Theo đó, trong quá trình làm thủ tục tại phiên tòa phúc thẩm sáng nay, chỉ có 2 bị cáo có mặt tại tòa là Hoàng Văn Tuấn (25 tuổi, ở xã Nghĩa Mai, Nghĩa Đàn, Nghệ An, là thợ hàn sửa quán Karaoke 68) và Lê Thị Thì (tức Lê Thị Thanh, 56 tuổi, ở phường Quỳnh Lôi, Hai Bà Trưng, Hà Nội, là chủ sử dụng lao động đối với Hoàng Văn Tuấn).
Bị cáo còn lại trong vụ án là Nguyễn Diệu Linh (32 tuổi, ở phường Văn Quán, quận Hà Đông, Hà Nội, chủ quán Karaoke 68 Trần Thái Tông) đã có đơn xin vắng mặt vì lý do con bị ốm. Bị cáo Linh cũng đang được tại ngoại vì nuôi con nhỏ.
Trước sự vắng mặt của bị cáo Linh, đại diện người nhà của các nạn nhân trong vụ án đã đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm hoãn phiên tòa.
Cùng với đó, một số luật sư cũng vắng mặt tại phiên tòa phúc thẩm.
Do đó, sau phần trình bày của những người liên quan vụ án và đại diện Viện Kiểm sát, căn cứ vào điều 351, điều 352 Bộ luật Tố tụng hình sự, Hội đồng xét xử đã quyết định hoãn phiên tòa nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo.
Phiên tòa phúc thẩm sẽ được xét xử trở lại trong một ngày gần nhất.
Trước đó vào cuối tháng 3-2018, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử 3 bị cáo nêu trên trong án cháy quán Karaoke 68 phố Trần Thái Tông.
Cả 3 bị cáo đều bị truy tố và xét xử về tội danh “Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy”, theo khoản 3, Điều 240, Bộ Luật Hình sự.
Bản án sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Diệu Linh 9 năm tù giam, 2 bị cáo Hoàng Văn Tuấn và Lê Thị Thì cùng bị phạt 7 năm tù giam.
Ngoài án phạt tù, Tòa còn tuyên buộc các bị cáo liên đới bồi thường cho gia đình các bị hại bao gồm tổn thất về tinh thần, mai táng phí, chu cấp cho con các nạn nhân đến năm 18 tuổi và cấp dưỡng bố mẹ già.
Bản án sơ thẩm cũng chỉ rõ, các bị cáo đã không tuân thủ quy định về PCCC, không tuân thủ các quy định về sử dụng lao động cũng như an toàn về lao động trong lĩnh vực PCCC và sử dụng lao động không theo quy chuẩn lao động để xảy ra vụ cháy quán karaoke 68 Trần Thái Tông, làm 13 người chết, gây thiệt hại về tài sản gần 140 triệu đồng.
Hành vi phạm tội của các bị cáo bị đánh giá là rất nghiêm trọng, xâm phạm đến các quy định về PCCC, dẫn đến thiệt hại về người và tài sản, gây đau thương mất mát cho gia đình bị hại, gây dư luận xấu trong xã hội.
Trong đó, bị cáo Nguyễn Diệu Linh là chủ quán Karaoke 68 đã tự ý thay đổi thiết kế, không tuân thủ thiết kế ban đầu trong quá trình xây dựng và giám sát xây dựng.
Ngày 1-11-2016, thời điểm đó, quán Karaoke 68 vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, lắp đặt hệ thống phòng cháy chữa cháy (PCCC) và chưa được nghiệm thu thì vào hồi 13 giờ và 13 giờ 30 cùng ngày, Linh vẫn chỉ đạo nhân viên của quán karaoke này cho 2 tốp khách vào hát tại các phòng 502 và 506.
Đối với Hoàng Văn Tuấn là thợ hàn sửa chữa tại quán nhưng không có chứng chỉ về hàn điện, chưa được huấn luyện về an toàn lao động và không có biện pháp phòng chống cháy khi thi công lắp đặt thiết bị tại quán Karaoke 68.
Do vậy, trong lúc dùng máy hàn điện thổi lửa trực tiếp vào bản lề cửa phòng hát nhằm mục đích dùng nhiệt cắt bản lề ra đã dẫn đến lửa bén vào vách phòng và gây ra vụ hỏa hoạn với hậu quả đặc biệt nghiêm trọng làm 13 người trong 2 tốp khách nêu trên bị thiệt mạng.
Đối với bị cáo Lê Thị Thì là chủ sử dụng lao động Hoàng Văn Tuấn, đã sử dụng lao động khi chưa có chứng chỉ hành nghề, không tuân theo các quy định an toàn phòng chống cháy nổ, biết rõ công việc hàn có thể dẫn đến cháy nổ nhưng không có biện pháp phòng chống cháy nổ mà vẫn đồng ý để Tuấn dùng máy hàn để nung, cắt bản lề dẫn đến cháy quán Karaoke 68.
Sau khi bản án sơ thẩm được tuyên, cả 3 bị cáo trong vụ án này đều có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm. Cùng với đó, các bị hại trong vụ án cũng có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.