Bảo vệ chủ quyền, phát huy kinh tế biển đảo

* Phó Đô đốc Nguyễn Văn Hiến:
Bảo vệ chủ quyền, phát huy kinh tế biển đảo

LTS: Nhân kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển, từ số báo ngày 3-10-2011 đến nay, Báo SGGP đã đăng gần 20 bài viết kể về những chiến công thầm lặng của các chiến sĩ QĐND Việt Nam anh hùng trên con đường huyền thoại, ký ức về những chuyến hải trình oai hùng xuyên qua làn tên lửa đạn của kẻ thù, những tư liệu lịch sử về đoàn tàu không số; chiến lược xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước hướng ra biển Đông theo phương châm “Giàu từ biển và mạnh lên từ biển”. Những bài viết như: Mở đường, lập bến vùng đất mũi Cà Mau; Con tàu huyền thoại; Những anh hùng chưa được phong tặng; Người 2 lần từ chối danh hiệu anh hùng; Trọn tình với đồng đội, trọn nghĩa với nhân dân; Mạnh về biển, giàu từ biển; Con đường thể hiện sự làm chủ của Việt Nam trên biển… và nhiều bài viết khác đã tạo được nhiều cảm xúc, niềm tự hào và sự vững tin vào tương lai đất nước. Với gần 20 bài, chưa thể kể hết được những chiến công, sự hy sinh của các cán bộ, chiến sĩ tham gia đường Hồ Chí Minh trên biển. Sau bài trả lời phỏng vấn của Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến, Báo SGGP xin kết thúc loạt bài này.

Phó Đô đốc Nguyễn Văn Hiến

Phó Đô đốc Nguyễn Văn Hiến

Trao đổi với PV Báo SGGP, Phó Đô đốc Nguyễn Văn Hiến (ảnh), Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tư lệnh Quân chủng Hải quân khẳng định: Chủ quyền của một quốc gia được thừa nhận khi đó là sự “chiếm hữu dân sự” được luật pháp quốc tế thừa nhận, chứ không phải bằng vũ lực quân sự.

- Phóng viên: Đồng chí đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của quyết định mở đường Hồ Chí Minh trên biển cách đây 50 năm của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương?

Phó Đô đốc NGUYỄN VĂN HIẾN: Vào thời điểm đó, quân dân các tỉnh miền Tây Nam bộ và duyên hải Trung bộ đang rất thiếu vũ khí chiến đấu, mà đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh trên bộ lại không thể vươn đến để chi viện. Ngay khi những chuyến tàu đầu tiên đưa được vũ khí, hàng hóa vào an toàn, quân dân các địa phương vô cùng phấn khởi, tin tưởng vào hậu phương miền Bắc. Những chiến thắng như Bình Giã (tháng 12-1964) và Vạn Tường (tháng 8-1965) nhờ đã sử dụng vũ khí do các chuyến tàu không số chuyển vào. Ngoài việc đưa được vũ khí vào vùng sâu, vùng xa ở miền Tây Nam bộ, tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển còn mang được những vũ khí hạng nặng như thủy lôi, thuốc nổ đặc chủng cỡ lớn. Điều mà đường trên bộ khó vận chuyển được. Chính những vũ khí này đã giúp đặc công ta đánh tàu địch trên sông Sài Gòn, rồi vùng Cửa Việt (Quảng Trị) thành công.

Một điểm cần lưu ý, nếu vận chuyển trên đường bộ, phải mấy tháng trời, hàng hóa, vũ khí mới vào tới nơi. Trong khi đó, ở tuyến đường biển, nếu thuận lợi, chỉ khoảng một tuần, vũ khí từ Hải Phòng đã vào được miền Tây Nam bộ, giúp quân dân ta triển khai tác chiến kịp thời. Mặc dù số lượng không nhiều, nhưng hiệu quả rất cao. Đây có thể coi là bước ngoặt của cách mạng miền Nam, nhất là sau phong trào Đồng khởi. Có vũ khí, hàng hóa chi viện kịp thời, quân dân miền Nam nhanh chóng xây dựng được lực lượng, thay đổi cán cân, cục diện chiến trường đối với quân địch ở thời điểm đó.

* Phó Đô đốc Nguyễn Văn Hiến:

"Trong thời bình, chúng ta phải mưu trí sáng tạo để bảo vệ, giữ vững chủ quyền biển đảo, đảm bảo quyền tài phán để thăm dò, khai thác dầu khí; bảo vệ người dân đánh bắt cá, khai thác hải sản xa bờ trên những vùng biển của ta. Một điều thấy rõ, những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu hải sản ngày một tăng, kinh tế biển cũng được chú ý đầu tư, phát triển mạnh mẽ. Có được điều đó là vì chúng ta đã bảo vệ, làm chủ được biển đảo của mình".

- Trong bối cảnh hiện nay, đâu là bài học từ con đường Hồ Chí Minh trên biển để chúng ta luôn giữ được sự thông suốt, tin cậy trong những tuyến đường vận tải trên biển, nối liền đất liền với quần đảo Trường Sa cũng như các đảo khác của Tổ quốc?

Con đường Hồ Chí Minh trên biển để lại cho chúng ta những bài học lớn đến bây giờ cũng như trong tương lai. Đầu tiên đó là việc xác định ý chí quyết tâm. Trên biển khác rất xa trên bộ. Không có rừng núi, không có công sự, gần như mỗi con tàu phải đơn thân độc mã giữa biển cả bao la, không có gì che chắn... Nếu không dũng cảm, không có ý chí quyết tâm thì không làm được.

Thứ 2 là phải sáng tạo, nếu không có sự sáng tạo, chúng ta đã không thể làm nên một con đường Hồ Chí Minh trên biển đầy huyền thoại cũng như thực hiện thành công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Cùng với ý chí quyết tâm, lòng dũng cảm, sự sáng tạo của quân và dân ta đã làm nên tất cả. Phát huy những điều đó, chúng ta sẽ luôn giữ vững giao thông giữa đất liền với Trường Sa cũng như mọi vùng biển đảo khác của Tổ quốc trong bất cứ hoàn cảnh nào.

- Một trong những điểm nổi bật của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ là xây dựng thế trận lòng dân. Điều này sẽ được thực hiện như thế nào trên biển trong tình hình hiện nay?

Hiện nay, lực lượng dân quân tự vệ biển của chúng ta đang phát triển rất mạnh. Bên cạnh đó, khi kinh tế biển phát triển, dân ta cũng bám biển nhiều và xa hơn. Ngay ở Trường Sa cũng đã có cơ sở hậu cần, cung cấp xăng dầu, nước ngọt nên người dân yên tâm khai thác hải sản ở khu vực này; chủ động bám biển và đi biển xa, lâu ngày hơn trước kia. Lực lượng cảnh sát biển, cứu hộ cứu nạn trên biển cũng đông đảo, trang bị hiện đại hơn để bảo vệ người dân, vì thế bà con yên tâm, tin tưởng vào chính quyền hơn. Đó chính “thế trận lòng dân” trên biển. Mỗi con thuyền trên biển là một điểm tựa, là tai mắt, là phương tiện vận tải, liên lạc, ứng cứu... khi có những biến động, sự cố trên mỗi vùng biển của chúng ta. Mặc dù quân đội ta, cụ thể là Hải quân đã được quan tâm và trang bị nhiều vũ khí hiện đại nhưng so với nhiều nước khác trong khu vực vẫn chưa thể bằng. Vì thế, chúng ta luôn sẵn sàng ý chí đánh trả những thế lực xâm lược để bảo vệ chủ quyền biển đảo, kể cả khi kẻ thù có ưu thế vượt trội về số lượng và tính hiện đại. Lịch sử đã ghi nhận, kẻ thù nào cũng mạnh hơn chúng ta về mọi mặt, nhưng với ý chí, sự sáng tạo và thế trận lòng dân, cuối cùng chúng ta đều đã chiến thắng.

- Là lực lượng nòng cốt bảo vệ trên biển của Tổ quốc, Hải quân Việt Nam đã và sẽ làm những gì để bảo vệ người dân yên tâm làm ăn, phát triển kinh tế biển đảo, nhất là những ngư dân đánh bắt xa bờ, thưa Phó Đô đốc?

Hải quân vẫn đang làm tốt những điều đó trên các vùng biển đảo của Tổ quốc. Riêng với quần đảo Hoàng Sa, chúng ta vẫn đang tiếp tục đấu tranh về mặt luật pháp và pháp lý để đòi lại chủ quyền. Chúng ta không chủ trương dùng vũ lực để tranh chấp chủ quyền. Hải quân đang tiếp tục bảo vệ những vùng đặc quyền kinh tế, quyền tài phán trên biển chúng ta. Hiện nay chúng ta vẫn thăm dò và khai thác dầu khí, vẫn tổ chức cho ngư dân đánh bắt xa bờ trên những vùng biển của chúng ta. Tôi có thể khẳng định, hiện nay việc quản lý vùng biển của chúng ta tốt hơn khoảng 5 năm trước rất nhiều. Mới đây có thông tin cho rằng, tàu nước ngoài vào đánh bắt cá ở vùng biển Trường Sa. Đó là điều không hề có. Tôi đảm bảo chắc chắn rằng, ở vùng biển Trường Sa, không có tàu nước ngoài nào vào đánh bắt cá. Có chăng đó là ở hải phận quốc tế, gần với vùng biển Trường Sa mà thôi. Tàu nước ngoài nếu vào vùng biển chúng ta đánh cá sẽ bị đuổi ngay. Hải quân chúng ta bây giờ cơ động và hoạt động mạnh hơn trước rất nhiều trên những vùng biển của mình.

Trần Lưu (thực hiện)


Đoàn “Hành trình theo dấu tích đường Hồ Chí Minh trên biển” về đến TPHCM

(SGGP).– Chiều 22-10, tại bến tàu thuộc Lữ đoàn 125 (cảng Cát Lái - TPHCM), lãnh đạo TPHCM cùng hơn 500 đoàn viên thanh niên, chiến sĩ thuộc Lữ đoàn 125 đã tổ chức lễ đón đoàn đại biểu “Hành trình theo dấu tích đường Hồ Chí Minh trên biển”.

Đây là chương trình nhằm tái hiện lại con đường Hồ Chí Minh trên biển, do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Quân chủng Hải quân tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23-10-1961 – 23-10-2011).

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua chúc mừng các cựu binh đoàn tàu không số đến TPHCM. Ảnh: V.Dũng

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua chúc mừng các cựu binh đoàn tàu không số đến TPHCM. Ảnh: V.Dũng

Đoàn viên thanh niên tham gia đoàn “Hành trình theo dấu tích đường Hồ Chí Minh trên biển” về đến TPHCM. Ảnh: Việt Dũng

Đoàn viên thanh niên tham gia đoàn “Hành trình theo dấu tích đường Hồ Chí Minh trên biển” về đến TPHCM. Ảnh: Việt Dũng

“Hành trình theo dấu tích đường Hồ Chí Minh trên biển” kéo dài 18 ngày với sự tham gia của 148 đại biểu là thủy thủ tàu không số năm xưa, những gương mặt trẻ tiêu biểu như cán bộ chiến sĩ, doanh nhân, bác sĩ, văn nghệ sĩ, nhà báo….

Hành trình xuất phát từ bến K20 (Hải Phòng) vào ngày 6-10 và lần lượt đi qua các bến Sông Ranh (Quảng Bình), Sa Kỳ (Quảng Ngãi), Vũng Rô (Phú Yên), Lộc An (Bà Rịa – Vũng Tàu), Thạnh Phong (Bến Tre), Vàm Lũng (Cà Mau), Cát Lái (TPHCM). Tại những điểm đến này, các thủy thủ tàu không số được gặp lại những đồng chí, đồng bào đã che chở, đùm bọc mình năm xưa.

Trong đợt hành trình này, đoàn đã kết hợp với các địa phương trao 20 ngôi nhà tình nghĩa trị giá 1,2 tỷ đồng, tặng 167 sổ tiết kiệm trị giá hơn 500 triệu đồng, gần 1.200 phần quà và 200 suất học bổng cho các cựu chiến binh đoàn tàu không số và con em của họ.

Tối cùng ngày, tại Hội trường Lữ đoàn 125 đã diễn ra lễ tổng kết “Hành trình theo dấu tích đường Hồ Chí Minh trên biển” và trao giải cho 87 tập thể và cá nhân tham gia cuộc thi tìm hiểu “Huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển”.

Th.An

Tin cùng chuyên mục