Bất hợp lý

Tòa án Nhân dân quận 7 vừa mở phiên tòa để xét xử lại đối với bị cáo Ngô Thành Tâm bị truy tố về tội “Trộm cắp tài sản” theo khoản 1 Điều 138 BLHS.

Theo nội dung bản cáo trạng, căn nhà số 41 Lê Văn Lương phường Tân Kiểng quận 7 do Tâm làm chủ, sát vách tường với căn nhà số 43 Lê Văn Lương của ông Nguyễn Tấn Của. Đầu tháng 11-2003, phát hiện đường dây điện âm trong tường nhà ông Của bị hở, Tâm câu móc nguồn điện nhà ông Của để sử dụng cho nhà Tâm và nhà của cha ruột tại số 33 Lê Văn Lương. Đến ngày 28-4-2007, hành vi này của Tâm bị bắt quả tang.

Tình tiết của vụ án đã rõ. Tuy nhiên, đến nay vụ án vẫn chưa thể xét xử xong do các cơ quan tiến hành tố tụng chưa thống nhất với nhau về cách tính lượng điện năng bị chiếm đoạt trong vụ án. Theo kết luận điều tra của Cơ quan cảnh sát điều tra và theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) quận 7, tổng điện năng mà bị cáo Tâm trộm là 29.992kWh. Số lượng điện năng bị trộm này được tính trong khoảng thời gian từ tháng 11-2003 đến tháng 5-2007.

Thế nhưng cách tính như vậy đã gây bất lợi cho bị cáo Tâm, vì thời điểm bị cáo bị bắt quả tang là ngày 28-4-2007, trong khi hóa đơn tiền điện tháng 5-2007 của nhà ông Của được tính từ ngày 13-4-2007 đến ngày 12-5-2007, nghĩa là có 14 ngày bị cáo không thực hiện hành vi trộm điện vẫn bị tính vào.

Ngay cả trong hóa đơn tiền điện tháng 5-2007 của nhà ông Của do Chi nhánh Điện lực Tân Thuận cấp cũng ghi rõ: “Hóa đơn này có 16 ngày nhà 41 + 33 Lê Văn Lương trộm điện của nhà 43 Lê Văn Lương”. Dựa vào cách tính của Cơ quan cảnh sát điều tra, nếu tính đúng thì phải trừ đi 14 ngày bị cáo không trộm điện, như vậy tổng điện năng bị cáo trộm của nhà ông Của chỉ là 29.325 kWh. Vì điểm bất hợp lý này, trong phiên xử sơ thẩm lần thứ nhất vào tháng 4-2009, Hội đồng xét xử đã tuyên hoãn phiên tòa, trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Tuy vậy, VKSND quận 7 vẫn giữ nguyên quan điểm về tổng điện năng bị cáo Tâm đã trộm. Tại phiên tòa xử sơ thẩm lần hai vào cuối tháng 8-2009 vừa qua, phát biểu quan điểm về vấn đề này, đại diện VKSND quận 7 giữ quyền công tố tại phiên tòa, tuyên bố: “Tại cơ quan điều tra, bị cáo đã đồng ý bồi thường số lượng điện bị trộm tính đến hết ngày 12-5-2007 nên cứ dựa vào lời khai này mà xử. Nếu hội đồng xét xử thấy không đúng thì tự tính toán, yêu cầu giám định lại” (!?). Không đồng ý với lập luận này, Hội đồng xét xử tiếp tục tuyên hoãn phiên tòa để làm rõ những vấn đề nêu trên.

Ngoài ra, do pháp luật chưa có văn bản hướng dẫn cách tính thiệt hại trong trường hợp người dân trộm điện của nhau, vì thế các cơ quan chức năng chỉ có thể dựa vào Quyết định số 31/2006/QĐ-BCN ngày 6-9-2006 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp về việc ban hành Quy định kiểm tra hoạt động điện lực và sử dụng điện, giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện – là căn cứ để xử lý những trường hợp tổ chức, cá nhân trộm điện của Nhà nước.

Tuy nhiên, công thức tính bồi thường thiệt hại đối với hành vi trộm cắp điện quy định tại Điều 28 của quyết định này đã thể hiện sự bất cập, thiếu chính xác khi lấy sản lượng điện bị trộm nhân với giá điện ở mức cao nhất của biểu giá điện. Bởi lẽ, bằng phương pháp tính này, dựa trên công suất của các thiết bị điện mà bị cáo Tâm và cha bị cáo sử dụng tại thời điểm bị bắt quả tang do cơ quan cảnh sát điều tra cung cấp, Chi nhánh Điện lực Tân Thuận đưa ra số tiền điện mà bị cáo Tâm trộm của ông Của là 81 triệu đồng. Trong khi đó, suốt thời gian bị trộm điện, tổng số tiền điện ông Của phải trả (bao gồm lượng điện năng thực tế nhà ông đã sử dụng cộng với lượng điện năng bị trộm) chỉ có 65 triệu đồng!

Chiếm đoạt tài sản thì phải bồi thường, đó là điều đương nhiên, nhưng nếu công thức tính bồi thường chưa được sửa đổi cho phù hợp và nếu các cơ quan tiến hành tố tụng không dựa trên thực tế để kết luận thiệt hại chính xác thì sẽ khiến dư luận không đồng tình.

THANH TÂM

Tin cùng chuyên mục