Đậu nành và hạt điều là 2 cây công nghiệp - một loại là cây ngắn ngày và cây kia là dài ngày, có những nét khá tương đồng. Thị trường lớn, công suất chế biến cao, chất lượng giống trong nước được nhìn nhận hơn hẳn các nước. Vậy nhưng diện tích 2 loại cây trồng này lại bị sụt giảm, phải nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu chế biến.
Nhu cầu tăng 53%
Việt Nam đứng thứ 3 thế giới, sau Trung Quốc, Thái Lan về lượng tiêu thụ sữa đậu nành với khoảng 613 triệu lít/năm và thứ 7 thế giới tính theo bình quân đầu người với 6,8 lít/người/năm (nguồn AC Nielsen Việt Nam). Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đậu nành là một trong 4 loại cây trồng chủ lực, nhưng điều bất cập là diện tích gieo trồng ngày càng giảm.
Vừa qua, tại hội thảo khoa học quốc tế “Ứng dụng công nghệ cao và đồng bộ cho bảo toàn và phát triển đậu nành Tây Nguyên“ được tổ chức tại tỉnh Đắk Nông, ông Ngô Văn Tụ, Giám đốc Điều hành Vinasoy (sản phẩm chiếm 83% thị phần), cho biết hầu hết đậu nành trồng trong nước được chế biến thành nhiều loại thực phẩm đa dạng, từ truyền thống đến hiện đại. Đó là nhờ giống trong nước có độ “tươi” hơn sản phẩm nhập khẩu, do không mất nhiều thời gian vận chuyển đến nhà máy. Trong chế biến, hạt đậu còn tươi sẽ cho sản phẩm thơm ngon, chất lượng cao nhất. Nhưng điều quan trọng hơn, do đặc tính nổi trội của giống đậu nành Việt Nam nên khi làm ra sản phẩm vẫn giữ được mùi thơm, phù hợp với khẩu vị của người tiêu dùng nội địa. Vì vậy, bên cạnh thương hiệu đã khẳng định Vinasoy thì Vinamilk và mới đây là Nutifood cùng Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cũng nhảy vào chế biến loại nước uống mà các nhà khoa học thế giới gọi là thực phẩm vàng thế kỷ 21, được khuyên dùng. 13 nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Anh, Úc… đã khuyến nghị sử dụng đậu nành vào chương trình lương thực quốc gia.
Trồng đậu nành giống thuần hoa trắng Cư Jút tại huyện Cư Jút (Đắk Nông)
Việc ngày càng có nhiều doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy sữa đậu nành dẫn đến nhu cầu về nguyên liệu đậu nành tăng lên rất nhanh; chỉ riêng sữa đậu nành, từ 400 triệu lít/năm 2010 lên 613 triệu lít/năm 2014, tăng 53%. Nhưng theo Cục Trồng trọt, giống lại là khâu yếu nhất, năng suất cây đậu nành chỉ khoảng 1,4 tấn/ha/vụ, trong khi thế giới ở ngưỡng 3 tấn/ha/vụ. Mặc dù các viện đã nghiên cứu, chọn lọc và lai tạo được một số giống có năng suất khoảng 2 tấn/ha, vậy nhưng khi trồng trên diện rộng lại không cho kết quả như mong muốn.
Nhập khẩu 93% lượng đậu nành
Sản xuất đậu nành trong nước mới đáp ứng 7% nhu cầu, chủ yếu để chế biến làm sữa đậu nành và các loại thực phẩm khác. Còn lại 93% là nhập khẩu, đa phần để chế biến thức ăn chăn nuôi. 9 tháng đầu năm 2015, cả nước nhập 1,2 triệu tấn đậu nành, bằng cả năm 2014. Trên thực tế, cây đậu nành không còn được bà con nông dân mặn mà vì năng suất ngày càng sụt giảm, đầu ra không ổn định, giá bán lại không cao so với cây công nghiệp khác nên hiệu quả kinh tế thấp. Diện tích trồng đậu nành cả nước liên tục giảm mạnh. Theo số liệu thống kê, năm 2014 là 111.200ha (giảm 6.000ha so với năm trước), năng suất 1,43 tấn/ha (giảm 0,1 tấn/ha), sản lượng 160.000 tấn, giảm 4,6%. Là người có kinh nghiệm trồng đậu nành nhiều năm ở vùng đất Tây Nguyên, bà Vũ Thị Hồng Hạnh (ở xã Đắk Đrông, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) cho biết, không chỉ riêng bà mà nhiều hộ dân ở đây đều muốn bỏ trồng cây đậu nành, chuyển sang các loại cây trồng khác kinh tế hơn. So với các loại cây trồng công nghiệp có giá trị khác như cà phê, hồ tiêu, hay cây sắn, bắp lai…, cây đậu nành ít có khả năng cạnh tranh, năng suất vừa thấp lại tụt giảm. Tây Nguyên là khu vực có thổ nhưỡng thích hợp trồng đậu nành và chất lượng hợp với khẩu vị người tiêu dùng, năng suất vào loại cao cả nước với 1,8 tấn/ha, vậy nhưng tại khu vực này, chủ yếu là 2 tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk, diện tích trồng và sản lượng giảm rất mạnh. Cái khó của đậu nành trong nước là giá bán dù cao hơn nhập khẩu (khoảng 18.000 - 20.000 đồng/kg, còn đậu nành nhập khẩu 15.000 đồng/kg), nhưng so sánh với nhiều loại cây trồng khác thì đậu nành lại không cạnh tranh được vì giá thành quá cao, trên 16.600 đồng/kg.
Điều này cũng tương tự như cây điều. Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) phải phối hợp với Bộ NN-PTNT chọn lọc giống điều cao sản trong dân để cấy ghép, nâng năng suất lên trên 2 tấn/ha mới có thể giữ được diện tích điều (giống điều trồng ở khu vực Đông Nam bộ, nhất là Bình Phước, có chất lượng vượt trội so hạt điều châu Phi). Với đậu nành, nhiều nhà khoa học và quản lý cho rằng Việt Nam không có lợi thế, nhưng trong thế dựa “chân tường”, buộc phải có nguyên liệu trong nước để đáp ứng khẩu vị người tiêu dùng. Sau 2 năm nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng đậu nành Vinasoy (thuộc Công ty Sữa đậu nành Vinasoy, thành viên của Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi) cùng các chuyên gia từ Trung tâm Nghiên cứu công nghệ sinh học đậu nành quốc gia Hoa Kỳ (NCSB) sưu tập được khoảng 300 giống đậu nành bản địa; trong đó, giống đậu nành Cư Jút hoa trắng có nhiều ưu điểm như ít sâu bệnh, năng suất tăng từ 10% - 15% so với giống thường tại chỗ. Đầu năm 2015, giống này đã được nhân giống, và hiện đã hợp đồng sản xuất với nông dân đưa vào trồng trên quy mô khoảng 20ha tại 2 huyện Cư Jút và Đắk Mil (tỉnh Đắk Nông). Bên cạnh đó, Vinasoy kết hợp với nhà khoa học Việt kiều Mỹ khắc phục những hạn chế khác ngoài giống như: tập trung đất đai diện tích khá lớn để cơ giới hóa thay vì sản xuất manh mún, giúp giảm chi phí lao động, cơ cấu lại mùa vụ, không quá lạm dụng phân hóa học. Nói chung là cần hệ thống canh tác đồng bộ, giúp giảm giá thành, nâng cao chất lượng đậu nành.
CÔNG PHIÊN