Trao giải Cuộc thi Thiết kế vi mạch cho đô thị thông minh lần 2

Ngày 17-5, Ban Quản lý Khu công nghệ cao TPHCM (SHTP) phối hợp cùng Thành đoàn TPHCM, Sở KH-CN TPHCM, Đại học Quốc gia TPHCM, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia Việt Nam (NIC), Trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng (DSAC) tổ chức Vòng chung kết xếp hạng và lễ tổng kết trao giải Cuộc thi Thiết kế vi mạch cho đô thị thông minh lần 2 - năm 2024.

Cuộc thi lần 2 được phát động vào tháng 12-2024, chỉ sau 6 tháng đã có 68 dự án thiết kế đăng ký, đến từ 27 trường đại học, tăng 71% so với mùa đầu tiên. Gần 300 thí sinh từ cả ba miền Bắc – Trung – Nam cùng hội tụ, thể hiện sự sáng tạo, phát triển các công nghệ lõi.

Trải qua vòng thi sơ loại, đào tạo thực tế với sự hướng dẫn của các chuyên gia giàu kinh nghiệm đến từ Synopsys, Cadence, Tresemi, trường đại học các dự án đã hoàn thiện ý tưởng và quy trình thiết kế trên phần mềm tiêu chuẩn quốc tế.

IMG_3042 2.jpg
Các đội thi thuyết minh, trình bày dự án trước hội đồng ban giám khảo

Tại vòng chung kết, các đội thi đã trình bày dự án trước Hội đồng giám khảo và được đánh giá dựa trên tính hoàn thiện về công nghệ, khả năng ứng dụng thực tiễn, tiềm năng ươm tạo và thương mại hóa.

Theo PGS.TS Lê Quốc Cường, Phó trưởng Ban quản lý khu công nghệ cao TPHCM, cuộc thi lần 2 đã có bước tiến rõ rệt cả về chiều sâu học thuật lẫn tính thực tiễn của các đề tài. Mặt bằng chất lượng dự án được nâng lên, sản phẩm thiết kế đã dựa trên xu hướng tích hợp công nghệ hiện đại.

Nhiều đề tài đã vượt khỏi khuôn khổ kỹ thuật thiết kế vi mạch cũ để tiếp cận các lĩnh vực thiết kế vi mạch có tính liên ngành, có tính hệ thống như: Tích hợp bộ tăng tốc trí tuệ nhân tạo, bộ mật mã hóa phần cứng, bộ giao tiếp tốc độ cao (BUS IP), bộ thu thập năng lượng ứng dụng trong công nghệ lượng tử, năng lượng tái tạo, giao thông thông minh, y tế và chuyển đổi số… Đây là tín hiệu rất tích cực, cho thấy tiềm năng phát triển của lực lượng kỹ sư thiết kế vi mạch trẻ tại Việt Nam.

Sếp Cường.jpg
PGS.TS Lê Quốc Cường, Phó trưởng Ban quản lý khu công nghệ cao TPHCM phát biểu tại lễ tổng kết

“Chúng tôi tự hào vì từ cuộc thi này, nhiều nhóm thí sinh đã được doanh nghiệp CNC tiếp cận, mời gọi hợp tác phát triển sâu hơn. Nhiều bạn trẻ bày tỏ nguyện vọng quay trở lại SHTP để khởi nghiệp công nghệ, trở thành những nhà thiết kế vi mạch chuyên nghiệp. Không có nguồn nhân lực, chiến lược bán dẫn chỉ là tuyên ngôn; không có hệ sinh thái đổi mới, ý tưởng công nghệ khó thành sản phẩm; không có chính sách đi trước, ngành vi mạch sẽ mãi chỉ dừng ở tiềm năng”, PGS.TS Lê Quốc Cường nhấn mạnh.

Ban tổ chức hy vọng sẽ tiếp tục nhận được sự đồng hành, hỗ trợ từ các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp vi mạch. Đây là bước đi quan trọng giúp Việt Nam tiến gần hơn đến mục tiêu trở thành trung tâm thiết kế vi mạch hàng đầu trong khu vực và thế giới.

Kết quả Cuộc thi Thiết kế vi mạch cho đô thị thông minh lần 2 năm 2024 như sau:

Giải nhất thuộc về dự án Thiết kế vi điều khiển RISC-V tích hợp mã hóa cứng hướng đến tiết kiệm năng lượng - Trường Đại học Công nghệ Thông tin (ĐHQG TPHCM).

Giải nhì thuộc về dự án Digital camera ASIC - Trường Đại học Bách Khoa (ĐHQG TPHCM).

Giải ba thuộc về dự án Thiết kế IP mã hoá/giải mã AES-128 trên ASICs - Trường Đại học Bách Khoa (Đại học Đà Nẵng); dự án Bộ chuyển đổi Buck DC-DC đáp ứng kịp thời với dải tải rộng - Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội.

GIẢI NHẤT 1.jpg
Ban tổ chức trao giải nhất cho thí sinh Trường Đại học Công nghệ Thông tin (ĐHQG TPHCM)

Ngoài ra, ban tổ chức còn trao 3 giải khuyến khích, 4 giải triển vọng, 1 giải ươm mầm khát vọng và các giải thưởng phụ cho các đội thi có thành tích nổi bật.

Tin cùng chuyên mục