Bấp bênh như xiếc!

Qua thời vàng son
Bấp bênh như xiếc!

Ngày nay, với nhiều loại hình nghệ thuật phát triển, những gánh xiếc rong giờ đã trở thành dĩ vãng. Dưới ánh đèn sân khấu, diễn viên xiếc cuốn hút khán giả với không biết bao tiết mục biến hóa, đặc sắc. Nhưng đằng sau đó, chính bản thân và nghề nghiệp của họ đang phải đối mặt với nhiều thử thách. Nghề xiếc đã không còn hấp dẫn để thế hệ trẻ tiếp nối, nhưng với con em trong các gia đình xiếc thì cái nghiệp vẫn đeo bám họ nối dài trong từng đêm diễn.

Qua thời vàng son

Anh Nguyễn Minh Mẫn, con trai cả của ông Nguyễn Văn Đức (chủ đoàn xiếc Ngọc Viên) nhớ lại: “Những năm 1995 - 2000 là giai đoạn hoàng kim của đoàn xiếc gia đình Ngọc Viên. Ngày đó, muốn xem xiếc phải mua vé trước cả tuần. Những suất diễn trải dài từ Bắc chí Nam, có những tiết mục ảo thuật của gia đình nổi danh khắp nước như cắt người thành ba khúc, thôi miên người nằm trên một thanh kiếm...”. Đây cũng là thời gian ông Đức cùng vợ và 5 người con lang thang khắp nơi kiếm sống, sáng đi biểu diễn, chiều cùng nhau tập luyện xiếc, ảo thuật.

Thời điểm đó, xiếc trở thành món ăn tinh thần được người dân nhiệt tình chào đón. NSƯT Phi Vũ, Phó Giám đốc Nhà hát nghệ thuật Phương Nam, cho biết: “Thời điểm còn diễn ở rạp Thủ Đô, rạp Lệ Thanh ở đường Châu Văn Liêm những năm 1983 - 1985 là thời kỳ hoàng kim của ngành xiếc. Các suất diễn cháy vé liên tục. Muốn mua vé phải đặt trước, người xem phải xếp hàng từ 3-4 ngã tư mới tới rạp. Bởi thời đó, người dân chưa có nhiều lựa chọn trong giải trí, không có phòng trà, không có karaoke, không có chiếu phim, truyền hình cũng chưa phổ biến… Tuy nhiên, khoảng những năm 1990, phim truyện video của Hồng Kông (Trung Quốc), Đài Loan ồ ạt xâm nhập vào Việt Nam thì cũng là lúc ngành xiếc ở giai đoạn khó khăn nhất. Ở đoàn xiếc thành phố lúc đó có 30 người, sau đó 7-8 người nghỉ nhưng gánh xiếc vẫn tồn tại, duy trì hoạt động và vực dậy khi được nhà nước đầu tư vào năm 1993”.

Đoàn xiếc Ngọc Viên giờ chỉ còn con trai cả Minh Mẫn diễn chính

Gồng mình tồn tại 

Tại Đoàn xiếc TPHCM trước đây có nhiều gia đình hai, ba thế hệ hoặc cả hai vợ chồng đều theo nghiệp xiếc. Trong đó, gia đình NSƯT Phi Vũ đã có ba đời gắn bó với nghề xiếc. 53 tuổi nhưng gắn bó tới 38 năm với nghề, NSƯT Phi Vũ và gia đình xiếc của anh từ lâu đã được nhiều khán giả biết tới.

Không chỉ NSƯT Phi Vũ theo nghề mà vợ, cha mẹ vợ, anh chị em nhà vợ, các anh trai và các cháu cũng đam mê xiếc. Hiện tại, các nghệ sĩ xiếc thuộc ba thế hệ trong gia đình anh vẫn miệt mài tập luyện và biểu diễn. Nghệ sĩ xiếc Ngọc Hương, vợ anh, đã 50 tuổi nhưng vẫn lên sân khấu biểu diễn. Kể về đại gia đình xiếc của mình, anh cho biết: “Gia đình tôi, có khoảng 11 người theo nghề xiếc. Còn phía nhà vợ, ngoài cha mẹ vợ trước là chủ gánh xiếc Độc Lập thì trong 6 người con đã có đến 5 người theo nghề xiếc. Vì mê nghề, cha mẹ vợ tôi đã mướn thầy về tập luyện cho các con và các diễn viên trong đoàn của mình. Hồi trước, gia đình có Đông Mai nổi tiếng với tiết mục đạp chân, Ngọc Duyên nổi tiếng với uốn dẻo, Ngọc Hiển nổi tiếng với thang lắc, Hoàng Vinh diễn xe đạp, Ngọc Hương tạo ấn tượng với giữ thăng bằng trên dây thép…”. Ở đoàn xiếc thường có tiết mục xe đạp tập thể mười mấy người, riêng gia đình Phi Vũ có 6-7 người tham gia. “Tôi bị tai nạn khi biểu diễn cũng 5-7 lần, phải đi cấp cứu nhiều lần. Hồi xưa không có bảo hiểm, chỉ biết “liều” mà diễn…”, NSƯT Phi Vũ chia sẻ.

Hiện tại, các nhóm xiếc cũng đang từ từ lụi tàn bởi diễn viên đã lớn tuổi không còn sức để tập, trong khi lớp con trẻ không mặn mà với nghề. Những năm 1980, tại TPHCM cũng có gia đình xiếc Ngọc Rạng nhưng giờ đã giải tán sau khi di chuyển ra Khánh Hòa lập nghiệp. Xiếc Ngọc Rạng chỉ còn mỗi một thành viên đang hoạt động tại Đoàn xiếc thành phố. Gia đình Cẩm Minh trước đây 7-8 người theo nghề xiếc, bây giờ chỉ còn Cẩm Minh và con trai là Hiển Phước theo nghề…

Một thời hưng thịnh từng nhận nhiều đứa trẻ lang thang về đào tạo và truyền nghề nhưng đoàn xiếc Ngọc Viên giờ chỉ còn 3 người theo nghề. Anh Minh Mẫn cho biết, giờ gia đình chỉ còn ba anh em Minh Tâm, Minh Quang và anh là vẫn gồng mình bám trụ. Suất diễn của gia đình anh giờ cũng chỉ dừng lại ở các sân khấu nhỏ như trường học, tiệc sinh nhật, tiệc cưới... Ngay cả gia đình của nghệ sĩ Phi Vũ, các anh chị em trong gia đình anh bây giờ nghỉ cũng nhiều vì đã có tuổi, hai đứa con anh cũng không theo nghề. NSƯT Phi Vũ trăn trở: “Bỏ cuộc, bỏ nghề thì tôi không bao giờ bỏ. Dù đoàn xiếc có giải tán đi nữa thì tôi vẫn tiếp tục làm nghề này… Khán giả yêu mến mình, vẫn còn đến với mình thì diễn viên xiếc vẫn sống được, chứ không đến nỗi”.

Không còn hấp lực với thế hệ trẻ

Hiện Đoàn xiếc TPHCM được sáp nhập với một đơn vị khác trở thành Nhà hát nghệ thuật Phương Nam. Hiện nay, đoàn xiếc của nhà hát có khoảng trên 100 người, trong đó gồm 2 đoàn xiếc là Mặt trời đỏ, Bầu trời xanh biểu diễn nhiều thể loại: ảo thuật, xiếc thú, xiếc hài... Năm nay, đoàn xiếc có lịch diễn đều vì có hơn 60 suất diễn phục vụ nông thôn mới và các quận vùng ven, huyện ngoại thành. Mỗi năm, nhà hát cũng cố gắng tổ chức một gala trong nước và một gala nước ngoài, kết hợp với các đoàn xiếc của Nga, Mông Cổ...

Đội ngũ diễn viên xiếc hiện nay chủ yếu làm nghề theo kiểu “cha truyền con nối” và một số được tuyển dụng từ các bạn trẻ yêu thích và có năng khiếu xiếc từ 11 - 15 tuổi. Hiện nay, để tồn tại một đoàn xiếc rất khó khi diễn viên càng ngày càng già đi mà lớp trẻ thì không mặn mà theo nghề. Với đoàn xiếc của nhà hát, để có lớp trẻ kế cận cũng không phải dễ. Diễn viên ở hai đoàn Mặt trời đỏ, Bầu trời xanh bình quân từ 30 tuổi trở lên, diễn viên lớn tuổi chiếm 50% trong đoàn. NSƯT Phi Vũ lo lắng: “Hiện nay, chúng tôi rất vất vả về khâu tuyển sinh. Mấy tháng  nay, chúng tôi tuyển sinh học viên trẻ đưa đi Nga đào tạo về nghề xiếc nhưng không mấy người quan tâm. Trước đây, khi tuyển sinh, trong tay tôi thường có 200 hồ sơ đăng ký để chọn những người có khả năng sẽ được đi học. Còn bây giờ, dù đã thông báo tuyển sinh qua báo chí, truyền hình mấy tháng trời nhưng tới đăng ký mới khoảng 10 em, chưa đủ số lượng”.

Tiết mục Sức mạnh đôi tay của hai anh em Giang Quốc Cơ và Giang Quốc Nghiệp từng được biểu diễn tại nhiều nơi trên thế giới

Mùa hè vừa rồi, có khoảng 7-8 em có năng khiếu thường xuyên tới đoàn tập luyện. Vào năm học, các em nghỉ gần hết, giờ chỉ còn 2-3 em hay lui tới. “Chế độ luyện tập cho các bạn trẻ theo nghề cũng chưa nhiều, bởi ngay diễn viên chính nhiều khi cũng không có chế độ. Hiện tại, dù chế độ đó là Nhà nước đưa ra hỗ trợ nghệ sĩ xiếc nhưng nhiều khi cũng rất khó để thực hiện vì kinh phí của nhà hát không nhiều”, NSƯT Phi Vũ trăn trở.

“Nghề này bạc lắm, tuổi nghề ngắn, tai nạn lại rình rập bất cứ lúc nào, quá trình tập luyện gian nan, vất vả nên tôi sẽ không cho con cái mình theo nghề”, anh Minh Mẫn chia sẻ. Đó cũng là tâm trạng chung của những người theo nghề xiếc vốn gian nan, vất vả…

Với hơn 15 năm theo nghề xiếc và được ba truyền nghề, hai anh em Giang Quốc Cơ và Giang Quốc Nghiệp từ nhỏ đã đam mê và đem lại cho ngành xiếc Việt Nam nhiều thành tích đáng kể tại các cuộc thi và các kỳ liên hoan quốc tế. Trong đó, tiết mục Sức mạnh đôi tay đạt được nhiều giải thưởng quốc tế. Hai anh em chia sẻ, hiện đang biểu diễn theo hợp đồng với một số đoàn xiếc ngoài nước. Sau 4 năm, hai anh em sẽ trở về nước thực hiện công tác đào tạo lớp kế cận tại Nhà hát nghệ thuật Phương Nam.

THÀNH SƠN - VÕ THẮM

Tin cùng chuyên mục