Ngày 16-2, lực lượng ủng hộ và phe phản đối chính phủ cánh tả của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã cùng xuống đường biểu tình đối đầu khắp thủ đô Caracas. Trong khi đó, tại Brazil, cuộc biểu tình của 16.000 nông dân nhằm phản đối chính sách đất đai của chính phủ chỉ vừa tạm lắng. Những dấu hiệu bất ổn đầu tiên diễn ra đúng như dự báo: năm 2014 vẫn sẽ là năm khó khăn của châu Mỹ Latinh.
Từ thành thị Venezuela
Bạo lực bùng phát khi hàng ngàn sinh viên cùng với một số chính trị gia đối lập đã tụ tập tại trung tâm Caracas để phản đối các chính sách kinh tế của Tổng thống Nicolas Maduro từ tuần trước, khi ông loan báo các biện pháp giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại tệ và kích thích kinh tế khi mức lạm phát cao lên đến 56,2%. Những người ủng hộ phe đối lập lên án sự bất lực của chính quyền Tổng thống Maduro trong việc kiểm soát lạm phát, tội phạm cũng như sự thiếu hụt hàng thiết yếu khiến người dân thất vọng.
Vụ việc khắc họa sự chia rẽ sâu sắc và tình trạng bất ổn tại quốc gia Nam Mỹ này gần một năm sau khi cựu Tổng thống Hugo Chavez qua đời. Theo hãng tin BBC ngày 16-2, tính đến nay đã có 3 người thiệt mạng, hàng chục người bị thương và khoảng 100 sinh viên bị bắt giữ trong các cuộc biểu tình bùng phát tuần trước. Trước đó, trong bài phát biểu trên truyền hình ngày 15-2, Tổng thống Maduro cảnh báo về sự hiện diện của các nhóm phát xít tại Venezuela, trong đó có cựu Tổng thống nước láng giềng Colombia, Alvaro Uribe và cáo buộc phe đối lập kích động bạo lực để thực hiện âm mưu đảo chính.
Trong bối cảnh những người ủng hộ và phe phản đối chính phủ Venezuela đang tổ chức những cuộc tuần hành tại thủ đô Caracas, ngày 15-2, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã cảnh báo về “bạo lực vô nghĩa” xuất hiện trong các cuộc biểu tình ở Venezuela và chỉ trích kịch liệt việc bắt giữ những người biểu tình chống chính phủ, trong đó có lệnh bắt giữ lãnh đạo đối lập Leopoldo Lopez.
Venezuela đã khởi đầu năm 2014 không mấy thuận lợi với nhiều cải cách để đối phó với tỷ lệ lạm phát lên tới 56% trong năm ngoái. Theo Tổng thống Maduro, cuộc chiến kinh tế mang động cơ chính trị mà giới tư sản trong và ngoài nước phát động nhằm lật đổ chính phủ, đã gây ra tình trạng lạm phát cao.
Đến nông thôn Brazil
Vùng nông thôn của Brazil cũng vừa chứng kiến khoảng 16.000 nông dân không có đất đai biểu tình rầm rộ tại thủ đô Brasilia và đụng độ dữ dội với cảnh sát khiến 30 cảnh sát và 12 người biểu tình bị thương. Đây là vụ bạo động mới nhất sau hàng loạt cuộc biểu tình gây chấn động quốc gia này khi chỉ 4 tháng nữa sẽ diễn ra World Cup 2014. Cải cách ruộng đất vẫn là vấn đề nóng ở Brazil, nơi phần lớn đất trồng trọt rơi vào tay một số ít người. Người Brazil bức xúc với việc chính phủ của Tổng thống Dilma Rousseff chậm giao đất cho nông dân, trong khi hạ tầng và dịch vụ công còn nghèo nàn, nạn tham nhũng vẫn nghiêm trọng nhưng chi hàng tỷ USD để chuẩn bị cho World Cup 2014 và Olympic mùa hè 2016 tại Rio. Tuần trước, một cuộc biểu tình phản đối giá vé xe công cộng tăng cao cũng nổ ra ở Rio de Janeiro khiến một chuyên viên quay phim truyền hình thiệt mạng.
Thực tế cho thấy tại Brazil đang hình thành liên minh đối lập với sự gia nhập của những chính trị gia có tầm ảnh hưởng lớn. Tỷ lệ thất nghiệp cao, lạm phát tăng, hệ thống giao thông công cộng xuống cấp trong bối cảnh nước này dồn tiền xây dựng các công trình phục vụ thể thao gây nhiều tranh cãi làm gia tăng sự bất bình trong dân chúng. Nếu World Cup được tổ chức thành công tại Brazil, chính phủ của bà Rouseff sẽ ghi điểm. Ngược lại, tỷ lệ ủng hộ nữ tổng thống sẽ sụt giảm, gây khó khăn đang phủ bóng đen lên nhiệm kỳ của Tổng thống Dilma Rousseff và ảnh hưởng không nhỏ đến chiến dịch tranh cử trong năm nay.
HẠNH CHI (tổng hợp)