Bắt đúng bệnh để trị “lệch chuẩn”

Hiện tượng lệch chuẩn trong giới trẻ không chỉ mới bùng phát mà đã âm ỉ, trở thành nỗi nhức nhối trong xã hội. Những ngày này, sự lệch chuẩn càng thể hiện rõ rệt khi một bộ phận người trẻ sử dụng những diễn đàn mở để công kích, nói xấu và kích động cộng đồng trước những vấn đề chưa “vừa mắt, vừa tai”. 

Dưới góc nhìn văn hóa, GS-TS Trần Ngọc Thêm, nhà nghiên cứu văn hóa, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, đã có những phân tích, chia sẻ xung quanh vấn đề này.

PHÓNG VIÊN: Theo ông, lệch chuẩn văn hóa, đạo đức của một bộ phận giới trẻ hiện nay thường biểu hiện ở những mặt nào? Ông đánh giá về thực trạng này ra sao? 

GS-TS Trần Ngọc Thêm: “Lệch chuẩn vô thức”, bao gồm các loại hành vi như chửi thề, “ném đá” tập thể trên mạng xã hội... Đặc điểm là chủ thể hành động theo sở thích, thói quen, không ý thức được hậu quả của việc mình làm. Do vậy, hành động này đôi khi có thể được số đông đồng tình nhưng nó có thể vô tình gây hại cho người khác, cho xã hội. Lệch chuẩn vô thức ít gặp ở các nước phát triển nhưng lại khá phổ biến ở Việt Nam hiện nay. Hiện tượng này đang có xu hướng ngày càng gia tăng, do có thể gây hại cho xã hội nên theo tôi đây là hiện tượng rất nghiêm trọng.

GS-TS Trần Ngọc Thêm

Sở dĩ loại lệch chuẩn vô thức này phổ biến ở Việt Nam vì nó có nguồn gốc từ những thói quen văn hóa, xuất hiện do sự thay đổi môi trường sống, khi có sự biến động về giá trị. Xã hội Việt Nam hiện nay đang có sự biến động mạnh về giá trị từ văn hóa nông thôn sang văn hóa đô thị, từ văn hóa nông nghiệp sang văn hóa công nghiệp. 

Lệch chuẩn ở giới trẻ Việt Nam thuộc về bản chất hay chỉ là hiện tượng bề ngoài? 

Để đánh giá xem nó là hiện tượng hay bản chất cần phải căn cứ vào động cơ của nó. Nếu việc gây hại do vô thức thì đó chỉ là hiện tượng còn nếu việc gây hại là có ý thức thì đó sẽ là bản chất. Sự phức tạp nằm ở chỗ các hiện tượng lệch chuẩn vô thức có thể gây hại hoặc không, việc gây hại (nếu có) có thể ở mức độ nhẹ hay nặng, nếu nặng nó sẽ chuyển thành phạm pháp chứ không còn là lệch chuẩn. Phần lớn các hiện tượng lệch chuẩn ở giới trẻ hiện nay đều là lệch chuẩn vô thức, là hiện tượng bề ngoài chứ không phải là bản chất nên về nguyên tắc đều có thể sửa được, chỉ có điều là do chúng có nguồn gốc từ những thói quen văn hóa nên việc sửa chữa không phải là đơn giản.

Mạng xã hội có vai trò như thế nào ở đây, thưa ông? Trường hợp một số bạn trẻ thích thể hiện quan điểm chính trị, chính kiến này nọ trên mạng xã hội nhưng không hiểu rõ bản chất sự việc, không hiểu luật pháp rồi a dua gây ra những sự việc đáng tiếc nên được nhìn nhận như thế nào?

Bên cạnh những mặt giá trị rất lớn, mạng xã hội đã cung cấp một phương tiện hiện đại rất phù hợp cho tật thích buôn chuyện của người Việt Nam. Chính bởi vậy mà mặc dù là một nước nhỏ nhưng chỉ trong thời gian ngắn, Việt Nam đã trở thành quốc gia có số lượng người dùng Facebook đứng thứ 7 trên thế giới. Do tính hám lợi mà mạng xã hội hiện nay đang được khai thác tối đa vì những mục đích cá nhân, đánh vào tâm lý của người trẻ: thích giao tiếp, thích đàn đúm, thích vui vẻ, thích thể hiện, thích có không gian để mình tồn tại, cá nhân mình phải là một cái gì đó trong không gian ảo đó, nó tạo cơ hội kích thích tính a dua phát triển.

Trường hợp một số bạn trẻ thích thể hiện quan điểm chính trị, chính kiến trên mạng xã hội là do họ hời hợt, lười suy nghĩ nên không hiểu rõ bản chất sự việc; do lười học hành nên không hiểu luật pháp; do sĩ diện nên thích khẳng định mình, thích thể hiện thái độ. Tất cả những thứ đó cùng thói a dua đã gây nên những sự việc đáng tiếc.

Là người tiếp xúc nhiều với các bạn học sinh - sinh viên, biết đến một số mô hình, cách làm định hướng người trẻ..., ông nhận xét như thế nào về hiệu quả của những mô hình này?

Những hoạt động tích cực của các hội đoàn, của bạn trẻ ở nhiều nơi như tổ chức hội thảo, tọa đàm nhằm báo động, phê phán, phòng ngừa, ngăn chặn các hiện tượng lệch chuẩn; các hoạt động về nguồn, các việc làm từ thiện nhằm hướng đến xây dựng ý thức trách nhiệm với bản thân và xã hội, xây dựng lối sống có ích của cộng đồng, đều là những việc quan trọng và cần thiết. Song theo tôi, chúng chưa đem lại được hiệu quả cao. Nguyên nhân là do việc phê phán thường chỉ mới dừng lại ở mức độ cảm tính mà chưa đi vào mổ xẻ kỹ lưỡng, chưa chỉ ra được đúng nguyên nhân. Đã bắt bệnh không trúng thì toa thuốc đưa ra vẫn chỉ là những bài giáo dục đạo đức chung chung, nguyên nhân chính vẫn còn nguyên đấy thì căn bệnh không thể được đẩy lùi.

Bên cạnh đó, trong khi những điều tốt đẹp làm được chưa đủ lấn át thì hàng ngày những thông tin về những hiện tượng lệch chuẩn khác đã ào ào kéo tới, cuốn dư luận đi theo, che lấp hết những thông tin tốt đẹp. 

Theo ông, vai trò của truyền thông, gia đình, xã hội... trong việc định hướng giá trị, định hướng chuẩn mực cho người trẻ như thế nào?

Tham gia vào việc định hướng giá trị cho người trẻ hiện nay có 6 yếu tố: Nhà nước, truyền thông, xã hội, nhà trường, gia đình và bản thân. Chúng ta đều biết trường hợp có những em học sinh ở gia đình được đánh giá là con ngoan, ở nhà trường được đánh giá là trò tốt, cho đến lúc cả hai bên bật ngửa là không phải. Bởi lẽ ở giữa nhà trường và gia đình là truyền thông và xã hội, tác động của 2 yếu tố này lớn vô cùng. Với điện thoại thông minh và máy tính bảng, internet và mạng xã hội đang hiện diện mọi nơi mọi lúc sẽ “tiếp tay” cho cái lệch chuẩn lan tràn. Trong sự thành công của bài hát Anh đếch cần gì nhiều ngoài em vừa ra mắt đã lập tức trở thành hiện tượng V-pop, hay cách cổ vũ bóng đá kiểu “đi bão” có một không hai của Việt Nam... đều có sự “góp sức” lớn của truyền thông.

Cách ngăn chặn lệch chuẩn hiệu quả nhất là thực hiện đúng chuẩn mực. Mà khởi nguồn của chuẩn mực phải bắt đầu từ Nhà nước và hệ thống pháp luật của nhà nước. Có niềm tin, cả xã hội sẽ lần lượt vào guồng hết. Cuối cùng, yếu tố quan trọng nhất nhưng lâu nay chưa được chú ý đúng mức là bản thân con người. Ngay cả khi tất cả những yếu tố khác có thể còn chưa chuẩn nhưng nếu bản thân người trẻ có triết lý sống, có hệ giá trị chuẩn mực của riêng mình, không a dua theo đám đông thì kiểu gì cũng sẽ sống tốt, sống thanh thản.

Tin cùng chuyên mục