Câu chuyện về chất lượng đào tạo tiến sĩ chưa bao giờ hết nóng. Vừa qua, khi thông tin Bộ GD-ĐT dự thảo Đề án Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) và các trường cao đẳng sư phạm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT, giai đoạn 2018 - 2025, tầm nhìn 2030 với mục chi 12.000 tỷ đồng để đào tạo 9.000 tiến sĩ, lại thêm một lần nữa khiến xã hội “phát sốt” về vấn đề này.
Tại sao Bộ GD-ĐT lại đưa ra một đề án đào tạo tiến sĩ “khủng” như vậy? Theo thống kê của Bộ KH-CN, Việt Nam hiện nay có khoảng trên 24.000 tiến sĩ. Đề án 911 (đào tạo tiến sĩ cho các cơ sở giáo dục ĐH-CĐ) được thực hiện từ năm 2010 đến năm 2020, phấn đấu đến năm 2020 đào tạo bổ sung được ít nhất 20.000 tiến sĩ, trong đó đào tạo khoảng 10.000 tiến sĩ theo phương thức đào tạo toàn thời gian ở nước ngoài, 10.000 tiến sĩ theo phương thức đào tạo ở trong nước, 3.000 tiến sĩ theo phương thức đào tạo phối hợp. Đề án đã được khởi động từ tháng 8-2011, bắt đầu tuyển sinh từ năm 2012 và dừng tuyển sinh kể từ năm 2018. Như vậy, đề án này đặt mục tiêu đào tạo tới 23.000 tiến sĩ. Thế nhưng, trong 5 năm triển khai từ 2012-2016, Đề án 911 chỉ đào tạo được 3.819 nghiên cứu sinh, đạt 16,6% mục tiêu (trong đó có 800 người đã tốt nghiệp trở về nước công tác tại các trường ĐH-CĐ). Tổng kinh phí đã chi của Đề án 911 hơn 1.530 tỷ đồng.
Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ ở nước ta hiện nay thấp nên phải nâng tỷ lệ này lên. Với 9.000 tiến sĩ như trong đề án thì cũng mới đạt được 30%, trong khi mục tiêu là 35%. Bộ GD-ĐT cũng cho rằng, đề án đào tạo 9.000 tiến sĩ này không phải là đào tạo mới và đề án này cũng không phải là đề án mới. Đây là đề án chỉnh sửa, nâng cao chất lượng từ Đề án 911, trong đó tập trung vào việc thu hút các tiến sĩ đã đào tạo ở nước ngoài; tạo điều kiện cho các nhà khoa học về các trường ĐH để cống hiến... Số tiền mà Nhà nước dành để thực hiện Đề án 911 chưa tiêu đến cũng sẽ chuyển sang cho đề án 12.000 tỷ đồng. Thế nhưng, vấn đề không phải là đề án mới hay cũ, mà dư luận quan tâm là ở chỗ liệu ngân sách chi hàng ngàn tỷ đồng như vậy để đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài có thực sự cần thiết, có lãng phí, có bảo đảm công bằng? GS Nguyễn Lân Dũng nhẩm tính, 12.000 tỷ đồng để đào tạo 9.000 tiến sĩ, tức mỗi tiến sĩ tốn hơn 1 tỷ đồng, một con số rất lớn, và liệu điều đó có phù hợp với ngân sách, với các ứng viên phải tự bỏ tiền túi ra săn tìm học bổng tiến sĩ?
Ngành giáo dục đã có nhiều dự án khủng với những con số lên tới ngàn tỷ đồng ngân sách, do đó xã hội luôn thấy bất an, hoài nghi với những đề án dạng này. Đó là chưa kể đào tạo tiến sĩ, từ trước đến nay, dư luận luôn rất bức xúc vì những “lò tiến sĩ” với hàng loạt đề tài tiến sĩ gây ngạc nhiên. Nhiều người thậm chí mất niềm tin với các tiến sĩ được đào tạo trong nước. Dù lần này là đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài, nhưng nhiều ý kiến vẫn băn khoăn: Nhà nước có nên bỏ tiền để đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài? Liệu họ có về không? Và đặc biệt, khi họ về rồi, môi trường làm việc trong nước liệu có đủ điều kiện để khai thác, trọng dụng họ hay không, nhằm phát huy tài sức của các tiến sĩ cũng như tiền của mà Nhà nước đã bỏ ra để đào tạo họ?
Đã có những chuyên gia phân tích, hiện có hàng chục ngàn nghiên cứu sinh người nước ngoài đang học tập và nghiên cứu tại Mỹ. Trong đó, hơn 49.000 người đến từ Trung Quốc, hơn 9.000 người đến từ Iran. Nhiều nước khác cũng có hàng ngàn nghiên cứu sinh ở Mỹ, trong đó khoảng 1.200 người Việt Nam. Phần lớn họ đến Mỹ nhờ tự cạnh tranh để có học bổng nghiên cứu sinh chứ không phải dùng tiền ngân sách.
Vì lẽ đó, không ít ý kiến đã cho rằng, Bộ GD-ĐT không nên dùng tiền ngân sách để gửi nghiên cứu sinh ra nước ngoài. Thay vào đó, cần tạo ra điều kiện làm việc thuận lợi để các tiến sĩ có trình độ đến làm việc ở các trường ĐH Việt Nam, kể cả người nước ngoài. Đặc biệt hơn, tạo ra môi trường làm việc thích hợp, chính sách đãi ngộ để sinh viên ĐH tự cạnh tranh trở thành nghiên cứu sinh. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có được tiến sĩ chất lượng cao làm việc trong nước hoặc chịu về nước giảng dạy, nghiên cứu trong các trường ĐH, từ đó thúc đẩy chất lượng giáo dục nước nhà.
Tiền của Nhà nước chi ra là tiền thuế của dân. Vì vậy không được lãng phí. Đề án 12.000 tỷ đồng lần này cũng vậy, Bộ GD-ĐT cần xem xét cách nào hiệu quả, nếu không cứ thêm một đề án, ngành giáo dục lại thêm một lần gây mất lòng tin của xã hội.