Báo Xuân, ngày Tết

Như một thói quen từ những ngày còn ngồi trên giảng đường đại học, mỗi lần đi đường tôi đều ngó nghiêng vào những sạp báo giấy. Những lúc hay tin có bài của mình trên mặt báo, tôi đều cố gắng phải tìm và mua bằng được để giữ lại kỷ niệm, dù với nhiều người chuyện đó là cổ lỗ sĩ.
Báo Xuân, ngày Tết

Như một thói quen từ những ngày còn ngồi trên giảng đường đại học, mỗi lần đi đường tôi đều ngó nghiêng vào những sạp báo giấy. Những lúc hay tin có bài của mình trên mặt báo, tôi đều cố gắng phải tìm và mua bằng được để giữ lại kỷ niệm, dù với nhiều người chuyện đó là cổ lỗ sĩ.

1. Tôi nhớ, có một dạo khi xuống Thanh Đa (quận Bình Thạnh, TPHCM) ngồi nhâm nhi ly cà phê sáng với bạn bè, nhìn bàn kế bên là hình ảnh người đàn ông trung niên vừa nhâm nhi ly đen đá vừa lật từng trang báo và đọc say sưa. Đáng nói hơn, không gian xung quanh ai cũng chăm chú với những chiếc smartphone (điện thoại thông minh) mà chẳng chịu nói với nhau nửa lời, hoặc giả lâu lâu ngẩng mặt lên rồi thôi. Hai hình ảnh đối lập ấy cứ lảng vảng trong đầu tôi suốt, vì hình ảnh những người đọc báo bên ly cà phê hay tách trà sáng sớm giờ đang dần thành xa lạ. Nhiều quán cà phê có những giá để báo nhưng phần lớn là những tờ tạp chí, khách chỉ lướt qua xem hình rồi hờ hững trả lại, hoặc lười biếng hơn, vứt toẹt xuống bàn. Nhìn những tờ báo, tạp chí mép quăn tít, nhàu nhĩ được gấp vội vàng, thấy chạnh lòng…

Hơn 10 năm về trước, khi còn học tập và làm việc tại Hà Nội, những chiếc xe đạp bán báo với chiếc loa nhỏ xíu len lỏi vào từng ngõ ngách, tiếng loa rao là những kỷ niệm đặc biệt với tôi. Thời đó (có thể một phần bây giờ vẫn vậy) những tin dạng cướp-giết-hiếp lúc nào cũng được chú ý hay các tờ báo về bóng đá luôn bán chạy. Một anh xe ôm chờ khách ven đường dưới trời nắng cháy say sưa đọc báo và nếu bạn là hành khách sẽ được anh cập nhật cho hàng loạt tin tức nóng hổi, chẳng khác gì mục điểm báo của thời sự chào buổi sáng trên tivi. Thậm chí còn sống động hơn. Những quán cà phê sáng dọc vỉa hè, trên tay ai cũng cầm những tờ báo nóng hổi như một thói quen. Và tôi nghĩ, điều đó thật đẹp. Hà Nội sau hơn 10 năm trở lại, theo thời cuộc, những xe đạp bán báo dần thưa vắng. Bên những ly cà phê hay tách trà còn nghi ngút hơi ấm cũng dần vắng người đọc báo. Cũng đúng thôi vì điện thoại, máy tính bảng và đặc biệt lên mạng xã hội vừa giải trí vừa cập nhật tin tức chóng vánh thì tờ báo giấy cũng dần trở thành dĩ vãng. Báo giấy đang ở giai đoạn khó khăn, thậm chí lao đao khi chỉ số phát hành, quảng cáo, doanh thu... tất thảy đều giảm, thậm chí nhiều tờ đã phải đóng cửa. Thời hoàng kim đó, giờ chỉ còn là dĩ vãng dù biết rằng, báo giấy sẽ không bao giờ chết.

2. Lại nhớ, đầu những năm 2000, trên ghế nhà trường phổ thông khi đọc những trang tùy bút, bút ký của cụ Nguyễn Tuân bên khung cửa sổ có cậu học trò từng mơ mộng sau này mình cũng viết được cái gì đó hay ho chăng. Vậy là ôm mộng thi vào báo chí. Thi đơn giản vì thích chứ không được định hướng, tìm hiểu rõ ràng như hiện nay. Lại nhớ, khi phiếu báo đậu đại học về đến nhà, dòng chữ chuyên ngành “báo in” được viết ngay ngắn, màu mực đen sắc nét khiến cả nhà ngẩn ngơ, tưởng nó đi học viết báo, hóa ra chỉ là đi học in báo, sau này cũng chỉ là công nhân trong xưởng in mà thôi? Nghĩ rồi chạnh lòng, vì thực ra lúc đó nào đâu biết báo in, báo viết chỉ là những tên gọi khác nhau cho đến khi nhập học.

Những năm tháng trên giảng đường đại học đầy ắp những niềm vui và cả sự háo hức. Không háo hức sao được bởi cái mộng mơ năm nào giờ cứ hiện lên dần rõ nét hơn khi bắt đầu nhập môn báo chí truyền thông, rồi đến phóng sự, ký sự, điều tra, bình luận, ảnh báo chí, báo phát thanh, truyền hình... Và càng không quên những ngày đạp xe hay theo những chuyến xe đò xuống cơ sở viết tin, bài hết môn. Những dòng chữ viết tay thật nắn nón, rồi in từng tấm hình, sau đó cẩn thận gửi bưu điện đến tòa soạn hoặc đến tận nơi gửi, rồi hồi hộp chờ đợi. Đã biết bao nhiêu lần thất vọng, rồi mừng húm khi một mẩu tin, dù chỉ bằng bao diêm có tên mình trên mặt báo. Hồi đó, ai được đăng tin bài đều khoe cả lớp, cắt cắt, dán dán làm kỷ niệm. Những buổi học hồ hởi nhận những tờ báo được phát miễn phí, truyền tay nhau đọc những tin tức nóng hổi. Đâu phải quá xa xôi, cái thời chập chững học và làm báo giấy giờ cũng chỉ còn là kỷ niệm... 

3. Làm báo giấy, ai cũng mong tên mình được in trên những ấn bản xuân vì cảm giác đặc biệt lắm, không chỉ bởi nhuận bút được trả hậu hĩnh hơn. Cho đến giờ, khi không còn nhớ nổi số bài báo xuân mình đã có nhưng cứ mỗi độ xuân về tôi đều gắng có được một bài. Nếu lỡ hẹn với báo mình cũng cố gắng để xuất hiện trên báo bạn, dù thực tình niềm vui cũng vơi bớt phần nào...

Cách đây ít bữa, một chị bạn đồng nghiệp báo bạn khoe năm nay báo xuân lại cháy hàng vì có nhà tài trợ tặng kèm sản phẩm. Lục đục chạy ra mấy sạp báo quen thuộc, đúng là hết thật. Hết báo nhưng lòng vẫn vui...

VĂN TUẤN

Tin cùng chuyên mục