Theo đó, kế hoạch yêu cầu phải quản lý, bảo vệ, bảo tồn các giá trị tài nguyên thiên nhiên, môi trường, đa dạng sinh học; các giá trị di tích văn hóa, lịch sử; khai thác hợp lý và phát huy các giá trị của KBTB; cải thiện đời sống của cộng đồng dân cư sống trong và xung quanh KBTB Vườn quốc gia Núi Chúa; đảm bảo và duy trì chức năng của vùng lõi Vườn quốc gia Núi Chúa trong Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa.
Đối tượng tài nguyên quản lý bao gồm: Hệ sinh thái rạn san hô, rong, cỏ biển; những loài động, thực vật nguy cấp, quý, hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng cần được ưu tiên bảo vệ; xây dựng và triển khai có hiệu quả đề án tổng thể phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; xây dựng kế hoạch nuôi trồng, tái tạo và khai thác nguồn lợi thủy sản, xác định khu nuôi trồng, khai thác thủy sản cho người dân sinh sống trong và xung quanh KBTB.
Kế hoạch quản lý KBTB được thực hiện trong vùng đệm và phạm vi KBTB kéo dài từ Mũi Đá Vách ở phía Bắc xuống phía Bắc Hòn Chông ở phía Nam, tổng diện tích 7.352ha.
Trong đó, phân khu bảo vệ nghiêm ngặt có diện tích 667ha; phân khu phục hồi sinh thái có diện tích 656ha; phân khu dịch vụ, hành chính có diện tích 6.029ha.
Ngoài ra, vùng đệm là vùng biển, ven biển bao quanh, tiếp giáp với ranh giới KBTB cũng cần được bảo vệ nhằm ngăn chặn, giảm nhẹ tác động gây hại từ bên ngoài.
Tổng kinh phí thực hiện khoảng hơn 3,3 tỷ đồng.
Vườn quốc gia Núi Chúa vừa được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Đây một vùng rộng lớn bao gồm phần biển với tổng diện tích hơn 106.646ha, vùng lõi là Vườn Quốc gia Núi Chúa với hơn 15.752ha, vùng đệm chiếm hơn 48.762ha và vùng chuyển tiếp gần 42.132ha. Đây là khu dự trữ sinh quyển thế giới duy nhất ở Việt Nam đại diện cho hệ sinh thái rừng khô hạn nhiệt đới với 54 loài thực vật quý hiếm trên tổng số 1.514 loài, 46 loài động vật quý hiếm trên tổng số 345 loài, trong đó nhiều loài quý có tầm quan trọng quốc tế như voọc chà vá chân đen, cheo lưng bạc... |