Bất cập ứng dụng CNTT trong giáo dục

Hiện nay ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong ngành giáo dục là nhu cầu tất yếu để theo kịp xu hướng phát triển của thế giới. Các chương trình đào tạo ứng dụng CNTT hướng tới người học nhiều hơn, giúp tăng cường tính chủ động trong học tập và nghiên cứu, góp phần tạo nên hứng thú học tập cho học sinh - sinh viên. Tuy nhiên, dù được xem là xu hướng tất yếu nâng cao hiệu quả đào tạo tại tất cả cấp học, việc ứng dụng CNTT trong giảng dạy đến nay vẫn còn nhiều bất cập.

Bộ Giáo dục - Đào tạo đã có chỉ thị về tăng cường giảng dạy, đào tạo và ứng dụng CNTT trong ngành giáo dục giai đoạn 2008-2012; lấy năm học 2008-2009 làm “Năm đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong giáo dục - đào tạo". Ngành giáo dục dự kiến triển khai mạng internet băng rộng miễn phí đến các cơ sở giáo dục, từ mẫu giáo đến phổ thông trung học, từ các phòng giáo dục và đào tạo, trung tâm giáo dục thường xuyên đến trung tâm học tập cộng đồng. Việc đấu nối cáp quang giá ưu đãi cũng được triển khai tới các trường đại học và cao đẳng. Ngành giáo dục cũng tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tập huấn CNTT… trong toàn ngành. Tuy vậy, đến nay việc ứng dụng CNTT trong giáo dục và đào tạo vẫn chưa đạt được kết quả mong muốn.

Ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành là một trong những trọng tâm ưu tiên của ngành, đã được triển khai sớm và được đội ngũ cán bộ, viên chức trong ngành nhận thức rõ và có ý thức tự trang bị cho mình kỹ năng CNTT. Điều này được thể hiện trong thời gian qua nhiều ứng dụng CNTT đã được đưa vào mảng giáo dục.

Tuy vậy việc triển khai vẫn chưa đồng bộ, phần lớn còn mang tính tự phát. Hơn nữa, bất cập còn thể hiện ở chỗ đến nay vẫn chưa có phần mềm lõi về quản lý điều hành trong phạm vi sở và các cơ quan trực thuộc Bộ Giáo dục - Đào tạo và chưa có hệ thống cơ sở dữ liệu chung. Đó là chưa kể nhân lực trực tiếp thực hiện ứng dụng CNTT trong các cơ quan quản lý giáo dục và tại các trường ở địa phương vừa thiếu, vừa nhận thức không đồng đều về yêu cầu của Bộ Giáo dục - Đào tạo trong ứng dụng CNTT.

Về phía các cơ sở đào tạo, hầu hết trường đại học không có sinh viên mang theo máy tính xách tay để học và thực hành. Nhiều trường phổ thông vùng sâu, vùng xa tuy có trang bị phòng thực hành máy vi tính nhưng thường xuyên đóng cửa. Giáo viên được khuyến khích sử dụng giáo án điện tử trên lớp hoặc thông qua dạy - học trực tuyến (e-learning) nhưng các hình thức giảng dạy hiện đại, tiện lợi này vẫn chưa được ứng dụng phổ biến.

Để “số hóa” ngành giáo dục và đào tạo thành công, tạo bước ngoặt theo hướng tích cực về chất lượng giáo dục - đào tạo, trước hết cần có sự chuyển biến về ứng dụng CNTT từ đội ngũ lãnh đạo các trường, các cơ quan quản lý nhằm xóa bỏ tâm lý ngại thay đổi của guồng máy. Ngoài ra, các trường cần có sự đầu tư đúng, có hệ thống và đồng bộ. Hiệu quả ứng dụng CNTT phải được đặt lên hàng đầu. Một yếu tố quan trọng khác là phải nâng cao ý thức học tập theo phương pháp mới của học sinh - sinh viên. Sự thành công của việc ứng dụng CNTT trong giáo dục - đào tạo kết quả cuối cùng sẽ được đo lường qua chất lượng học sinh - sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Sông Kiên (TPHCM)

Tin cùng chuyên mục