OPEC sẵn sàng hành động
Kết quả sau cuộc họp được cho là sẽ gây tác động lên thị trường dầu mỏ toàn cầu, sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và sản lượng khai thác dầu của Venezuela bị sụt giảm. Theo Reuters, Saudi Arabia và Nga đang tính tới khả năng tăng sản lượng, nhằm bù đắp lượng dầu thị trường có thể bị mất đi do lệnh cấm vận của Mỹ nhằm vào Iran. Hụt từ nguồn cung Iran sẽ góp phần khiến giá dầu chững lại.
Dù vậy, ý định của Saudi Arabia không phải không có rủi ro. Nếu tăng sản lượng quá mức hoặc không có sự điều phối với những nước xuất khẩu dầu ngoài OPEC, nhất là Nga, thị trường sẽ lại thừa cung, khiến giá dầu sụt giảm. Do đó, sự ổn định của thị trường dầu sẽ phụ thuộc ít nhiều vào Nga, quốc gia phải lựa chọn giữa liên minh với Iran và mối quan hệ mới với Saudi Arabia.
Thỏa thuận giữa OPEC với Nga và một số quốc gia khác hạn chế sản lượng khai thác dầu 1,8 triệu thùng dầu/ngày kéo dài cho tới hết năm nay. OPEC đã phát tín hiệu rằng, khối này và các nước đồng minh sẵn sàng hành động nếu các diễn biến địa chính trị gây ảnh hưởng bất lợi đến nguồn cung dầu.
Vào đầu tháng trước, khi Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, giá dầu tăng vọt lên mức gần 80USD/ thùng. Đã có dự đoán cho rằng, giá dầu thế giới có thể chạm mức 100USD/thùng trong thời gian tới, thậm chí là 150USD/thùng. Dự đoán được đưa ra trong bối cảnh giới chuyên gia phân tích lo ngại thị trường “vàng đen” thế giới sẽ phải chịu tác động lớn do hoạt động xuất khẩu dầu của Iran chịu sức ép từ các biện pháp trừng phạt của Mỹ cùng với nhiều yếu tố khác. Một phần đầu ra dầu mỏ của Iran bị bóp nghẹt có thể đẩy giá dầu thế giới tăng cao, hoạt động của các tập đoàn đầu tư vào Iran bị ảnh hưởng và đặc biệt tác động trực tiếp lên kinh tế Iran. Sản lượng dầu của Iran đang chiếm khoảng 4% tổng sản lượng toàn cầu.
Khi thỏa thuận hạt nhân của Iran có hiệu lực, xuất khẩu dầu của nước này đã tăng lên khoảng 2,5 triệu thùng/ngày, từ con số chưa được 1 triệu thùng/ngày. Phần lớn lượng dầu này được xuất khẩu sang châu Á. Ước tính, nếu Mỹ áp đặt biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Iran, nguồn cung dầu thô của Iran có thể giảm trong khoảng 200.000 thùng/ngày đến 1 triệu thùng/ngày và tác động chủ yếu sẽ diễn ra vào năm 2019 vì phải mất một khoảng thời gian để áp đặt lệnh trừng phạt.
Phần lớn lượng dầu của Iran được xuất khẩu sang châu Á. Do đó, châu Á sẽ là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất nếu giá dầu giữ mức tăng trên 80USD/thùng khi nguồn cung bị thiếu hụt. Khi đó, hóa đơn dầu mỏ ở khu vực này sẽ vượt mức 1.000 tỷ USD trong năm nay, gấp đôi so với năm 2015 - 2016. Các nước châu Á - Thái Bình Dương đang tiêu thụ hơn 35% trong tổng số lượng 100 triệu thùng dầu sử dụng mỗi ngày trên thế giới, trong khi châu Á lại là khu vực sản xuất dầu mỏ ít nhất trên thế giới, chỉ đóng góp chưa đầy 10% sản lượng.
Yếu tố Mỹ
Một yếu tố gây tác động không nhỏ đến thị trường dầu mỏ lại xuất phát từ Mỹ. Quốc gia này đang quyết tâm trở thành trung tâm xuất khẩu năng lượng lớn nhất thế giới, đánh bại liên minh Nga - OPEC để tiến gần hơn tới việc trở thành nước độc lập về chính sách năng lượng. Đây là một phần nỗ lực của Tổng thống Donald Trump nhằm đẩy mạnh sản xuất nhiên liệu hóa thạch của Mỹ bằng cách giảm mức thuế tài nguyên thiên nhiên, giảm thuế bảo vệ môi trường, đồng thời mở rộng diện tích cho thuê để tăng khai thác.
Chính quyền Mỹ hiện đang trông chờ việc cho thuê đến 90% diện tích thềm lục địa để khai thác dầu khí. Diện tích cho thuê kỷ lục này được đưa ra trong bản dự thảo Chương trình cho thuê thềm lục địa để khai thác dầu khí giai đoạn 2019 - 2024. Theo đó, khoảng 25 hoặc 26 khu vực của thềm lục địa ngoài (OCS) bao bọc toàn bộ các vùng bờ biển Mỹ sẽ được cân nhắc cho thuê, trong đó có 19 khu vực ngoài khơi Alaska, 7 ở Thái Bình Dương, 12 ở vịnh Mexico và 9 ở vùng Đại Tây Dương. Tuy nhiên, kế hoạch này đã vấp phải phản ứng dữ dội của nhiều chính quyền địa phương.
Trái với nhận định của giới chuyên gia, theo bản ghi nhớ của Nhà Trắng, nguồn cung dầu toàn cầu đủ nhiều để có thể chống đỡ xuất khẩu dầu mỏ sụt giảm đáng kể từ Iran. Cụ thể, bản ghi nhớ cho biết, có đủ nguồn cung dầu và sản phẩm dầu từ các quốc gia khác ngoài Iran để cho phép quốc tế giảm khối lượng nhập khẩu đáng kể từ quốc gia này. Bản ghi nhớ được Nhà Trắng gửi tới Bộ Ngoại giao Mỹ đã tạo đà cho những nỗ lực của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong việc hạn chế hoạt động xuất khẩu dầu của Iran, sau khi chính quyền Washington quyết định rút khỏi thỏa thuận năm 2015 giữa Iran và 6 cường quốc.
Hiện nay, chính sách đẩy mạnh xuất khẩu dầu thô và khí đốt của Mỹ đã phá vỡ các kỷ lục khai thác trong lịch sử. Nhờ vào cuộc bùng nổ dầu đá phiến cùng các kỹ thuật khoan và sản xuất mới, trong tháng 5 năm nay, với năng suất 8,3 triệu thùng mỗi ngày, Mỹ đã lọt vào tốp đầu các nhà sản xuất dầu lớn thế giới cùng với Nga và Saudi Arabia. Một khối lượng dầu thô nhiều kỷ lục của Mỹ sẽ được đưa đến thị trường châu Á trong vài tháng tới, lấy bớt thị phần từ Nga và các nhà sản xuất trong OPEC.
Các nhà giao dịch tại châu Á cho biết, mức chênh lệch giá trên là cơ hội cho các nhà lọc dầu giảm nhập khẩu dầu thô nhẹ từ Trung Đông và Nga, sau khi giá dầu Brent và dầu vùng Vịnh chạm mức cao của nhiều năm. Tại châu Á, tập đoàn Sinopec của Trung Quốc đang mua dầu nhiều nhất từ Mỹ. Sau khi giảm nhập từ Saudi Arabia, Sinopec đã đặt mua 16 triệu thùng dầu Mỹ (533.000 thùng/ngày) sẽ được giao trong tháng 6. Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) ước tính, sản lượng dầu thô của Mỹ sẽ đạt mức trung bình 10,3 triệu thùng/ngày trong năm nay. Đến năm 2019, sản lượng của Mỹ sẽ tăng lên mức trung bình là 10,8 triệu thùng/ngày và vượt 11 triệu thùng/ngày vào cuối năm sau.
Như vậy, sau nhiều năm Saudi Arabia và Nga đứng ngôi đầu thế giới về sản xuất dầu, vị trí đó nay đã chuyển về nước Mỹ. Một trật tự mới trong thế giới năng lượng chuẩn bị được thiết lập. Sức ảnh hưởng của những nước sản xuất năng lượng lớn nhất sẽ không còn nhiều. Giới ngoại giao Mỹ sẽ không còn phải loanh quanh tìm cách nói chuyện với Chính phủ Saudi Arabia hay một số nước sản xuất năng lượng lớn khác của thế giới. OPEC cũng sẽ gặp nhiều khó khăn hơn nếu muốn đi đến thống nhất về việc tăng hay giảm sản lượng và đánh giá tác động từ chính sách của mình.