Thư Australia:

Bắt chước đà điểu?

Nhà tôi thuê ở trên núi Upper Mount Gravatt. Cả tuần ngồi nhà ăn đồ đông lạnh, đọc báo thấy lũ lụt lớn lắm. Hôm trước nghe tin nước rút gần hết, tôi quyết định mò xuống “city”- trung tâm thành phố Brisbane - thám thính tình hình.

Tạt qua khu ăn chơi West End - nơi có rất nhiều nhà hàng châu Á-ghé thăm đứa bạn. Bạn tôi cũng mới đi sơ tán về. Nước rút từ trước rồi nhưng mấy hôm vẫn mất điện nên không về dọn dẹp được. Bạn tôi bảo: Nghỉ làm hơn tuần nay rồi. Nhà hàng mở cửa trở lại rồi, nhưng vắng khách nên chủ họ cũng không cần nhiều người. Chẳng biết có đói lâu không.

Ở South Bank và trong trung tâm, vài khu phố và các tầng hầm của một số tòa nhà vẫn ngập. Rải rác trong thành phố, một số tòa nhà vẫn đóng cửa vì các trạm điện vốn được đặt dưới tầng hầm hư hỏng nặng. Mình cứ nghĩ ngập lụt lâu thế này thì bây giờ đường phố chắc phải đầy bùn và rác rưởi, thậm chí nhiều thứ còn ghê hơn cả bùn rác, như ở Việt Nam ngày xưa sau mỗi trận lụt ấy. Hóa ra đường phố trong trung tâm sạch sẽ lắm dù vắng người hơn mọi khi. Chính quyền thành phố đã khẩn trương bố trí người quét dọn và sửa chữa những đoạn đường bị hư hỏng.

Ngay khi lũ lụt xảy ra, chính quyền địa phương cũng đã đưa ra các chỉ dẫn cần thiết cho người dân và cung cấp nhiều bao cát để các hộ gia đình chặn lên bồn cầu, chống nước thải trào ngược. Vì vậy mà hạn chế được rất nhiều nguy cơ bệnh tật sau lụt dù Queensland nổi tiếng là lắm muỗi và rắn.

Khi về, tôi sang nhà ông hàng xóm người Australia chơi và kể chuyện tôi ngạc nhiên thế nào khi thấy mọi chuyện dường như đã trở lại bình thường. Ông trầm ngâm một lúc rồi nói: Trong trung tâm thủ phủ thì thế thôi chứ ở ngoài còn nhiều việc phải làm lắm. Tôi không hiểu tại sao người ta cứ xây hay mua nhà ở các khu đất thấp. Sau trận lụt năm 74, tôi quyết định kiểu gì cũng phải chọn vùng đồi cao mà ở. Nhưng người ta cứ hay nghĩ chuyện xấu sẽ chỉ đến với người khác, không xảy ra với mình nên chẳng bao giờ đề phòng cẩn thận!

Tôi nghe mà chợt giật mình. Công bằng mà nói không phải cứ leo hết lên miền đồi núi mà ở là an toàn. Nhưng đúng là chúng ta thường quá chủ quan trong cuộc sống. Bỗng nhớ đến bài học về “Chính sách đà điểu”. Các chú đà điểu châu Phi to cao, chân dài miên man, chạy nhanh khủng khiếp nhưng cái đầu rất nhỏ. Mỗi khi có hiểm nguy, các chú lại vùi đầu xuống cát trốn vì nghĩ mình không nhìn thấy kẻ thù thì kẻ thù cũng không nhìn thấy mình.

Không chỉ “mất bò mới lo làm chuồng”, dân tình còn chóng quên nữa. Bằng chứng là chỉ một thời gian ngắn sau vụ sóng thần cách đây 6 năm, du khách đã lại đổ đầy các vùng vốn trước đó bị ảnh hưởng nặng. Trận lụt năm nay ở Queensland không thể so sánh với trận sóng thần đó nhưng cũng khá hãi hùng với khoảng 15.000 ngôi nhà bị ngập và hư hỏng nặng, gần 20 người chết và nhiều người vẫn mất tích. Nghe nói trận lụt này tốn nhiều tỷ đô la và Queensland còn lâu mới hồi phục hoàn toàn.

Nhưng nghĩ đi nghĩ lại thì cũng không biết phải đề phòng kiểu gì. Lũ lụt hay không thì cũng phải sống chứ. Chẳng nhẽ cứ như anh bác sĩ nhìn đâu cũng thấy vi trùng thì sống cũng mệt mỏi nhỉ. Có lẽ vẫn phải nhắm mắt mà quên hay bắt chước các chú đà điểu châu Phi thôi. 

TRÀNG AN

Tin cùng chuyên mục