Bảo vệ môi trường - những mô hình lan tỏa


Bằng những việc làm thiết thực, nhiều chi hội, tổ hội phụ nữ tại các quận, huyện trên địa bàn TPHCM đã chung tay góp phần bảo vệ môi trường sống ngày càng xanh, sạch, đẹp.
Mô hình “Biến rác thành tiền” được bà Tư Hậu khởi xướng và nay đã lan rộng trên địa bàn quận Tân Phú
Mô hình “Biến rác thành tiền” được bà Tư Hậu khởi xướng và nay đã lan rộng trên địa bàn quận Tân Phú

Trong đó, có thể kể đến một số mô hình hay như “Biến rác thành tiền”, “Ve chai và những tình thương”, “Phụ nữ vì môi trường xanh”, “30 phút vì thành phố sạch đẹp”… đang tạo sự lan tỏa. 

Biến rác thành tiền

3 giờ chiều, trời đang kéo mây đen và gió bắt đầu thổi. Chị Tư Hậu (tên thân mật mọi người thường gọi bà Trương Thị Hậu), Chi hội trưởng phụ nữ khu phố 3, phường Phú Thạnh, quận Tân Phú (TPHCM), dắt chiếc xe máy cà tàng ra khỏi nhà. Tiếng cô con gái hỏi: “Má lại đi lấy ve chai lúc mưa gió nữa sao”. Chị Tư Hậu cười trả lời: “Lấy quần áo đang phơi vào giúp má. Má qua nhà dì Năm rồi về ngay”. 15 phút sau, chị trở về nhà khi trời đã đổ mưa, trên xe là một túi phế liệu. Vừa soạn lại túi đồ, phân ra các loại phế liệu, chị Tư Hậu vừa phân trần: “Mấy chị đã để dành cho mình nên phải đi lấy ngay, chứ không lại quên. Mình chịu khó một chút mà có đồng ra, đồng vào để chăm lo cho chị em và tụi nhỏ”. Khi mới bước vào cổng nhà chị Tư Hậu, chúng tôi giật mình với đống phế liệu chị trữ tại đây. Ngay dưới tấm băng rôn Điểm nhận của mô hình “Biến rác thành tiền” nào là túi đựng chai nhựa, thùng các tông được xếp phẳng, giấy báo, túi đựng lọ thủy tinh, lon bia… Chị cười cho biết cách đây 2 ngày đã bán một đợt, chứ mấy ngày trước thì nhà chị không còn lối đi vào. 

Hơn 5 năm trước, thấy nhiều nhà còn vứt chai nhựa, túi ni lông ra đường, chị Tư Hậu nghĩ phải khởi xướng phong trào thu gom phế liệu, trước tiên là giúp giảm ô nhiễm môi trường, sau giúp chị em có ý thức tiết kiệm, hội phụ nữ có thêm nguồn để chăm lo hội viên. Khi phát động, chị và các hội viên đến từng nhà vận động, tại các cuộc họp tổ, chị cũng đứng lên phát động. Mưa dầm thấm lâu, ban đầu chỉ có vài người ủng hộ, nay thì hầu hết chị em đều tham gia, cứ có rác tái chế thì mọi người nghĩ ngay để dành cho chị Hậu. Khi thì chị em mang đến nhà chị Tư Hậu, khi thì kêu một tiếng là chị chạy đến lấy. Rồi chị nghĩ cách đổi rác lấy quà. Chị em có rác tái chế mang đến đổi lấy giỏ nhựa, túi thân thiện môi trường. Đến nay, mỗi tháng tiền bán phế liệu của chị Tư có khi lên đến 500.000, 700.000 đồng. Số tiền này, chị dành chăm lo cho những chị em khó khăn, trao các phần học bổng, quà. 

Mô hình “Biến rác thành tiền” của chị Tư Hậu cũng lan tỏa đến các phường trên địa bàn quận. 3 năm nay, các tiểu thương tại chợ Hiệp Tân cũng đẩy mạnh mô hình này. Cứ vào ngày thứ ba hàng tuần, bà con tiểu thương lại mang phế liệu đến điểm tập kết, ai bận việc thì Chi hội trưởng phụ nữ chợ Huỳnh Hồng Trước cùng các anh bảo vệ chợ đến sạp để nhận rồi cân ký ngay cho người thu mua. “Hồi đó tiểu thương thường để tồn đọng các phế liệu như túi ni lông, thùng các tông tại sạp, gây mất vệ sinh cũng như không đảm bảo việc phòng cháy chữa cháy. Từ khi mô hình được thực hiện, chị em đã nâng cao nâng cao ý thức trong việc thu gom rác thải đảm bảo vệ sinh môi trường và cùng nhau chia sẻ với các hoàn cảnh khó khăn. “Mình cứ làm, việc tốt rồi cũng dần lan tỏa”, bà Trước cho biết. Nếu ban đầu chỉ có 20 sạp của hội viên tiên phong thực hiện, đến nay mô hình đã được 120 sạp của tiểu thương hưởng ứng. Kết quả sau 3 năm, chi hội đã thu gom trên 5 tấn bao bì, phế liệu tái chế. 

Nâng cao ý thức người dân

Tại phường 9 quận 3 (TPHCM), mô hình “Ve chai và những tình thương” được chị em tích cực thực hiện. Hình ảnh những người phụ nữ mặc áo màu tím đi đến từng gia đình thu gom phế liệu, vận động người dân giữ gìn vệ sinh môi trường sống và ra quân dọn vệ sinh đã giúp người dân nơi đây thêm ý thức trong bảo vệ môi trường. Theo chị Trần Thị Xuân Hương, Chủ tịch Hội phụ nữ phường 9, cách tuyên truyền hiệu quả đến chị em chính là bằng việc làm thiết thực. Khi nhìn thấy được ý nghĩa của mô hình, chị em sẽ chung tay thực hiện. 

Còn tại phường 8 quận 11, từ 2 năm nay, cứ mỗi 5 giờ sáng chủ nhật hàng tuần, các con hẻm tại khu phố 1 lại vang lên tiếng chổi của bà con đi dọn vệ sinh. Nếu ban đầu chỉ có 5, 7 người tham gia thì nay đã lên 40 người. Từ các sư của chùa Liên Hoa đến các phật tử, người dân, rồi dần thanh niên cũng bắt đầu tham gia. “Mỗi tuần chỉ cần 30 phút chung tay làm vệ sinh là khu phố đã sạch rác. Mình cứ làm, mọi người thấy việc có ích thì dần tham gia và truyền tai nhau. Nhờ đó ý thức bảo vệ môi trường của người dân trong khu phố dần được cải thiện”, bà Giả Thị Sửa, Tổ trưởng tổ dân phố 7, tâm sự. Ban đầu, mỗi lần ra quân, mọi người thu gom đến 8 xe rác - nào là chai, ly nhựa, hộp xốp, túi rác, túi ni lông - không chỉ trên đường mà cả ngay các miệng cống. Đến nay thì chỉ còn 3 thùng, mà đa phần là lá cây. 

Đưa chúng tôi đi quanh tổ, bà Sửa vui vẻ cho biết ý thức vệ sinh của người dân được nâng cao nên trước cửa nhà và đầu các con hẻm cũng không còn các túi rác bị vứt lung tung gây mất vệ sinh nữa. “Bác Hồ từng căn dặn bảo vệ môi trường phải từ những việc làm nhỏ của người dân. Khi mọi người chung tay thì việc làm nhỏ sẽ trở thành hành động lớn. Trong đó công tác tuyên truyền tốt sẽ giúp mọi người hiểu và cũng nhau ý thức giữ gìn”, bà Sửa chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục