Bảo vệ nguồn cá bền vững để phát triển ngành sản xuất nước mắm ở Việt Nam

Sáng 15-12 tại Hà Nội, Hiệp hội Nước mắm Việt Nam đã phối hợp với Hội Nghề cá Việt Nam, Viện Nghiên cứu Hải sản (Bộ NN-PTNT) tổ chức hội thảo "Bảo vệ nguồn cá để phát triển bền vững ngành sản xuất nước mắm ở Việt Nam".
Hội thảo bảo vệ nguồn lợi hải sản để làm nguyên liệu cho nghề sản xuất nước mắm ở Việt Nam sáng 15-12

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, ở Việt Nam, từ bao đời nay nước mắm đã là một loại gia vị đặc biệt. Nguồn nguyên liệu sản xuất nước mắm chủ yếu là nhóm cá nổi nhỏ và cá đồng (chủ yếu sử dụng cá linh ở Đồng bằng sông Cửu Long). Trong đó, nguồn cá biển có thể thu được từ các ngư trường dọc các tỉnh duyên hải từ vịnh Bắc bộ, miền Trung đến vịnh Thái Lan. Nguồn cá đồng như cá linh thì tập trung nhiều ở tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An...

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phát biểu tại hội thảo

Tuy nhiên, nguồn lợi thủy sản Việt Nam, trong đó có nguồn cá làm nước mắm đang có dấu hiệu suy giảm, vì vậy việc bảo vệ và phát triển bền vững nguồn nguyên liệu cá làm nước mắm ở Việt Nam là rất cấp thiết.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT đề nghị Hiệp hội Nước mắm Việt Nam, Hội Nghề cá Việt Nam, Viện Nghiên cứu hải sản cùng các chuyên gia, các nhà nghiên cứu và đại diện các doanh nghiệp đánh giá kỹ nguồn lợi cùng các biện pháp bảo vệ, phát triển bền vững nguồn nguyên liệu cá làm nước mắm ở Việt Nam.

Tại hội thảo, TS Vũ Việt Hà, Trưởng phòng Nghiên cứu nguồn lợi (Viện Nghiên cứu hải sản) cho biết, nguyên liệu chính để sản xuất nước mắm hiện nay là cá nổi nhỏ với 3 loại gồm: cá cơm, cá trích, cá nục cùng các nhóm khác. Trong đó, nguồn từ cá nổi nhỏ ở biển nước ta có trữ lượng khoảng 2,45 triệu tấn (chiếm 62,1%) và tập trung tại các vùng biển vịnh Bắc bộ (22,3%); Trung bộ (28,2%); Đông Nam bộ (31,9%); Tây Nam bộ (17,5%). 

“Cá nục là đối tượng chiếm ưu thế ở vịnh Bắc bộ và Trung bộ; còn cá cơm chủ yếu ở vùng biển Tây Nam bộ và một phần tại Trung Trung bộ. Cá trích phân bố rải rác ở toàn bộ vùng biển ven bờ, nhưng mật độ cao tại vùng biển vịnh Bắc bộ” – ông Vũ Việt Hà cho biết.

Ông Đinh Xuân Lập cho biết tổng giá trị ngành nước mắm ở nước ta đạt 6.000 tỷ đồng mỗi năm

Còn theo ông Đinh Xuân Lập, Phó Giám đốc ICAFIS thuộc Hội Nghề cá Việt Nam, từ thời xa xưa cách đây khoảng 500-600 năm đã có nghề làm nước mắm ở nước ta. Suốt miền duyên hải đều làm nước mắm (chủ yếu làm từ cá biển). Theo thống kê, cả nước hiện có 783 cơ sở sản xuất nước mắm, 1.500 nông hộ tham gia sản xuất 250 triệu lít nước mắm mỗi năm. Nước mắm của Việt Nam hiện đã xuất khẩu tới 20 thị trường. Tổng giá trị ngành nước mắm đạt khoảng 6.000 tỷ đồng mỗi năm với tốc độ tăng trưởng 13%. Tuy nhiên, hiện nay, chúng ta đang đứng trước nguy cơ nguồn lợi hải sản ven bờ ngày càng cạn kiệt. 

Ông Đinh Xuân Lập đề nghị thiết lập các mô hình quản lý nguồn lợi dựa vào cộng đồng, hướng tới khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản cho sản xuất nước mắm, lấy nền tảng là các chi hội nghề cá. “Tăng cường liên kết với các hiệp hội nước mắm để thúc đẩy việc phát triển ngành hàng nước mắm và đưa nước mắm Việt ra thế giới”- ông Lập nói. 

Chủ tịch Hiệp hội Nghề cá Việt Nam Nguyễn Việt Thắng công bố kế hoạch phối hợp hành động về bảo vệ nguồn lợi thủy sản và phát triển thương hiệu nước mắm Việt Nam

Tại hội thảo, Hiệp hội Nghề cá Việt Nam và Hiệp hội Nước mắm Việt Nam đã công bố ký kết kế hoạch phối hợp hành động về tăng cường trao đổi thông tin, triển khai phong trào “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; nghiên cứu ứng dụng các biện pháp ngăn ngừa, phòng chống hàng giả, góp phần bảo vệ thương hiệu Việt Nam, tạo ra nhiều sản phẩm nước mắm có chất lượng, đảm bảo an toàn, phù hợp thị hiếu của người tiêu dùng…  

Tin cùng chuyên mục