Bắt Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Xây dựng miền Trung

Ngoài những sai phạm về tài chính, ông Đính đã bị tố cáo vì đã biến
Bắt Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Xây dựng miền Trung
Bắt Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Xây dựng miền Trung ảnh 1

Ngày 28-2, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Trần Xuân Đính, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Xây dựng miền Trung (Cosevco, có trụ sở ở Đà Nẵng).

Cùng bị bắt với Trần Xuân Đính còn có 6 cán bộ khác. Đó là Nguyễn Anh Dũng (nguyên Giám đốc Trung tâm Khoa học công nghệ xây dựng thuộc Cosevco - ảnh); Hoàng Công Uyên (nguyên Giám đốc Công ty Xây dựng gỗ MDF thuộc Cosevco); Hồ Sĩ Quảng (kế toán trưởng Nhà máy gỗ MDF thuộc Cosevco); Lê Chơn (nguyên giám đốc Công ty cổ phần Cơ khí xây dựng Quang Trung); Nguyễn Cảnh Thương (kế toán trưởng Công ty cổ phần cơ khí xây dựng Quang Trung) và Đặng Ngọc Thành (Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng 78, thành viên của Cosevco).

Các bị can nói trên bị bắt và khởi tố về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Được biết, năm 1999 Cosevco đã vay vốn ngân hàng thực hiện dự án Nhà máy Ván gỗ MDF-Cosevco, có công suất 30.000m3 sản phẩm/năm, vốn đầu tư ban đầu gần 300 tỷ đồng tại phường Đông Lương, thị xã Đông Hà (Quảng Trị).

Công ty Xây dựng 78 được giao làm chủ đầu tư xây dựng nhà máy. Khi mở gói thầu mua sắm thiết bị dây chuyền sản xuất phục vụ hoạt động của nhà máy, Hãng Maschinenfabrik J. Diffenbacher GmbH &Co (Đức) đã trúng thầu với giá 16,1 triệu USD. Tuy nhiên, khi ký hợp đồng, ông Trần Xuân Đính đã chỉ đạo chuyển sang thanh toán bằng EUR làm thất thoát của Nhà nước hàng chục tỷ đồng.

Các bị can khác bị khởi tố trong vụ án vì có liên quan đến quá trình thực hiện dự án Nhà máy Chế biến gỗ MDF. Cụ thể là việc lập chứng từ khống để thanh toán nhiều lần để tham ô tiền của Nhà nước. Chẳng hạn, Lê Chơn và Nguyễn Khắc Thương đã lập các hợp đồng kinh tế, mua bán hóa đơn khống nâng cao khối lượng thanh toán kết cấu thép lắp đặt nhà máy, gây thiệt hại khoảng 300 triệu đồng. Hoàng Công Uyên, Đặng Ngọc Thành và Hồ Sĩ Quảng đã thông đồng ký duyệt nhiều phần chi phí trong việc xây dựng nhà máy trái quy định gần 2 tỷ đồng; thanh toán trái quy định trên 3 tỷ đồng tiền ủy thác nhập khẩu...

Trần Xuân Đính còn chỉ đạo nâng tổng mức đầu tư nhà máy lên 456 tỷ đồng. Khi hoàn thành, nhà máy hoạt động kém hiệu quả, khó có khả năng trả nợ ngân hàngï. Hiện Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng đang tiếp tục mở rộng điều tra vụ án này.

Ngoài những sai phạm về tài chính, ông Đính đã bị tố cáo vì đã biến

Tổng Công ty Cosevco từ một tổng công ty nhà nước thành một tổng công ty “gia đình”. Trong số 34 đơn vị thành viên của Cosevco, hầu hết các vị trí lãnh đạo cao cấp đều do người nhà ông Đính nắm giữ.

Ông Trần Xuân Đoát, em ruột ông Đính, từng giữ chức Trưởng BQL dự án nhà máy cán thép tại Quảng Trị , sau khi dự án phá sản được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc (TGĐ) Nhà máy gỗ MDF Geruco Cosevco Quảng Trị; ông Trần Xuân Sơn, em ruột ông Đính, làm TGĐ Công ty Cosevco 1 tại Quảng Bình; ông Trần Xuân Tùng, em ruột ông Đính, làm Phó GĐ Công ty CP Đầu tư và Phát triển hạ tầng Cosevco; ông Trần Xuân Hải, em ruột ông Đính, phụ trách Phòng kế hoạch Nhà máy Xi măng Sông Gianh Cosevco (Quảng Bình); ông Trần Quang Minh, con ông Đính, lúc đầu làm Phó BQL Nhà máy Xi măng Sông Gianh khi đang tiến hành lập dự án (dự án nhóm A), nay đã lập công ty riêng và có nhiều quan hệ “mật thiết” với Tổng Công ty Cosevco; ông Trần Xuân Thông, con ông Đính, làm Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng và Kinh doanh bất động sản Cosevco.

Ngoài ra, ông Đính còn đưa nhiều người thân quen khác của mình vào những vị trí dễ “làm ăn” trong tổng công ty...

NG.KHÔI

N. VIỆT – Đ. THU

Tin cùng chuyên mục