Bất cập trạm y tế

Chủ trương của Bộ Y tế cũng như Sở Y tế TPHCM là tăng cường y tế cơ sở, nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở tuyến dưới, giảm tải tuyến trên. Trong đó, trạm y tế (TYT) có vai trò quan trọng trong KCB bảo hiểm y tế (BHYT) ban đầu, khám bác sĩ gia đình (BSGĐ)… Tuy nhiên, nhìn chung TYT hiện vẫn yếu kém, nhiều bất cập.
Bất cập trạm y tế

Chủ trương của Bộ Y tế cũng như Sở Y tế TPHCM là tăng cường y tế cơ sở, nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở tuyến dưới, giảm tải tuyến trên. Trong đó, trạm y tế (TYT) có vai trò quan trọng trong KCB bảo hiểm y tế (BHYT) ban đầu, khám bác sĩ gia đình (BSGĐ)… Tuy nhiên, nhìn chung TYT hiện vẫn yếu kém, nhiều bất cập.

Việc nhiều, người ít, không đủ thuốc

Tại giao ban TYT phường, xã mới đây với lãnh đạo Sở Y tế TPHCM, nhiều trưởng TYT không khỏi bùi ngùi vì “thân phận” là cơ sở y tế tuyến “út”. “Công việc của TYT quá nhiều nhưng nhân lực thì ít, lại không đủ cơ sở vật chất thực hiện”, lãnh đạo một TYT than thở. Theo ghi nhận, công việc hiện nay của các TYT khá nhiều, nào là phòng chống dịch bệnh, phòng chống lao, da liễu, cao huyết áp, phòng chống suy dinh dưỡng, HIV/AIDS, khám bệnh BHYT, BSGĐ... Trong khi đó nhân lực, cơ sở hạ tầng tại nhiều TYT chưa đáp ứng được những công việc trên. Theo đại diện của TYT phường 12, quận Phú Nhuận, cả trạm chỉ có 4 nhân sự nhưng làm hàng hoạt việc nên khó kham nổi. “Địa bàn quận đông dân, ngay số người cao tuổi trên địa bàn phường gần 1.000 người nên để theo dõi bệnh cao huyết áp thì trong 1 tháng phải mất 18 - 20 ngày để làm việc này, còn đâu thời gian để làm những việc khác”, vị đại diện này kể khó.

Đề cập đến vấn đề khám BHYT và khám BSGĐ, nhiều lãnh đạo TYT cũng rất trăn trở vì vướng mắc, bất cập. Lãnh đạo TYT phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân cho biết, hiện TYT này chưa có thuốc để khám chữa bệnh diện BHYT. “Để mở tủ thuốc tại trạm thì người đứng tủ thuốc tối thiểu phải có bằng trung cấp dược, nhưng liệu rằng với tấm bằng đó có ai về trạm y tế để làm không?”, vị đại diện này đặt vấn đề. Ngoài ra vị lãnh đạo TYT này còn băn khoăn, kết quả khám ở TYT có được bệnh viện quận, huyện công nhận hay không? Chia sẻ về điều này, đại diện TYT phường 2, quận Phú Nhuận cũng cho rằng, Thông tư 40 quy định danh mục thuốc ở các TYT còn quá  khiêm tốn, không đủ thuốc để có thể khám, điều trị cho bệnh nhân. “Các trạm y tế chỉ có 5 - 7 danh mục thuốc làm sao có thể điều trị cho các bệnh nhân tuyến quận, huyện đưa về. Rất nhiều bệnh nhân điều trị các bệnh mãn tính ở bệnh viện quận, sau đó chuyển về TYT nhưng không có thuốc điều trị, buộc phải quay lại bệnh viện quận”, đại diện TYT phường 2, quận Phú Nhuận phân trần. 

Không chỉ khó khăn về nhân lực, thuốc men, nhiều TYT hiện nay có cơ sở hạ tầng xuống cấp, không đảm bảo công tác khám chữa bệnh. “Đến cái máy vi tính còn chưa có nổi thì biết gì về phần mềm quản lý bệnh án. Vậy mà cấp trên cứ đưa văn bản chỉ đạo triển khai chương trình BSGĐ, làm bệnh án điện tử”, lãnh đạo TYT phường Bình Khánh, huyện Cần Giờ ngán ngẩm.

Khám bệnh cho người dân tại TYT phường Thảo Điền, quận 2 TPHCM

Đẩy mạnh phòng khám vệ tinh

Thực tế, Sở Y tế đã triển khai khám BHYT tại TYT từ 2 năm qua và đã có gần 200 TYT được thẩm định đủ tiêu chuẩn. Theo bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phòng Nghiệp vụ giám định (Bảo hiểm xã hội TPHCM), hiện Bảo hiểm xã hội TPHCM đã cấp khoảng 30.000 thẻ BHYT cho người dân đăng ký KCB ban đầu tại TYT. Tuy nhiên, tỷ lệ người dân đến khám vẫn rất ít, chủ yếu ở một số TYT ở vùng ngoại thành do đặc thù xa bệnh viện như Cần Giờ, Bình Chánh, Củ Chi.

Theo Sở Y tế, khám chữa bệnh BHYT ban đầu ở tuyến TYT là chủ trương giúp giảm tải cho các bệnh viện quận, huyện và tuyến trên. Mặt khác gắn kết với mô hình BSGĐ giúp người dân không cần phải đi khám bệnh xa và chờ đợi. Thế nhưng, thực tế các TYT chưa đủ để tạo niềm tin chất lượng cho người dân đến khám chữa bệnh. “Không có bác sĩ nào chịu về, nhiều TYT chưa có bác sĩ. Mặt khác, trưởng TYT cũng kiêm nhiệm nhiều việc, họp hành nhiều, có khi phải đi khám sàng lọc tiêm chủng hỗ trợ các trạm khác liên tục 5 - 6 tháng, nên người dân có đến khám cũng không có bác sĩ”, một trưởng TYT băn khoăn. Trong khi đó, mô hình BSGĐ đưa về TYT cũng đang gặp phải những bất cập. Đến nay, TPHCM đã có gần 150/319 TYT có phòng khám BSGĐ.

Tuy nhiên, so với nhu cầu người bệnh, lượng KCB tại các phòng khám BSGĐ còn rất thấp. “Phòng khám BSGĐ tại TYT nhưng danh mục thuốc không đủ, chưa có siêu âm tổng quát, đo điện tim, X quang… thì khó thu hút người bệnh”, một chuyên gia y tế nhìn nhận. Thực tế, hầu hết phòng khám BSGĐ tại TYT ứng dụng công nghệ thông tin chưa cao, chưa quản lý bệnh án điện tử, chưa kết nối được với bệnh viện tuyến trên nên chuyển viện cho bệnh nhân cũng gặp rất nhiều khó khăn, cơ chế pháp lý, giá cả chưa rõ ràng…

Trước những hạn chế về khám BHYT ban đầu, vận hành phòng khám BSGĐ tại TYT, một hình thức khác lại đang tỏ ra có hiệu quả khi nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và thu hút bệnh nhân đến TYT. Đó là phòng khám vệ tinh, kể cả vệ tinh kỹ thuật cao. Mới đây, lần đầu tiên trên cả nước, Bệnh viện Quận Thủ Đức đã khai trương phòng khám đa khoa vệ tinh tại TYT phường Bình Chiểu. Ngoài hệ thống phòng cấp cứu; khám nội - ngoại; sản - nhi; tai mũi họng; răng hàm mặt, phục hồi chức năng, da liễu, siêu âm, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh…,  phòng khám trên còn có hệ thống máy chạy thận nhân tạo phục vụ người bệnh mà không cần đến bệnh viện.

Theo TS-BS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế, hiện nay mô hình khám chữa bệnh của Việt Nam đang đi theo hình tháp ngược, bệnh nhân dồn về tuyến cuối trong khi tuyến y tế cơ sở lại chỉ chiếm 4% - 6% người bệnh tới khám và điều trị. Việc đưa các chuyên khoa sâu và nhân lực chuyên môn của bệnh viện về TYT sẽ góp phần thu hút bệnh nhân, giảm áp lực cho bệnh viện tuyến trên để tuyến trên có thời gian thực hiện các kỹ thuật chuyên khoa sâu.

TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục