Bất ổn an ninh, xã hội phủ bóng Euro 2016

Căng sức đảm bảo an ninh
Bất ổn an ninh, xã hội phủ bóng Euro 2016

Hôm nay, 10-6, vòng chung kết giải vô địch bóng đá châu Âu (Euro) 2016 sẽ khai mạc tại Pháp. Tuy nhiên, nỗi lo an ninh và làn sóng đình công chưa có hướng giải quyết tiếp tục phủ bóng đen lên ngày hội của bóng đá lục địa già.

Căng sức đảm bảo an ninh

Việc một công dân Pháp bị bắt giữ tại Ukraine vì tình nghi lên kế hoạch thực hiện 15 vụ tấn công đồng loạt trong dịp Euro 2016 thực sự là hồi chuông cảnh báo đối với an ninh phục vụ giải đấu 4 năm mới có 1 lần này. Trước nỗi lo khủng bố, Chính phủ Pháp đã cho ra mắt một phần mềm miễn phí trên điện thoại thông minh bằng tiếng Pháp và tiếng Anh, có chức năng cảnh báo nguy cơ xảy ra tấn công khủng bố và các tình huống an ninh khẩn cấp, với hy vọng ứng dụng mới sẽ giúp người sử dụng tiếp nhận và phổ biến các thông tin tin cậy, chính thống về tình hình an ninh trên các mạng truyền thông xã hội.

An ninh được tăng cường tại các fan zone, mục tiêu nhạy cảm dễ bị tấn công khủng bố

Với khoảng 2,5 triệu du khách đổ về Pháp nhân dịp này, 90.000 cảnh sát, binh sĩ và nhân viên an ninh tư nhân của đất nước hình lục lăng sẽ phải căng sức để đảm bảo an ninh cho giải đấu. Tại Paris, cảnh sát đã yêu cầu chính phủ đóng cửa khu vực truyền hình miễn phí cho các cổ động viên (fan zone) đối với một số trận đấu. Đây được xem là mục tiêu nhạy cảm rất dễ bị tấn công khủng bố, bởi fan zone thu hút đông đảo lượng cổ động viên, khách du lịch đến xem các trận bóng đá được chiếu trên các màn hình khổng lồ mỗi đêm. Ước tính, hơn 90.000 người có thể tập trung tại khu vực fan zone ở Paris; khoảng 80.000 người sẽ theo dõi bóng đá tại fan zone ở bãi biển Plage du Prado, Marseille; 20.000 người tại Lyon…

Một thống kê cho thấy từ năm 1972 đến năm 2004, đã có 168 vụ tấn công liên quan đến các sự kiện thể thao. Rất nhiều chuyên gia chống khủng bố và an ninh trên thế giới xem mức độ thách thức đối với an ninh của kỳ Euro 2016 ngang bằng Olympic London năm 2012 hay thời khắc đón năm mới tại Quảng trường Thời đại ở New York. Vì lẽ đó, Chính phủ Anh đã cảnh báo người hâm mộ bóng đá nước này có thể là những mục tiêu bị khủng bố. Bộ Ngoại giao Anh cho rằng, khủng bố có khả năng xảy ra trong suốt thời gian Euro 2016 diễn ra. Những nơi bị nhắm đến trước tiên là các sân vận động, nơi diễn ra các cuộc thi đấu, cũng như những nơi dành cho cổ động viên như fan zone, hay giới truyền thông theo dõi sự kiện, các phương tiện chuyên chở. Mỹ cũng đưa ra những lời cảnh báo tương tự với công dân của nước mình.

Làn sóng đình công dâng cao

Ngoài nỗi lo an ninh khủng bố, Chính phủ Pháp hiện đang đối mặt với một tuần lễ khó khăn khi làn sóng đình công tiếp tục dâng cao nhằm phản đối những cải cách lao động gây tranh cãi tại nước này. Đình công khiến các cơ sở xử lý rác thải ở Paris phải đóng cửa và gây nên tình trạng ô nhiễm tại 10/20 quận của thủ đô Paris. Trong khi đó, hàng trăm nhà hoạt động công đoàn đã tụ tập biểu tình và đốt lửa tại nhà ga Gare du Nord - điểm khởi hành của các chuyến tàu Eurostar tới Anh và các dịch vụ khác tới Bắc Âu, khiến giao thông tại đây bị đình trệ.

Thăm dò dư luận mới đây cho thấy, 54% người Pháp tỏ ra mệt mỏi và phản đối làn sóng đình công, biểu tình hiện nay. Mặc dù vấp phải sự phản đối quyết liệt và thái độ cứng rắn của các tổ chức công đoàn, Chính phủ Pháp vẫn kiên quyết không rút lại dự luật cải cách lao động vì cho rằng những biện pháp này giúp giải quyết tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức trên 10% tại quốc gia này.

Không chỉ khiến tình hình xã hội trong nước rối ren, theo báo Le Figaro của Pháp, các cuộc biểu tình hiện nay đang làm xấu đi hình ảnh của nước Pháp với cộng đồng quốc tế và ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế của quốc gia. Le Figaro dẫn một thống kê trong lĩnh vực du lịch, khách sạn tại Paris cho biết, tính riêng trong tháng 5-2016, tỷ lệ đặt thuê phòng đã sụt giảm 10,4 điểm, tức là chỉ còn 72,8%, và mức giá đã sụt 4%.


ĐỖ CAO (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục