Bầu cử Quốc hội Iran: Bước chuyển lớn?

Kênh Aljazeera đưa tin, ngày 21-2, gần 58 triệu cử tri của Iran thực hiện quyền công dân của mình khi tham gia cuộc bầu cử quốc hội khóa 11. Đây là sự kiện ảnh hưởng lớn đời sống chính trị của Iran; cũng như vận mệnh của thỏa thuận hạt nhân Iran và quyết định xu hướng của quan hệ Mỹ - Iran trong thời gian tới.
Cử tri đi bầu quốc hội tại một điểm bỏ phiếu ở thủ đô Tehran
Cử tri đi bầu quốc hội tại một điểm bỏ phiếu ở thủ đô Tehran

Bất lợi cho phe ôn hòa

Quốc hội Iran là cơ quan lập pháp quốc gia, có quyền soạn thảo và xem xét các dự luật, bỏ phiếu bất tín nhiệm bộ trưởng, luận tội tổng thống, thông qua dự thảo ngân sách. Trong nhiều năm qua, Quốc hội Iran không có tầm ảnh hưởng bằng các cơ quan có thực quyền khác như lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC)… nhưng cuộc bầu cử quốc hội vẫn rất quan trọng vì nó thể hiện phương hướng chính trị của đất nước và tổ chức nào đang chiếm ưu thế. 

Tại cuộc bầu cử lần này, hơn 7.000 ứng cử viên tranh cử vào quốc hội 290 ghế với nhiệm kỳ 4 năm. Theo luật định, người thắng cử phải giành được ít nhất 20% số phiếu ủng hộ tại điểm bầu cử của họ. Trong trường hợp vẫn còn ghế quốc hội chưa được xác định do các ứng cử viên không hội đủ số phiếu cần thiết, cuộc bầu cử vòng 2 sẽ diễn ra vào tháng 4 tới. 

Trong cuộc bầu cử Quốc hội Iran vào tháng 2-2016, phe cải cách và phe bảo thủ ôn hòa đã giành được đa số ghế, phá vỡ cục diện phe bảo thủ nắm quyền kiểm soát quốc hội trong 12 năm. Bối cảnh khi đó là thỏa thuận hạt nhân Iran vừa mới được ký kết hơn 6 tháng, sau nhiều năm bị cô lập và trừng phạt, cử tri nước này đã tích cực đi bỏ phiếu hơn, đặt nhiều hy vọng vào nỗ lực của chính phủ do Tổng thống Hassan Rouhani đứng đầu nhằm xoa dịu căng thẳng quan hệ với phương Tây. Kết quả là phe cải cách và đồng minh do ông Rouhani làm đại diện đã giành chiến thắng với 41% phiếu bầu, phe cứng rắn chỉ giành được 21% phiếu bầu. 

Tuy nhiên, 4 năm sau, tình hình đã thay đổi và theo hãng AP, không còn có lợi cho Tổng thống Rouhani. Giới quan sát nhận định, với việc Mỹ liên tục “gây sức ép tối đa” đối với Tehran bằng các biện pháp như trừng phạt về kinh tế, dân chúng sẽ trút giận lên các nhà lãnh đạo phe ôn hòa, điều này khiến con đường cầm quyền của ông Rouhani khó khăn hơn. Rất nhiều chuyên gia dự đoán phần thắng cuộc bầu cử năm nay sẽ nghiêng về phe bảo thủ cứng rắn.

Khó cho thỏa thuận hạt nhân 

Kênh truyền hình France 24 (Pháp) cho rằng, trong 4 năm qua, quốc hội luôn phối hợp và ủng hộ ông Rouhani. Nếu thời gian tới, quốc hội bị phe cứng rắn kiểm soát, thì trước tiên họ sẽ cản trở ông bổ nhiệm các thành viên nội các, tiếp đó có thể cản trở các kế hoạch cải cách kinh tế và tài chính của ông. Thất bại trong cuộc bầu cử quốc hội cũng sẽ khiến con đường tái tranh cử phe ôn hòa vào năm 2021 trở nên khó khăn hơn. Phe cứng rắn đang thực hiện chiến lược kiểm soát toàn diện, sau khi kiểm soát quốc hội sẽ bắt đầu lên kế hoạch cho cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2021.

Trong khi đó, tờ The Guardian (Anh) nhận định, khi xu hướng bảo thủ trên chính trường Iran tăng lên, quan hệ Mỹ - Iran sẽ khó đoán định. Về tác động đối với thỏa thuận hạt nhân Iran (tên gọi chính thức Kế hoạch hành động chung toàn diện), sau khi ảnh hưởng của phe bảo thủ Iran tăng lên, sẽ có ít không gian để Mỹ và Iran xoay chuyển thái độ, thỏa thuận này sẽ đối điện với tình cảnh tồn tại trên danh nghĩa. Nghiên cứu viên cao cấp của Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu Ellie Geranmayeh cho rằng, những thay đổi ở quốc hội có thể sẽ gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cuối cùng cho thỏa thuận hạt nhân Iran: “Cân tiểu ly của quốc hội đang nghiêng về phe cứng rắn, điều này sẽ khiến đời sống chính trị của những người vẫn ủng hộ thỏa thuận hạt nhân Iran trong chính phủ trở nên khó khăn hơn”.

Tin cùng chuyên mục