
Lâu nay, thị trường sách thiếu nhi luôn có yêu cầu cao cả về chất và lượng. Nhiều NXB đã thoát khỏi lối làm sách sáo mòn, khô cứng, đi tìm những ý tưởng hấp dẫn để làm sách cho các em. Tuy nhiên, trên con đường đi này, các NXB cũng còn nhiều trăn trở…
Đi tìm ý tưởng
Có thể thấy, tại các nhà sách, sách ngoại văn dành cho thiếu nhi luôn hấp dẫn và phong phú. Mặc dù giá sách ngoại văn cao gấp nhiều lần sách trong nước, nhưng nhiều phụ huynh vẫn “nghiến răng” mua sách cho con em mình, bởi sự hấp dẫn đặc biệt và hiệu quả giáo dục theo phương thức “học mà chơi” của sách ngoại văn. Nắm được thực trạng đó, NXB Giáo Dục đã vào cuộc bằng sự thể nghiệm các ý tưởng.

Sách cho thiếu nhi không chỉ độc đáo về ý tưởng mà còn phải đảm bảo tính giáo dục. Ảnh: D.N.
Từ chuyện “cũ người, mới ta”, NXB đã nghiên cứu ý tưởng hay của một số bộ sách ngoại văn, tìm cách chuyển vào đó những nội dung, những tinh thần phù hợp với trẻ em Việt Nam. Chị Mai Ngọc Liên, từng nhiều năm hoạt động trong ngành nghiên cứu chiến lược phát triển giáo dục trẻ em Việt Nam cho biết: “Nhìn những cuốn sách nhập từ nước ngoài chúng tôi cứ trăn trở tại sao người ta làm được mà mình lại không. Điều này buộc chúng tôi phải tìm tòi để cho ra đời bộ sách đặc biệt dành cho thiếu nhi Việt Nam. Những bộ sách này không chỉ đáp ứng nhu cầu của các bậc phụ huynh mà còn tạo môi trường giáo dục qua sách theo phương pháp mới cho trẻ”.
Sắp tới, NXB sẽ mua bản quyền những bộ sách này từ các nước Nga, Pháp, Đức, Thái Lan... thông qua công ty Starprint Vietnam với 44 đầu sách được chia thành 8 bộ khác nhau. Trước khi đưa những bộ sách này ra thị trường, NXB đã đưa sách mẫu đến thử nghiệm tại các trường mẫu giáo, mầm non… và được cô và bé hoan nghênh. Không chỉ dừng lại ở mức độ giải trí, sách còn là giáo cụ sinh động, thiết thực cho việc giảng dạy trong nhà trường.
Bộ sách “Bé ơi, xem này” cung cấp cho trẻ những kiến thức về khoa học và toán học căn bản. Nội dung đơn giản nhưng rất lạ và cung cấp cho bé những kiến thức cần thiết như thời tiết, khí hậu, thời gian, sự phát triển của cây cối, động vật, con người…; “Bé tìm hiểu” là bộ sách song ngữ Anh - Việt được trình bày dưới dạng sách mini, màu sắc tươi sáng, hình ảnh đẹp… dễ mang theo người.
Học mà chơi, chơi mà học
Điểm nổi bật trong loạt sách dành cho trẻ em của NXB Giáo Dục là sách được thiết kế như một đồ chơi như: sách nổi hình thú, hình ngôi nhà… Bộ sách hình thú có mỗi trang là một câu chuyện ngắn về chính con thú ấy và lồng vào đó bài học đạo đức, ứng xử nhẹ nhàng.
Bộ “Môi trường xung quanh” là tập hợp những bài thơ ngắn, dí dỏm, hình ảnh minh họa ngộ nghĩnh về đề tài cây cối, động vật, các hoạt động thường ngày của trẻ... Là một trong những người góp phần dịch và biên soạn bộ sách, chị Nguyễn Thị Thanh Thủy trăn trở: “Làm sách cho trẻ em không chỉ đúng mà còn phải hay. Trong lĩnh vực này chúng tôi phải tìm tòi, học hỏi cách làm sách của nước ngoài. Từ đó áp dụng vào công nghệ xuất bản sao cho phù hợp với trẻ em nước ta”. Một trong những ý tưởng thú vị nhất và có hiệu quả nhất là dùng truyện cổ tích để thiết kế bài tập cho trẻ em.
Bộ sách “Vui học cùng cổ tích” đã kết hợp giữa học và hành, vui chơi mà vẫn kích thích sự sáng tạo. Thông qua câu chuyện cổ tích quen thuộc với các em, những người biên soạn đã khéo léo lồng vào đó những bài học như điền từ, làm các phép toán đơn giản…
Với những ý tưởng từ việc chuyển giao công nghệ làm sách cho trẻ em, bước đầu NXB Giáo Dục đã tạo được “làn gió mới” trong quá trình làm sách cho thiếu nhi. Sách được thực hiện dưới hình thức giải trí nhưng tính giáo dục vẫn đảm bảo. Việc kết hợp giữa chơi và học làm cho trẻ không cảm thấy ép buộc mà học một cách tự nhiên, thích thú. Làm sao để sách hấp dẫn, thu hút trẻ em mà tính giáo dục được đảm bảo vẫn luôn là yếu tố mà các nhà làm sách cho trẻ em hiện nay cần hướng tới.
Thùy Dung