Trong khi trái thanh long Bình Thuận xuất sang Trung Quốc chưa hết lo thì mới đây, hàng trăm tấn chuối của huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Hòa cũng khốn đốn không kém vì thương lái Trung Quốc không mua hàng…
Bình Thuận là địa phương có diện tích trồng cây thanh long lớn nhất nước, với gần 13.500ha. Từ trước đến nay, thanh long Bình Thuận chủ yếu xuất qua thị trường Trung Quốc, khoảng 70% sản lượng. Số còn lại tiêu thụ ở một số nước EU và nội địa...
Theo Hiệp hội Thanh long Bình Thuận, thị trường Trung Quốc rất tiềm năng, có thể tiêu thụ số lượng lớn nhưng rất bấp bênh, vì chủ yếu xuất khẩu qua đường tiểu ngạch, không hợp đồng, không mua đứt bán đoạn... Trong quý 2 vừa qua, người dân trồng thanh long “méo mặt” vì giá thanh long từ mức 20.000 đồng/kg rớt còn 2.000 đồng/kg. Với giá này, nông dân lỗ nặng, chỉ thu lại được khoảng 1/2 chi phí sản xuất.
Tại huyện miền núi Khánh Sơn, từ mấy tháng qua, giá chuối rớt thê thảm. Hàng ngàn tấn chuối không có người mua phải bỏ hỏng. Trong lúc chuối là một trong 2 loại cây chủ lực để thoát nghèo của người đồng bào dân tộc RagLei. Những năm trước, chuối mang từ rẫy về bao nhiêu thương lái cũng mua hết, có khi họ còn đặt cọc để giữ “mối”. Bây giờ, rẻ cũng không ai mua nên hàng trăm hécta chuối đang độ thu hoạch để phơi nắng trên rẫy, mặc cho chim ăn.
Thống kê của Phòng NN-PTNT huyện Khánh Sơn, tổng diện tích trồng chuối toàn huyện gần 1.000ha, sản lượng khoảng 1 triệu tấn/năm. Năm 2010, chuối có giá 5.000 đồng/kg (giáp tết lên đến hơn 10.000 đồng/kg), nhà nào có 1ha chuối mỗi tháng thu nhập được vài triệu đồng, nhưng mấy tháng qua giá chuối rớt còn 500 - 1.000 đồng/kg. Giá chuối Khánh Sơn rớt thê thảm do thương lái Trung Quốc không mua. Trước đây, một số đầu nậu ở TP Cam Ranh đến Khánh Sơn thu mua chuối, sau đó chở ra cửa khẩu phía Bắc xuất sang Trung Quốc. Nay phía họ ngưng mua, dân trồng chuối cũng tắc đầu ra.
Câu chuyện “được mùa mất giá, được giá mất mùa” nói mãi vẫn không hết. Tuy nhiên, khắc phục không đơn giản, lỗi cũng từ nhiều phía. Theo ông Bùi Đăng Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Bình Thuận, tỉnh nhiều lần họp bàn khắc phục tình trạng xuất khẩu thanh long nhưng khó là ta quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Thói quen sản xuất của người dân vẫn còn manh mún, thiếu liên kết, việc mua bán không qua hợp đồng là nguyên do dẫn đến việc bị “xỏ mũi” về giá.
Riêng đối với cây chuối Khánh Sơn, “kịch bản” phát triển cũng gần giống như thanh long. Trong vòng 5 năm trở lại đây, giá chuối thương phẩm tại Khánh Sơn được thu mua với giá rất cao, 5.000 - 7.000 đồng/kg, do đó các hộ dân đồng loạt tăng diện tích chuối, dẫn đến cung vượt cầu.
Theo ông Ngô Hữu Giác, Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn: Trong thời gian qua, có đến 70% lượng chuối Khánh Sơn tiêu thụ nhờ thị trường Trung Quốc, do đó khi thị trường này “nói không” là chuối Khánh Sơn bị thừa ế. Thời gian tới, huyện sẽ quy hoạch lại diện tích trồng chuối, khuyến khích người dân đa dạng cây trồng; chú trọng tìm đầu ra cho chuối thương phẩm, không để phụ thuộc duy nhất một thị trường tiêu thụ như hiện nay.
VĂN NGỌC