Bảo vệ mảng xanh, khu vực thoát nước đô thị

 
May mắn không có thiệt hại về người trong các đợt mưa lớn tại TPHCM vừa qua song tình trạng ngập nước cũng đã làm xáo trộn cuộc sống của người dân TP. Thế nhưng không chỉ những cơn mưa vừa rồi mà trước đó, hễ có mưa lớn hoặc triều dâng cao là nhiều khu vực ở TPHCM bị ngập. Nguyên nhân gây ngập ở một đô thị lớn như TPHCM có thể không giống nguyên nhân ngập, lũ ống, lũ quét ở các tỉnh Bắc bộ và Bắc Trung bộ nhưng nói cho cùng, tất cả đều xuất phát từ cách ứng xử của con người với thiên nhiên. Nếu chúng ta bảo vệ rừng, giữ gìn cây xanh, không chặn các hướng thoát nước tự nhiên thì hậu quả của bão lũ, mưa gây ra không lớn như vậy. 

Nhìn lại những khu vực ngập nặng nề trong các cơn mưa ở TPHCM, chúng ta thấy rõ điều này. Là những khu vực cao nhất thành phố, các quận như Gò Vấp, 12, huyện Hóc Môn… trước kia gần như chẳng mấy khi bị ngập, vậy mà cơn mưa ngày 12-10 vừa qua đã làm cho nhiều khu dân cư ở đây ngập… tới gần 2 ngày. Cho đến chiều ngày 14-10, nhiều con hẻm tại phường Đông Hưng Thuận, phường Tân Chánh Hiệp (quận 12) nước vẫn ngập sâu khoảng 0,5m, cá biệt có điểm ngập tới gần 1m. Bê tông hóa tràn lan, lấn hết diện tích đất thoát nước tự nhiên là nguyên nhân chính đưa khu vực vốn được gọi là “gò” của thành phố rơi vào tình trạng ngập như vậy. 
Không chỉ có đất, cây xanh còn giúp điều hòa không khí và giữ nước cũng đang bị xâm hại. Mới đây, trên tuyến đường Nguyễn Văn Trỗi (quận Phú Nhuận), một số cây xanh bỗng nhiên héo úa lá và chết dần một cách bất thường. Trước đó, nhiều cây xanh trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3), Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Võ Thị Sáu (quận 1 và 3), Nguyễn Văn Hưởng (quận 2)… cũng bị xâm hại. Nhiều cây xanh trên đường Bình Tiên (quận 6) bị chặt gần hết tán lá. Hồi đầu năm nay, người dân phát hiện một nhóm người đang tổ chức dùng cưa máy cắt tỉa cành trái phép gần 20 cây xanh trồng dọc trên tuyến đường Trường Sơn quận Tân Bình (đoạn từ đường Cửu Long đến Hậu Giang)… 

Cây xanh cũng đang phải nhường chỗ cho các dự án phát triển hạ tầng. Nếu không có gì thay đổi, từ nay đến cuối năm hoặc chậm lắm đến đầu năm sau, TPHCM sẽ đốn hạ và di dời gần 400 cây xanh trong đó có nhiều cây cổ thụ trên đường Tôn Đức Thắng và công viên Gia Định để xây cầu Thủ Thiêm 4 và giải quyết ùn tắc giao thông cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Vẫn biết đây là việc “chẳng đặng đừng” nhưng đáng nói, trong bối cảnh này, nhiều dự án xây dựng công viên mới tại nhiều quận, huyện như Gò Vấp, Củ Chi lại thực hiện rất chậm vì không có nguồn lực thực hiện. Chưa hết, do quản lý chưa chặt nên trong nhiều dự án phát triển bất động sản, đáng lẽ phải dành một diện tích theo quy định để trồng cây xanh nhưng chủ đầu tư các dự án này đã tìm mọi cách né.

Trước những hậu quả nặng nề do mưa, lũ gây ra, có lẽ đã muộn để nhận ra vai trò to lớn của cây xanh trong việc thích ứng, hài hòa với tự nhiên. TPHCM nên tổng rà soát lại việc phát triển đô thị. Là trung tâm kinh tế lớn của cả nước, đô thị hóa là điều tất yếu song không có nghĩa phát triển tràn lan. Phát triển đô thị tràn lan không những để lại nhiều hậu quả xấu cho môi trường mà việc khắc phục cũng rất khó. Theo nhiều chuyên gia trong ngành, gần như không có thành phố nào trên thế giới đủ năng lực tài chính để đầu tư hoàn chỉnh hệ thống cống thoát nước cho một đô thị cứ phát triển dàn rộng ra như vết dầu loang. Cách hiệu quả nhất là hình thành các khu dân cư tập trung với hệ thống hạ tầng đầy đủ và “trả” một phần đất thích đáng cho thoát nước tự nhiên, cho cây xanh phát triển. Đồ án quy hoạch phát triển đô thị TPHCM đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2025 xác định khá rõ các khu vực phát triển đô thị và các khu vực cần bảo vệ, cần phát triển mảng xanh. Đã đến lúc TPHCM phải thực hiện nghiêm quy hoạch để phát triển bền vững. 

Tin cùng chuyên mục