Bất cập trong tổ chức thực hiện giám sát chuyên đề tại địa phương

Theo ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang), cùng một lúc, cùng một chủ đề và cùng một đơn vị chịu sự giám sát có 2 lần làm việc với đoàn cơ quan dân cử tại địa phương; 2 lần làm việc đoàn giám sát trung ương. Tổng cộng, tại địa phương được chọn giám sát sẽ có đến 4 lần giám sát về cùng 1 vấn đề.
ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) phát biểu tại phiên họp sáng 27-5. Ảnh: VIẾT CHUNG
ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) phát biểu tại phiên họp sáng 27-5. Ảnh: VIẾT CHUNG

Phát biểu tại hội trường Quốc hội sáng 27-5 về kết quả hoạt động giám sát, ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) bày tỏ đồng tình với báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo ĐB, báo cáo đã đánh giá khá đầy đủ kết quả, phân tích rõ ưu điểm, hạn chế. Bên cạnh đó, ĐB phản ánh còn có những bất cập trong tổ chức thực hiện giám sát chuyên đề tại địa phương.

“Tuy nhiên, trong tổ chức thực hiện còn có những bất cập như vừa phân công cho Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức giám sát, vừa phân công cho Thường trực HĐND tổ chức giám sát. Như vậy, cùng một lúc, cùng một chủ đề và cùng một đơn vị chịu sự giám sát có 2 đoàn cơ quan dân cử tại địa phương giám sát. Mặt khác, tại các đơn vị, địa phương được chọn đến giám sát thực tế sẽ có 2 lần làm việc đoàn giám sát trung ương. Tổng cộng, tại địa phương được chọn giám sát sẽ có đến 4 lần giám sát về cùng 1 vấn đề”, ĐB Kim Bé nêu rõ.

Đó là chưa kể, đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương còn tổ chức giám sát riêng, Thường trực HĐND, các Ban của Hội đồng nhân dân cũng giám sát. Trong khi Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND hiện có chung cơ quan giúp việc. Cùng với đó, thành phần tham gia đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương và của Thường trực HĐND giám sát chuyên đề đó tại địa phương cũng như nhau. “Cách làm đó chưa thực sự khoa học, tiết kiệm”, ĐB Kim Bé thẳng thắn nhận định.

Theo ĐB, không phải tổ chức nhiều cuộc giám sát, nhiều cuộc làm việc sẽ đảm bảo hiệu quả cho cuộc giám sát, để nâng cao chất lượng giám sát thì phải nâng cao vai trò, trách nhiệm của từng thành viên trong đoàn giám sát; nghiên cứu, phân tích, đánh giá cho trúng vấn đề và đeo bám để theo dõi việc giải quyết của cơ quan chức năng.

Từ đó, ĐB Nguyễn Thị Kim Bé kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi tổ chức thực hiện giám sát chuyên đề tại địa phương nên giao cho Đoàn đại biểu Quốc hội phối hợp với Thường trực HĐND giám sát chung mà không tách riêng. Đồng thời, kiến nghị với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi Đoàn giám sát Trung ương đến địa phương làm việc trực tiếp không nên giao cho Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức giám sát một lần trước đó nữa, giảm phiền hà cho đối tượng chịu sự giám sát.

ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM)

ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM)

Đề nghị Quốc hội lựa chọn giám sát tối cao về “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11-1-2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan”, ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) nhấn mạnh, tình hình kinh tế có dấu hiệu suy giảm, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường không ít, số lượng doanh nghiệp đăng ký mới cũng giảm.

Trong khi đó, việc giải ngân đầu tư công hiện nay còn chậm, trong khi thời hạn thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11-1-2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội không còn nhiều.

Đề cập đến vấn đề này, ĐB Trần Hoàng Ngân đề nghị Chính phủ trình Quốc hội gói hỗ trợ mới để đảm bảo an sinh xã hội, đồng thời cần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư để phục hồi, phát triển một cách toàn diện nền kinh tế.

Tin cùng chuyên mục