Ngày 26-5, phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB) và một số công ty trên địa bàn TPHCM và Hà Nội tiếp tục với phần xét hỏi của các luật sư đối với các bị cáo và đại diện tổ chức, cá nhân có liên quan. “Bầu” Kiên tiếp tục phản bác các tội danh bị truy tố và cho rằng vụ án này đã bị hình sự hóa các quan hệ kinh tế.
Trả lời câu hỏi của luật sư về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” qua việc chuyển nhượng 20 triệu cổ phần Thép Hòa Phát có giá trị tới 264 tỷ đồng, bị cáo Nguyễn Đức Kiên cho rằng mình không mắc tội lừa đảo vì quá trình thực hiện hợp đồng chuyển nhượng cổ phiếu này chỉ là mắc sai sót thuần túy về nghiệp vụ kinh tế. “Cho đến khi bị bắt, bị cáo đã thực hiện chuyển đổi theo đúng thỏa thuận với ông Long, thỏa thuận theo cung ứng dịch vụ, theo 3 nội dung chuyển cổ phần cho tôi, em gái tôi đứng mua cổ phần của Thép Hòa Phát...” - bị cáo Kiên trình bày.
Ông Kiên cũng nói về mối quan hệ rất tốt của mình đối với ông Trần Đình Long (Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát) khi bị cáo buộc tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản: “Tôi và anh Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát, là bạn. Không ai có thể lừa được anh Long”. “Bầu” Kiên cũng cho rằng vì là bạn bè với ông Long, nên ông không hề có ý kiến nào khác trong suốt 21 tháng qua mà chỉ nói trong quá trình thực hiện hợp đồng có sai sót của ông Nguyễn Tuấn Dương (Tổng giám đốc Hòa Phát) trong việc chuyển nhượng. “Trong thực tế tôi hoàn toàn có quyền tố cáo Thép Hòa Phát đã tự ý chuyển nhượng cổ phần của tôi, của ACBI khi chưa chuyển tiền và chưa có sự đồng ý của tôi. Cho đến ngày 20-8-2012, tôi chưa nhận được bất kỳ thông tin nào về việc tranh chấp cổ phiếu giữa 2 công ty”- bị cáo Kiên nói.
Đối với 2 bị cáo là đồng phạm cùng bị truy tố về tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là Trần Ngọc Thanh và Nguyễn Thị Hải Yến, “bầu” Kiên cũng cho rằng, hai bị cáo đã có sai sót khi thực hiện chỉ thị của mình và bản thân “bầu” Kiên cũng thừa nhận sai sót và có trách nhiệm nhưng cho rằng sai sót chỉ mang tính chất thuần túy nghiệp vụ kinh tế, không phải lừa đảo. Còn bị cáo Trần Hải Yến cho rằng, quá trình thực hiện “phi vụ” chuyển nhượng cổ phần là do thực hiện chỉ đạo của Nguyễn Đức Kiên.
Liên quan tới tội danh bị truy tố “kinh doanh trái phép” khi trả lời câu hỏi của luật sư, bị cáo Nguyễn Đức Kiên cũng cho rằng mình không kinh doanh trái phép và không làm bất cứ điều gì ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ của Nhà nước.
Đối với hành vi “trốn thuế” khi Công ty B&B đã thực hiện ký hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính với Ngân hàng ACB mở trạng thái giao dịch mua bán vàng ngoài lãnh thổ với tổng khối lượng là 440.250 ounce, thu được lãi số tiền hơn 100 tỷ đồng, trả lời câu hỏi của luật sư, đại diện Tổng cục Thuế nêu rõ: Nếu hợp đồng ủy thác bất hợp pháp thì toàn bộ thu nhập sẽ bị thu hồi.
Còn ông Nguyễn Quang Hưng (Giám định viên của Tổng cục Thuế) cho biết, hồ sơ do cơ quan điều tra cung cấp thì không thể xác định được toàn bộ số thuế thu nhập của doanh nghiệp, nhưng có thể xác định được số thuế thu nhập của những hợp đồng mà doanh nghiệp kê khai. Nếu các hoạt động kinh doanh khác mà chưa tính thuế thì tiếp tục cộng lại để tiếp tục tính thuế thu nhập. Trong trường hợp hợp đồng ủy thác giữa Công ty B&B và Ngân hàng ACB, về nguyên tắc cơ quan thuế chỉ xác minh. “Các nội dung loại trừ ảnh hưởng đến kết quả giám định, tôi xin chịu trách nhiệm về những gì đã cung cấp cho cơ quan điều tra” - ông Hưng khẳng định.
| |
NGUYỄN QUỐC
- Phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án “bầu” Kiên: Tranh luận về... nghiệp vụ ngân hàng