Bảo vệ sự thật - cuộc chiến vì lẽ phải

Bảo vệ sự thật - cuộc chiến vì lẽ phải

Tính đến nay đã 65 năm đã trôi qua, kể từ thời điểm kết thúc cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại, đánh tan chủ nghĩa phát xít,  mở đường làm tan rã hệ thống thực dân trên toàn thế giới. Thắng lợi của cuộc chiến có ý nghĩa lịch sử vô cùng quan trọng, tạo nên chuyển biến căn bản cục diện thế giới sau chiến tranh. Thế nhưng, sự thật vẻ vang này đang từng ngày bị đe dọa và xuyên tạc bởi những nhà chính trị và những sử gia cực đoan nhằm phục vụ lợi ích của mình. Bảo vệ sự thật đang là cuộc đấu tranh đầy cam go, không chỉ của nhân dân Nga mà còn của nhân dân tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Âm mưu viết lại lịch sử

Lâu nay ở phương Tây vẫn luôn có những luồng dư luận không tích cực, tạo ra một trào lưu cố tình xuyên tạc các sự kiện lịch sử quan trọng liên quan đến cuộc Cách mạng tháng Mười Nga, Chiến tranh thế giới thứ hai. Đó là những lời tấn công vào vai trò của các đảng Cộng sản trong cuộc chiến chống chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa phát xít để cứu loài người ra khỏi thảm họa diệt chủng. Và Nga chính là mũi nhọn của những cuộc công kích, xuyên tạc này. Chính phủ Nga qua nhiều giai đoạn đã nỗ lực tìm cách chống lại những âm mưu được cho là trâng tráo và xúc phạm nặng nề đối với quá khứ.

Bảo vệ sự thật - cuộc chiến vì lẽ phải ảnh 1

Áp phích tuyên truyền ngày chiến thắng phát xít ở Liên Xô

Trong cuộc chiến tranh chống phát xít Đức, hơn 27 triệu người Liên Xô đã ngã xuống. Và ở những quốc gia khác, phát xít Đức bằng những hình thức man rợ đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu người dân vô tội. Chúng đã kết liễu sinh mạng của những người này bằng những đòn hành hạ, tra tấn dã man, điên rồ nhất mà chúng có thể nghĩ ra.

Theo kết quả thăm dò dư luận do Trung tâm thăm dò ý kiến xã hội toàn Nga tiến hành vào tháng 5-2009, nhân dịp kỷ niệm 64 năm chiến thắng phát xít Đức, đại đa số người được hỏi (60%) đã ủng hộ việc trừng trị những hành động xuyên tạc sự thật về chiến tranh thế giới thứ hai. Ngoài ra, đại đa số người được hỏi (77%) khẳng định rằng Hồng quân Liên Xô đã giải phóng và đem lại điều kiện phát triển cho các nước châu Âu. Trong khi đó, tại các nước Đông Âu, thế hệ những người có tuổi đều có thái độ tôn trọng vai trò của quân đội Xô Viết trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Các nhà sử học nghiêm túc nghiên cứu về giai đoạn này cũng đánh giá vai trò hàng đầu của Liên Xô trong Chiến thắng phát xít Đức. Tuy nhiên, đa số giới trẻ được hỏi trong các cuộc thăm dò dư luận tại một số nước Đông Âu lại có ý kiến khác.

Trong một cuốn sách lịch sử, quân đội Mỹ đã viết về vai trò của Liên Xô trong Chiến tranh thế giới thứ hai với nội dung: “sự đóng góp của Liên Xô đã bị cường điệu hóa, bởi vì ở phía Đông chiến tranh chỉ diễn ra trên một mặt trận trên bộ, trong khi ở phía Tây, phe đồng minh đã chiến đấu cả trên không, trên biển, trên bộ”. Thật sự thì vào thời điểm năm 1944 chỉ một mặt trận Xô - Đức qui mô quân sự và số quân tham chiến đã gấp 4 lần tất cả các mặt trận mà đồng minh Anh-Mỹ cộng lại. Quân Đức đã chịu tổn thất lớn nhất trong các trận chiến với Hồng Quân, tại đó Đức mất 70% quân số và 75% tổng số các phương tiện kỹ thuật như xe tăng, máy bay, pháo…

Giờ đây, tại một số nước từng thuộc Liên bang Xô Viết trước đây đang công khai lên án chế độ Xô Viết, cho rằng chiến thắng phát xít đối với họ không phải là một sự giải phóng mà là thay thế ách thống trị này (phát xít) bằng một ách thống trị khác (Xô Viết). Họ quên rằng nếu không có chiến thắng phát xít thì tất cả các dân tộc châu Âu – kể cả họ cũng đã bị tiêu diệt.

Tiến đến kỷ niệm 65 năm chiến thắng phát xít Đức (9-5-1945 đến 9-5-2010), Tổng thống Nga Medvedev ngày 7-5 khẳng định, Nga luôn sẵn sàng giáng trả những mưu toan bóp méo bản chất của chiến thắng trong cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại (1941-1945). Năm ngoái, phát biểu nhân lễ kỷ niệm, giải phóng thủ đô Belgarde của Cộng hòa Serbia thuộc Nam Tư cũ khỏi sự xâm lược kéo dài 4 năm của phát xít Đức (20-10-1944), Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã lên tiếng cực lực phản đối mưu toan xuyên tạc lịch sử, đổ trách nhiệm cho Liên Xô cùng với Đức quốc xã gây ra Chiến tranh thế giới thứ hai, và coi đây là quan điểm đáng bị lên án nhất.

Mạnh tay với sự xuyên tạc

Cựu Tổng thống và giờ đây là Thủ tướng Nga Vladimir Putin cùng Tổng thống hiện nay Dmitry Medvedev đã lên tiếng khẳng định mạnh mẽ chống lại trào lưu bôi xấu lịch sử và kêu gọi các tầng lớp nhân dân Nga, đặc biệt là thế hệ trẻ cần ý thức về tôn trọng sự thật lịch sử. Giới trẻ chính là đối tượng tiếp nhận được nhiều luồng thông tin với tốc độ nhanh chóng nhưng khó mà có sự chọn lọc kỹ. Qua đó, Tổng thống Medvedev đã thành lập một cơ quan đặt ngay bên cạnh văn phòng tổng thống để chống lại các âm mưu xuyên tạc lịch sử nước Nga.

Tổng thống Medvedev nêu rõ rằng trong chiến tranh, không phải ở đâu người ta cũng chống lại bọn phát xít, bằng chứng là một loạt quốc gia châu Âu đã không chống cự lại phát xít, nhiều nước khác không những ủng hộ, mà còn tiến hành cuộc chiến cùng phe với chế độ Hitler hoặc hỗ trợ hậu cần cho bộ máy chiến tranh của chúng.

Bảo vệ sự thật - cuộc chiến vì lẽ phải ảnh 2

Tù nhân Đức bị bắt giữ sau chiến dịch Bagration mùa hè năm 1944

Theo Tổng thống Medvedev, cần phải nói thẳng ra rằng nếu không có sự ủng hộ như vậy thì số lượng nạn nhân phát xít có thể không nhiều đến như vậy. Ông Medvedev cho rằng cần phải nhắc lại điều đó cho những ai ngày nay đang mưu toan xét lại lịch sử. Theo Tổng thống Medvedev, hiện có một số nước đang có xu hướng “anh hùng hóa” những kẻ trước đây ủng hộ phát xít Hitler, xem đó là biểu tượng cho cuộc đấu tranh tự do. Trong khi đó, một số khác lại tìm cách đầu cơ chính trị chống Nga, đưa ra các luận điểm về trách nhiệm ngang nhau của nước Đức Hitler và Liên Xô trong việc khởi chiến, nhằm đạt được những quyền lợi chính trị ích kỷ của mình. Điều đó không hề có gì chung với hiện thực và rất vô đạo đức đối với hương hồn hàng triệu người đã hy sinh đời mình trong cuộc chiến chống phát xít, cũng như trong các trại tập trung phát xít. Những hành động như vậy chỉ có thể đánh giá là khinh thường kết quả cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai, không tôn trọng những quyết định mà cộng đồng thế giới đã tuyên bố thời đó, cụ thể là những tuyên bố của Tòa án quân sự xét xử tội phạm phát xít Đức tại Nurumberg. Trong bài phỏng vấn của hãng tin RIA Novosti ngày 7-5, ông Medvedev nói rằng người Đức còn công bằng hơn người dân ở 3 nước Baltic.

Sự lên tiếng cảnh báo của Tổng thống Nga Medvedev về mưu toan xuyên tạc lịch sử cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai của một số nhà chính trị ở phương Tây càng nhắc nhở người dân Nga, cũng như những thế hệ trẻ ngày nay cần phải cẩn trọng hơn nữa. Lợi dụng tự do, dân chủ, nhân quyền, tự do thông tin báo chí, những cá nhân trên đã bịa đặt câu chuyện lịch sử theo những hình thức khác nhau, với cách nhìn phiến diện và cực đoan, họ đã tạo ra sự hoài nghi và ngộ nhận về quá khứ của nhiều tầng lớp nhân dân dưới nhiều hình thức khác nhau khiến họ có cái nhìn khác về Chiến tranh thế giới lần 2 và phủ nhận những công lao mà Liên Xô đã đóng góp cho nhân loại trong cuộc chiến cam go này.

Liên quan đến vấn đề này, công luận Nga cho rằng những hành động xuyên tạc sự thật về chiến tranh thế giới thứ hai cần phải bị trừng trị. Hiện Duma quốc gia  Nga (Hạ viện Nga) đang xem xét nội dung sửa đổi Điều luật bổ sung “Về sự biện hộ cho chủ nghĩa quốc xã” của Bộ luật Hình sự Liên bang Nga. Trong đó có điều khoản phạt tù giam tới 3 năm hay phạt tiền tới 300.000 rúp đối với những hành động công khai biện minh cho chủ nghĩa phát xít; không tùy thuộc vào nơi sinh sống và quốc tịch, bất cứ ai công khai phủ nhận chiến thắng phát xít Đức của quân đội Liên Xô và chiến công của nhân dân Xô Viết trong Chiến tranh thế giới thứ hai, tán thành ý tưởng trái ngược với kết quả Tòa án Nurumber, đều phải chịu trách nhiệm hình sự về hành động của mình. Đây được cho là một đòn mạnh, một biện pháp thiết thực để ngăn chặn và trừng phạt những kẻ muốn xâm hại đến sự thật lịch sử.

Bên cạnh đó, ông Boris Shpigel, Chủ tịch  của Đại hội toàn thế giới những người Do Thái nói tiếng Nga cho biết ý tưởng sẽ thành lập một tổ chức quốc tế mang tên “Thế giới không có chủ nghĩa quốc xã” đã được Ủy ban châu Âu thông qua. Nhiệm vụ của tổ chức sớm được thành lập này là nghiên cứu các hiện tượng như khôi phục chủ nghĩa Nazi và anh hùng hóa các tội phạm quốc xã; làm cho thế hệ trẻ hiểu được sự thật lịch sử về các sự kiện và bài học Chiến tranh thế giới thứ hai. Hiện đã có 28 quốc gia đệ đơn đăng ký gia nhập tổ chức này. Đây được xem là tín hiệu tích cực để chính những người sống trong hiện tại gìn giữ và duy trì lịch sử thiêng liêng thuộc về hơn nửa thế kỷ trước.

THIÊN NHƯ (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục