Giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp thiết kế bán dẫn

Chiều 9-5, Quốc hội nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số và thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Lê Quang Huy trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số.

Hoitruong.jpg
Quang cảnh phiên họp chiều ngày 9-5. Ảnh: QUANG PHÚC

Theo báo cáo, hiện nay còn một số ý kiến khác nhau về dự thảo luật, trong đó, có ý kiến băn khoăn sự cần thiết của việc xây dựng khu công nghệ số tập trung, mối quan hệ giữa khu công nghệ số tập trung tại dự thảo luật với khu công nghệ cao tại Luật Công nghệ cao và khu công nghệ thông tin tập trung tại Luật Công nghệ thông tin.

Về việc này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, quy định về khu công nghệ số tập trung trong dự thảo luật không làm phát sinh quy định về khu chức năng mới mà là quy định chuyển tiếp.

Theo xu thế phát triển hiện nay, công nghiệp công nghệ thông tin sẽ phát triển thành công nghiệp công nghệ số. Do đó, các hoạt động đầu tư khu công nghệ thông tin tập trung sẽ là các dự án công nghiệp công nghệ số.

Khu công nghệ số tập trung hoạt động nghiên cứu, phát triển, sản xuất sản phẩm, dịch vụ công nghệ số theo mô hình công nghiệp.

Việc thay thế khái niệm khu công nghệ thông tin tập trung bằng khu công nghệ số tập trung để bao quát, cập nhật hơn với xu thế phát triển… Do vậy, việc quy định khu công nghệ số tập trung trong dự thảo luật là cần thiết.

Báo cáo giải trình cũng cho thấy, dự thảo luật đã quy định các chính sách về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động công nghiệp công nghệ số.

Cụ thể, tăng mức khấu trừ chi phí đối với chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển là 200%; đầu tư xây dựng nhà máy, dây chuyền, máy móc phục vụ hoạt động sản xuất sản phẩm công nghệ số là 150%; đồng thời, giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp cho các doanh nghiệp thiết kế bán dẫn, doanh nghiệp điện tử có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện chuyển giao quy trình sản xuất và sử dụng doanh nghiệp nội địa trong chuỗi cung ứng.

z6584144620188_6ce658ae5334b342da3c2c06ffd08e63.jpg
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Lê Quang Huy trình bày báo cáo giải trình. Ảnh: QUANG PHÚC

Tuy nhiên, thực hiện nguyên tắc một vấn đề chỉ quy định ở một văn bản luật, các chính sách này sẽ được nghiên cứu thu hút về dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, để bảo đảm đồng bộ, thống nhất với dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số.

Quá trình hoàn thiện dự thảo, các ý kiến đóng góp cũng đề nghị bổ sung nguyên tắc quản lý rủi ro, có biện pháp bảo đảm để thúc đẩy, phát triển, ứng dụng hệ thống trí tuệ nhân tạo trong các ngành, lĩnh vực và giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết, đồng thời có quy định về sở hữu sản phẩm sử dụng trí tuệ nhân tạo.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, dự thảo luật đã quy định về trí tuệ nhân tạo theo hướng thúc đẩy nghiên cứu, phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào cuộc sống. Có biện pháp quản lý rủi ro và lấy con người làm trung tâm. Các ý kiến khác cũng đề nghị làm rõ việc tài sản số trong dự thảo có thể sử dụng cho mục đích trao đổi hoặc đầu tư hay không…

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo luật đã cũng đưa ra quy định, tài sản số được xác định là tài sản theo pháp luật dân sự, việc bảo vệ các quyền đã được quy định trong pháp luật hình sự, chống tham nhũng và chống rửa tiền…

Một số đại biểu trong phần thảo luận tại hội trường sau đó bày tỏ quan điểm ủng hộ việc tạo điều kiện về thuế cho các doanh nghiệp số thực hiện; và cần có biện pháp tái chế các sản phẩm công nghệ số, để không ảnh hưởng môi trường, sức khỏe của người dân.

Tin cùng chuyên mục