Nông dân các tỉnh ĐBSCL đang trồng vụ mía mới 2016-2017, thế nhưng hạn hán và xâm nhập mặn gay gắt khiến hàng loạt diện tích mía bị thiệt hại nặng, có hộ xuống giống đến 2-3 lần mà mía vẫn chết. Mía chết, cộng với diện tích trồng mía giảm dẫn đến mối lo không đủ mía nguyên liệu để các nhà máy đường hoạt động.
Nông dân xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú (Trà Vinh) bất lực bên ruộng mía chết khô do hạn, mặn
Bất lực nhìn mía chết
Những ngày này nông dân xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú (Trà Vinh) đứng ngồi không yên vì tình trạng mía mới trồng đã bị chết tràn lan do hạn, mặn. Ông Nguyễn Văn Hòa, ở ấp Chợ, xã Lưu Nghiệp Anh, cay đắng nói: “8 công mía của tôi mới trồng được 1 tháng đã gặp tình trạng thiếu nước tưới, thế là chết toàn bộ”. Đồng cảnh ngộ trên, ông Thạch Quang, cùng ngụ ấp Chợ, cho biết: “Vụ mới này, tôi trồng 13 công mía, đến nay diện tích thiệt hại đã hơn 70%, số còn lại chỉ sống lây lất và dự định nhổ bỏ”.
Ở các ấp như Xoài Lơ, Long Thuận… cũng xuất hiện hàng loạt ruộng mía chết khô. Nông dân Thạch Sol, ở ấp Xoài Lơ, xã Lưu Nghiệp Anh, phơi mình giữa cái nắng khủng khiếp vì luyến tiếc 3 công mía vừa trồng đã mất trắng. Gặp chúng tôi, Thạch Sol nói chua chát: “Vợ chồng tôi quanh năm trông vào 3 công mía này để nuôi cả gia đình. Vậy mà mía xuống giống chưa đầy 1 tháng đã chết sạch. Thấy tiếc quá, tôi đi vay nợ mua mía giống khác về trồng lại nhưng không bao lâu thì mía tiếp tục chết do hạn, mặn xâm nhập. Bây giờ nợ nần chưa biết giải quyết cách nào”.
Ông Phan Thanh Thảo, cán bộ nông nghiệp xã Lưu Nghiệp Anh, nhìn nhận: “Vụ mía mới 2016-2017, nông dân trong xã đã xuống giống được hơn 1.170ha, đạt 67% kế hoạch. Hầu hết ruộng mía đều bị khô hạn, thiếu nước ngọt trầm trọng. Qua khảo sát từ các ấp thì đã có 250ha mía chết trắng, tuy nhiên con số này sẽ còn tăng do hạn, mặn còn kéo dài đến tháng 6-2016”.
Tại Sóc Trăng, nhiều ruộng mía cũng bị cháy lá, chết khô vì thiếu nước. Theo Phòng NN-PTNT huyện Cù Lao Dung, ngoài hàng ngàn hécta mía bị thiệt hại nặng thì những hộ vừa trồng mía vụ mới cũng đang khốn đốn vì mía chết tràn lan mà không có cách khắc phục. Ở Hậu Giang, ông Nguyễn Thế Tự, Phó phòng NN-PTNT huyện Phụng Hiệp, lo lắng: “Khu vực này độ mặn không cao nhưng nước ngọt vẫn thiếu nhiều nơi nên bà con phải tốn kém chi phí bơm tưới liên tục cho ruộng mía, do nắng quá nóng. Ngoài ra, sâu bệnh cũng xuất hiện liên tục, hoành hành cánh đồng mía”.
Nhà máy thiếu nguyên liệu
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, trong niên vụ mía 2015-2016, chỉ riêng vùng ĐBSCL đã có 4 nhà máy đường ngưng sản xuất sớm do thiếu mía nguyên liệu, các nhà máy khác chạy không hết công suất nên hiệu quả thấp. Điển hình như Nhà máy đường Phụng Hiệp cần hơn 3.000 tấn mía nguyên liệu/ngày, nhưng cố gắng lắm chỉ thu mua được khoảng 2.700 tấn/ngày; còn Nhà máy đường Vị Thanh cần hơn 3.500 tấn mía/ngày nhưng chỉ mua được hơn 2.000 tấn/ngày, do đó buộc phải chạy cầm chừng.
Ông Nguyễn Hoàng Ngoan, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Mía đường Cần Thơ (Casuco) nhìn nhận, kế hoạch sản xuất 100.000 tấn đường xem như không hoàn thành bởi thiếu mía nguyên liệu trầm trọng. Ngoài ra, giá mía cao nhưng giá đường không tăng nên các nhà máy không có lời…
Trong lúc các nhà máy đường kêu than việc sản xuất kinh doanh không hiệu quả như mong muốn, thì đời sống của người nông dân trồng mía vẫn khó khăn. Ông Hồ Thanh Kiệt, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng), trăn trở: “Mấy vụ liền giá mía quá thấp khiến nông dân lỗ nặng. Vụ mía 2015-2016 được giá, khoảng 900 - 1.000 đồng/kg nhưng gặp hạn, mặn gây thiệt hại nặng nên dân cũng trắng tay và không ít hộ bỏ mía để trồng cây khác”. Theo thống kê, trước đây huyện Cù Lao Dung có tới 8.300ha mía thì vài năm nay chỉ còn lại 6.631ha; sau cơn đại hạn này, chắc diện tích mía tiếp tục giảm. “Chúng tôi khảo sát thực tế cho thấy, cây mía hiệu quả kinh tế thấp hơn nhiều so với nuôi tôm, trồng cây ăn trái, hoa màu… vì vậy nông dân bỏ mía là khó tránh khỏi. Kế hoạch đến năm 2020, toàn huyện giữ lại khoảng 6.000ha mía phục vụ cho các nhà máy, nhưng xem ra rất khó”, ông Hồ Thanh Kiệt bộc bạch.
Tại Trà Vinh, Long An, Cà Mau, Kiên Giang… hàng loạt hộ cũng đã phá bỏ cây mía để trồng cây khác. Theo ông Nguyễn Thế Tự, mấy năm qua diện tích mía ở huyện Phụng Hiệp đã giảm nhiều. Hiện tại còn khoảng 7.557ha và dự kiến tiếp tục giảm xuống mức 5.500ha. Do hầu hết các nơi đều giảm diện tích mía, vì vậy tới đây các nhà máy sẽ thiếu nguyên liệu trầm trọng hơn. Điều này cho thấy vùng mía trọng điểm ở ĐBSCL đang có xáo trộn lớn.
Sở NN-PTNT các tỉnh ĐBSCL cho rằng, để cứu cây mía thì cần quy hoạch lại đồng ruộng, chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ sang trồng quy mô lớn nhằm giảm chi phí giá thành. Phải cơ giới hóa đồng mía, áp dụng thâm canh tăng năng suất. Ngoài ra, phải liên kết chặt giữa nhà máy với nông dân. Nhà máy có sự đầu tư cho nông dân về giống mới, vật tư, bao tiêu đầu ra… có như vậy bà con mới an tâm trồng mía… |
HUỲNH LỢI