Nói đến nuôi trồng thủy sản, nhiều người thường liên tưởng đến lợi thế vùng ven biển và đồng bằng sông Cửu Long với tôm và cá tra mang về nhiều tỷ USD/năm. Thế nhưng gần đây, khu vực tưởng như thất thế với nghề này là vùng núi phía Bắc và Tây Nguyên xuất hiện vật nuôi mới đầy tiềm năng: cá nước lạnh từ vùng ôn đới.
Cú đột phá thú vị
Cá tầm Nga (Russian sturgeon) là một trong ít loài cá có giá trị kinh tế cao nhất trong các con sông ở Nga thuộc vùng biển Caspian và biển Đen, nổi tiếng thế giới với món trứng cá đen - caviar có giá trị dinh dưỡng và kinh tế rất lớn đã được nuôi thăm dò trước đó ở Việt Nam. Năm 2008, việc đưa cá tầm Nga về nuôi tại hồ thủy điện Đa Mi, tỉnh Bình Thuận, giáp với Lâm Đồng, đã tạo ra cú đột phá bất ngờ đầy thú vị. Cá tầm Nga phù hợp với vùng nước ở đây nên đã có sự tăng trưởng nhanh chóng. Để cá tầm tự nhiên đạt 15kg ở Nga phải cần 8 - 10 năm, nhưng tại vùng hồ Đa Mi chỉ 4 - 5 năm.
Theo ông Lê Anh Đức, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Cá tầm Việt Nam (VN), cá tầm tại đây lớn nhanh hơn do điều kiện môi trường ấm hơn ở Nga (nhiệt độ trung bình khoảng 26°C thay vì 22°C - 25°C), có dòng chảy lớn, nguồn nước sạch quanh năm đáp ứng các chỉ tiêu cao nhất về chất lượng nước và mật độ nuôi không khác gì với các vùng nước lạnh Caspian, biển Đen hay hồ Lagoda (Nga). Bên cạnh con giống thuần chủng, ngoài thức ăn hỗn hợp còn thêm các loại thức ăn thiên nhiên như cá cơm, cá nục... nên có sự tăng trưởng ngoài mong đợi.
Từ việc nuôi thử nghiệm ở hồ thủy điện Đa Mi vài lồng, hiện nay Công ty CP Tầm Long Đa Mi (thuộc Tập đoàn Cá tầm VN) đã có 200 lồng bè với sản lượng trên 200 tấn cá thương phẩm. Là đơn vị đầu tiên thành công trong việc nhân giống cá và khai thác caviar - trứng cá đen tại VN, nên tập đoàn quyết định đầu tư vào Tầm Long Đa Mi gần 300 tỷ đồng xây dựng tổ hợp gồm phòng thí nghiệm, trại sản xuất cá giống, kho lạnh, nhà máy sản xuất, chế biến trứng cá và các sản phẩm từ thịt cá tầm…
Đồng thời tập đoàn mở rộng nuôi đến các vùng hồ thủy điện ở Bình Định (Vĩnh Sơn), Đắk Lắk (Buôn Tua Srah), Sơn La... trong đó vốn đầu tư ban đầu tại hồ Buôn Tua Srah khoảng 500 tỷ đồng với 20.000 con cá giống nuôi thả trong 50 lồng.
Dự kiến, sau 12 - 18 tháng, một nửa số lượng giống thành cá thương phẩm, trọng lượng từ 2 - 3kg/con; số cá còn lại được nuôi tiếp sau 5 năm để lấy trứng đen đóng hộp xuất khẩu, mỗi con cá có thể thu được 1kg trứng với giá hàng ngàn USD/kg. Hồ thủy điện Buôn Tua Srah được đánh giá là cơ sở nuôi cá tầm lớn nhất trong khu vực. Khi hoàn thành có sức chứa khoảng 1 triệu con cá trưởng thành. 2 năm tới, tập đoàn này dự định đầu tư thêm từ 5 - 10 khu nuôi mới tại Đắk Lắk, với sản lượng trứng cá tầm có thể đạt 1.000 tấn/năm.
Xuất khẩu trứng cá đen
Nhu cầu thịt cá tầm hiện nay mới dừng lại ở những TP lớn như TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng… với sản lượng tiêu thụ mỗi năm khoảng 1.000 tấn, nhưng giá bán còn ở mức cao.
Ông Lê Anh Đức cho rằng, hiện nay chúng ta mới khai thác khoảng 1% diện tích mặt hồ có đủ điều kiện nuôi. Với tốc độ tăng trưởng cá tầm ở VN nhanh gần 3 lần ở Nga sẽ giúp giảm giá thành. Khi cá tầm được nuôi nhiều, đưa vào các hộ ở vùng núi có điều kiện phù hợp, sản lượng nhiều hơn, giá cá tầm sẽ giảm xuống ở mức ngang với cá thu để thu hút nhiều người dùng hơn.
Lợi thế của nghề nuôi cá tầm là đi theo con đường cá tầm thuần chủng, tuân thủ theo tiêu chuẩn Global GAP thay vì nuôi cá tầm lai như nhiều nước: cá tăng trọng nhanh hơn nhưng chất lượng không bằng cá tầm thuần chủng. Các cơ sở nuôi ở Trung Quốc di theo hướng giống lai, sử dụng chất kích thích tăng trọng nên các nước không nhập khẩu, cũng là lý do khi cá tầm Trung Quốc giá cực rẻ do thời gian nuôi còn dưới 1 năm để đạt 1 - 3kg, cá ồ ạt tràn vào VN như thời gian qua.
Tuy nhiên, giới nuôi cá tầm đều hiểu rằng, sản phẩm có giá trị lớn nhất không phải nuôi lấy thịt mà là trứng cá đen - caviar, một loại thực phẩm dinh dưỡng vào loại cao cấp và hiếm, giá khoảng 1.700 USD/kg (loại trứng cá tầm trắng), 2.800 USD/kg (trứng cá tầm Siberi), 5.800 USD/kg (trứng cá tầm Kaluga) và đặc biệt 12.000 USD/kg (trứng cá tầm Nga).
Với lợi thế chỉ cần phân nửa thời gian nuôi cá lấy trứng so với ở Nga, VN có thể phát triển nuôi cá lấy trứng thương phẩm để làm thực phẩm. Năm 2012, khi thu hoạch được khoảng 1 tấn trứng cá tầm đầu tiên, tập đoàn chỉ đủ phân phối cho các khách sạn lớn trong nước. Cũng chưa xuất khẩu thịt và trứng cá tầm do sản lượng nuôi hiện nay chưa đủ đáp ứng nhu cầu trong nước.
Theo ông Lê Anh Đức, khách du lịch Nga đến Nha Trang hay tìm mua loại hàng này. Ngoài ra, do bị đánh bắt và khai thác cạn kiệt, đặc biệt là vùng biển hồ Caspian và biển Đen nên hiện nay toàn thế giới sản xuất và đánh bắt được khoảng 70 - 100 tấn/năm, chỉ đáp ứng vài phần trăm nhu cầu thế giới.
Vì vậy, nhiều nhà nhập khẩu châu Âu khi biết VN có trứng cá tầm đã sang tận nơi tìm hiểu và đánh giá cao trứng cá tầm VN do được nuôi trong môi trường tự nhiên, trong lành, không sử dụng thuốc tăng trưởng. Tập đoàn đã ký biên bản ghi nhớ và dự kiến xuất sang Pháp và Nga trứng cá đen - caviar vào cuối năm 2013 hoặc giữa năm 2014.
Chuyên gia cá tầm Nga cho rằng, vài năm tới VN có thể là nước hàng đầu châu Á về cung cấp caviar nhờ vào tốc độ phát triển và chất lượng trứng cá nuôi theo chuẩn Global GAP.
CÔNG PHIÊN