cũng như các biện pháp đề phòng bão tấn công. Điều khó chịu nhất là cúp điện. Bên này người ta đi siêu thị cho cả tuần, cả tháng, có khi mua thực phẩm trữ sẵn cho những dịp hội hè, tủ lạnh không hoạt động được thì thức ăn hỏng hết. Còn nói về công việc thì cúp điện là cúp hết: các trung tâm dữ liệu và các máy chủ không hoạt động làm các website “chết” cứ như bị hacker tấn công. Hệ thống dịch vụ thì xem như vào mùa nghỉ khỏe.
Đối với dân Mỹ, bão là “hạn” mà trời mang đến. Tuy nhiên, đối với chính quyền thì dông bão thế này là một “dịp trời cho”, nhất là năm bầu cử tổng thống và quốc hội. Các nhà lãnh đạo của chính quyền đương nhiệm luôn có cơ hội thể hiện sự chăm lo cho dân như thế nào mà không tốn một xu. Nếu không có dông bão, mỗi phút xuất hiện trên truyền hình tốn tiền rất nhiều, xuất hiện để vận động tranh cử còn tốn tiền nhiều hơn. Nhân dịp này, họ lên truyền hình, báo chí nói suốt ngày không tốn tiền mà còn được dân thương. Năm nay bầu lại toàn bộ hạ viện và một phần ba thượng viện. Nhân dịp này các ứng cử viên chạy đua ghế thượng nghị sĩ và dân biểu đều tranh thủ thăm người bị nạn hay bị thiệt hại nhà cửa, vận động quyên góp và hứa hẹn nhiều nhằm “lấy điểm” với dân. Truyền thông báo chí cũng không khác các chính trị gia, họ cũng chộp thời cơ mà đưa tin. Dôâng bão cũng là dịp để họ lôi cuốn độc giả và khán giả, họ nói suốt về bão, nơi nào cây đổ, nơi nào ngập lụt, nơi nào cúp điện. Nhưng họ nói nhiều nhất là việc bão đã ảnh hưởng thế nào đến bầu cử.
Từ đầu năm đến nay, nhiều người tưởng bầu cử năm nay không sôi động bằng bầu cử năm 2008, vì một bên là đương kim tổng thống (phần lớn các đương kim tổng thống đều đắc cử nhiệm kỳ 2), một bên là ứng cử viên Romney của đảng Cộng hòa không có gì nổi bật vì không có chương trình gì cụ thể ngoài việc chỉ trích chính phủ của ông Obama. Thế nhưng trong thời gian gần đây cuộc tranh cử trở nên rất sôi động, đặc biệt trong thời gian chuẩn bị “đón bão” và khi bão đã qua đi. Cho tới giờ, cử tri của nhiều tiểu bang bản lề (swing state) vẫn chưa quyết định ai sẽ là tổng thống của họ. Về mặt tài chính đương kim Tổng thống Obama vận động hơn một tỷ USD, còn đối thủ Cộng hòa kiếm được không kém hơn bao nhiêu. Vì lý do này cuộc bầu cử năm nay được cho là sát nút. Chưa ai dự đoán được người nào sẽ thắng. Nhớ năm nào, Tổng thống Goerge W. Bush tái tranh cử tổng thống nhiệm kỳ 2 cũng có tình trạng thế này. Trong tình hình căng thẳng chưa ngã ngũ, chỉ 4 ngày trước khi bầu cử, trùm khủng bố Bin Laden đã cho nổ quả bom chính trị bằng việc tái xuất giang hồ sau mấy năm im hơi lặng tiếng để nhắc nhở sự hiện diện của mình và đồng thời phá tan bầu không khí ngột ngạt của mùa tranh cử. Cuối cùng tổng thống đương nhiệm Goerge W. Bush đã tái đắc cử nhiệm kỳ 2 vì cử tri tin rằng mối đe dọa khủng bố vẫn còn và rằng chỉ có ông mới giúp ngăn chặn khủng bố. Chờ xem lịch sử có lặp lại hay không!
Andy Thanh