Cuối tháng 6-2012, nông dân vùng ĐBSCL tấp nập thu hoạch rộ lúa hè thu. Những chiếc máy gặt đập liên hợp hoạt động hết công suất trên các cánh đồng. Trái với không khí sôi động thu hoạch lúa, việc mua bán lúa lại ảm đạm, đẩy nông dân vào thế ngồi trên lửa!
Biệt tăm thương lái
“Với mức giá 3.600 - 3.800 đồng/kg lúa tươi, năng suất lại thấp hơn lúa đông xuân, hiện tại nông dân bán lúa thấp hơn giá thành. Bi kịch hơn, rất ít thương lái đến ruộng mua lúa”, nông dân Điền Văn Bảnh ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang lo lắng. Một điều đáng lưu ý, hiện nay nhiều thương lái mua lúa với giá cào bằng giữa giống IR 50404 với các giống lúa dài tốt, nếu có chênh lệch cũng chỉ 100 - 200 đồng/kg. Theo một số nông dân ở huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang, chi phí sản xuất lúa dài cao hơn so với lúa IR 50404 nhưng mua kiểu này chẳng khác nào khuyến khích nông dân quay lại trồng giống lúa IR 50404. Thời gian qua, ngành nông nghiệp ĐBSCL quyết liệt kêu gọi nông dân giảm tỷ lệ sản xuất giống lúa IR 50404 (giống lúa cho gạo phẩm cấp thấp) ở mức tối đa, song chuyện cào bằng giá mua giống lúa này với các giống khác đang tạo nên hiệu ứng ngược! Đầu vụ đông xuân, thương lái treo bảng điện tử chạy chữ trên ghe “Lúa IR 50404 đừng kêu bán”. Sau đó, Chính phủ quyết định mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo, giá có nhích lên chút đỉnh. Còn hiện nay chuyện giá mua lúa IR 50404 không chênh lệch mấy với một số giống lúa dài khác nhưng chắc một điều sau này có đưa ra cảnh báo hạn chế làm giống lúa IR 50404 dân sẽ không nghe!
Việc tiêu thụ lúa gạo chậm có nguyên do tình hình xuất khẩu đang gặp khó khăn vì có nhiều đối thủ xuất hiện trên thị trường thế giới. Tiến độ thu mua gạo mấy tuần nay đình trệ, chủ yếu do các doanh nghiệp chưa có hợp đồng mới. Nguồn cung chủ yếu hiện nay xuất sang Trung Quốc. Do cảnh báo việc làm ăn có thể rủi ro, nhiều doanh nghiệp cũng tỏ ra thận trọng khi ký hợp đồng xuất khẩu gạo sang khu vực này. Vì thế, thị trường tiêu thụ lúa hè thu hiện nay gần như đóng băng. Tại phường Phước Thới, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ, nhiều nông dân phải bán lúa nhỏ giọt vì không có thương lái. “Dù là địa bàn gần trung tâm thành phố, giao thông thuận tiện, nhưng chỉ lác đác vài thương lái loại nhỏ, mua lúa lèo tèo với giá 3.800 đồng/kg lúa tươi, 4.600 đồng/kg lúa khô” - nông dân Hà Minh Tâm ở phường Phước Thới cho biết. Theo anh Tâm, vụ lúa hè thu năm nay năng suất không cao, bình quân nông dân làm khoảng 20 giạ lúa/công. Với năng suất này nông dân từ huề đến lỗ. Hộ nào làm giỏi, năng suất từ 25 giạ/công mới có lời nhưng rất ít.
Với diện tích trên 1,6 triệu ha, sản lượng lúa hè thu khoảng 9 triệu tấn. Tình hình tiêu thụ lúa hàng hóa diễn ra trong bối cảnh thời tiết thất thường sắp tới (liên tục mưa dầm) sẽ càng chồng chất thêm khó khăn cho nông dân.
Có đạt lợi nhuận 30%?
“Với giá thành sản xuất lúa hè thu hiện nay 3.933 đồng/kg, doanh nghiệp phải mua với giá 5.200 đồng/kg, nông dân mới có lời 30%. Song thực tế, nông dân bán lúa tươi tại ruộng với giá 3.600 đồng - 3.800 đồng/kg, cầm chắc lỗ. Doanh nghiệp cũng trong thế khó vì kho của họ hiện cũng đầy gạo. Cần phải mua tạm trữ nếu không nông dân sẽ khổ” – ông Lê Văn Đời, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang lo lắng. Chính vì vậy, nhiều ý kiến tỏ ra đồng tình với đề xuất của Bộ NN-PTNT mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo trong vụ hè thu. Có ý kiến cho rằng, nên hỗ trợ lãi suất trực tiếp cho nông dân trữ lúa. Tuy nhiên, phương án này không khả thi. Vì hiện nay, nông dân gần như không có kho hay còn bồ lúa để trữ. Chuyện cấp bách hiện nay là trợ lực cho doanh nghiệp để kênh thu mua lúa gạo hoạt động, tháo gỡ tình trạng ứ đọng lúa hè thu trong dân.
Tại huyện Tam Bình (Vĩnh Long), giá lúa thơm lên đến 115.000 đồng/giạ (20kg), tương đương 5.700 đồng/kg. Trong khi các giống lúa dài chỉ ở mức 84.000 đồng/giạ, tương đương 4.200 đồng/kg lúa khô. “Ngoại trừ lúa thơm, các giống lúa còn lại rất khó bán; nếu bán được, giá cũng thấp. Hy vọng, Chính phủ sẽ hỗ trợ doanh nghiệp mua lúa tạm trữ để giữ giá lúa không giảm thêm hoặc nhích lên chút đỉnh. Thực tế tình hình này nông dân khó đạt lợi nhuận tối thiểu 30%” - anh Trần Văn Hết, nông dân huyện Tam Bình trăn trở.
Các doanh nghiệp nhận định tình hình xuất khẩu gạo đang đối diện nhiều khó khăn. Giá lúa tươi chưa đến 4.000 đồng/kg, những ngày tới chưa biết giá cả sẽ diễn biến ra sao. Dù lúa hè thu đang ế ẩm, nhưng ngay khi thu hoạch xong, nông dân ĐBSCL lại nhanh chóng đốt rơm, trục đất, tiếp tục xuống giống lúa thu đông. Nhiều tỉnh lại đang có ý định mở rộng diện tích lúa vụ 3… chẳng khác nào “thấy chết” mà không chịu tránh nhưng nông dân biết làm gì hơn ngoài trồng lúa. Sản xuất bao nhiêu lúa thu đông là cần thiết? Bộ NN-PTNT cần nhanh chóng đưa ra phương án định hướng sản xuất mùa vụ một cách rõ ràng.
Theo Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ, cánh đồng mẫu lớn ở ĐBSCL là một mô hình sản xuất mới, đang phát huy hiệu quả. Tuy vậy, phải tiến tới như một cụm ngành nghề trong chuỗi liên kết. Mô hình phải bao gồm các nhà máy chế biến làm hạt nhân gắn kết với người nông dân trồng lúa với khâu tiêu thụ. Xung quanh các cụm ngành này phải hình thành một số dịch vụ hỗ trợ. Nếu cánh đồng mẫu lớn chỉ dừng lại ở hình thức hợp tác giữa doanh nghiệp và nông dân thông qua hợp đồng đầu tư và bao tiêu sản phẩm mà không tạo ra nhân tố mới là sản xuất gắn liền với chế biến và dịch vụ khu vực nông thôn thì không cải thiện được việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở nông thôn và giải quyết thu nhập một cách căn cơ cho người trồng lúa.
Cao Phong
Ông Bùi Bá Bổng, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT: "Nông dân liên kết hình thành cánh đồng lớn sẽ thuận lợi khi áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật. Nếu không làm được mô hình này, thì vài năm nữa tình hình cũng vậy – sản xuất lúa gạo tiếp tục bị chia năm, xẻ bảy qua nhiều tầng nấc trung gian. Cần phải đa dạng kênh tiêu thụ, nông dân liên kết cử đại diện bán lúa gạo cho doanh nghiệp. Quá trình này phải đúc kết từ thực tế để nhân rộng, giải quyết bài toán phát triển nông nghiệp bền vững" |