Bắt bọ cánh cứng bán cho thương lái: Hiểm họa khôn lường

Thời gian gần đây, tại một số địa phương ở khu vực Tây Nguyên xuất hiện thương lái thu mua bọ cánh cứng với giá cao khiến nhiều người đổ xô đi tìm bắt, thu gom bọ cánh cứng để bán kiếm lời. 

Theo tìm hiểu, loại bọ cánh cứng mà thương lái thu mua ở tỉnh Kon Tum và một số địa phương khác ở Tây Nguyên có tên gọi là sâu đậu, sâu ban miêu, loại sâu này thường phá hoại đậu, bí, lúa nhưng số lượng không nhiều. Trước việc tìm bắt sâu đậu bán được tiền, nhiều người dân, trong đó có cả trẻ em đã đổ xô đi săn lùng.

Tuy nhiên, lợi ích kinh tế chưa thấy mà đã có một số trường hợp bị ngộ độc, bỏng nặng do tiếp xúc với loài bọ cánh cứng này. Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong sâu ban miêu có độc tố cantharidin gây hủy hoại các tổ chức, cơ quan trong cơ thể, từ dạ dày, ruột cho đến cơ, gan, thận, máu... nên những người bị nhiễm độc do tiếp xúc với loại côn trùng này thường rất nặng nề, tỷ lệ tử vong cao.

Vài năm gần đây, trung tâm đã ghi nhận nhiều trường hợp ngộ độc sâu ban miêu mức độ rất nặng, thậm chí có trường hợp tử vong. Hầu hết trường hợp bị ngộ độc, nhiễm độc do tiếp xúc với bọ cánh cứng, việc điều trị rất khó khăn và phức tạp. Bởi hiện nay ở Việt Nam và trên thế giới chưa có phác đồ điều trị có hiệu quả cao, điều trị thực tế tùy thuộc vào điều kiện cơ sở vật chất hiện có cũng như khả năng hồi sức của cơ sở y tế. 

Để phòng ngừa nguy cơ nhiễm độc sâu ban miêu, các bác sĩ khuyến cáo người dân khi lao động có tiếp xúc hoặc phải bắt loại sâu này thì cần sử dụng dụng cụ bảo vệ như đeo kính, găng tay, quần áo dài tay, tránh tiếp xúc trực tiếp da, đặc biệt tiếp xúc da trên diện rộng, mắt hay các vùng da mỏng. Nếu không may mắt tiếp xúc với sâu thì cần rửa ngay bằng nhiều nước kết hợp với chớp mắt trong nhiều phút, da tiếp xúc thì rửa bằng nhiều nước sạch với xà phòng. Hơn nữa cần chú ý, sâu và bọ xít có nhiều loài khác nhau, trong đó nhiều loài có chất độc và rất dễ nhầm lẫn giữa loài có độc và không độc.

Nhiều trường hợp người dân ăn bọ xít nhưng nhầm hoặc có lẫn sâu ban miêu nên đã bị ngộ độc. Do vậy, người dân không được ăn sâu ban miêu vì sẽ gây ngộ độc nặng và tử vong. Một số người có dùng loại sâu này làm thuốc nhưng cũng đã gây ngộ độc nặng và tử vong. Đối với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần kiểm tra, giám sát để ngăn chặn hoạt động thu gom, mua bán, vận chuyển loại sinh vật cực kỳ độc hại này.

Tin cùng chuyên mục