Sau bê bối sử dụng thịt hết hạn liên quan tới Công ty OSI ở Trung Quốc, ngày 22-7, thương hiệu đồ ăn nhanh McDonald xác nhận khoảng 20% sản phẩm McNugget dùng trong chuỗi cửa hàng ăn nhanh của McDonald’s tại Nhật Bản mua từ OSI. Khoảng 500 cửa hàng McDonald’s Nhật Bản đã tạm ngừng việc bán McNugget để chờ công ty lấy nguồn hàng mới.
Bẩn, sạch lẫn lộn
Shanghai Husi Food Co là công ty con của Tập đoàn OSI có trụ sở chính ở bang Illinois, Mỹ. Tập đoàn OSI với hơn 50 nhà máy chế biến thực phẩm trên toàn thế giới, cung cấp thực phẩm cho McDonald’s Trung Quốc từ năm 1992 và Yum (chủ sở hữu của các thương hiệu KFC, Pizza Hut và Taco Bell ở Trung Quốc) từ năm 2008.
Hồi đầu tuần, truyền thông Trung Quốc đưa tin một phần sản phẩm của OSI cung cấp cho mạng lưới của McDonald’s và KFC đã quá hạn nhưng được đem xử lý, đóng gói và dán nhãn mới. Kênh truyền hình Dragon TV ở Thượng Hải phát phóng sự điều tra cho thấy nhân viên Husi trộn thịt quá hạn với thịt tươi để qua mặt các chuyên gia kiểm tra chất lượng của McDonald’s. Trong phóng sự, một công nhân nhặt thịt dưới sàn lên cho vào các máy đóng gói, một công nhân khác ngửi một tảng thịt và nói “thối quá”.
Theo tờ Shanghai Daily, ngoài nhà hàng của McDonald’s và KFC, những khách hàng khác của nhà máy này còn có các hãng đồ ăn nhanh như Burger King, Papa John’s Pizza, Pizza Hut, chuỗi cửa hàng cà phê Starbucks và hãng Subway chuyên sản xuất bánh sandwich.
Sau thông tin trên, McDonald’s, KFC và Pizza Hut, Burger King, Papa John’s Pizza, Starbucks và Subway đã lên tiếng xin lỗi khách hàng và ngay lập tức ra thông báo ngừng nhập sản phẩm của nhà máy này. McDonald’s đã niêm phong 4.500 trường hợp thịt bò, thịt heo, thịt gà và các sản phẩm khác được cung cấp bởi Husi. Họ cho biết sẽ tiến hành điều tra riêng để làm rõ vụ việc và thiết lập hệ thống kiểm soát thực phẩm nghiêm ngặt hơn, đồng thời sẵn sàng hợp tác với cơ quan chức năng trong việc điều tra hành vi vi phạm an toàn thực phẩm của Công ty Husi.
Nạn nhân hay là kẻ đồng lõa?
Để thu hút thực khách bằng giá cả hợp lý, đa số tập đoàn thức ăn nhanh chấp nhận sử dụng nguồn nguyên liệu sản xuất tại chỗ nhằm giảm giá thành. Vụ chế biến thực phẩm hết hạn tại Husi gần như làm lộ ra những khó khăn và hạn chế trong việc đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm trong chuỗi cung ứng không chỉ tại Trung Quốc mà có thể còn nhiều nước khác nữa.
Cũng vì lý do này, dư luận đặt câu hỏi liệu chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh chỉ là nạn nhân hay chính họ là chủ mưu và đồng lõa. Mới đây, tháng 2-2014, Subway - chuỗi cung cấp bánh mì nổi tiếng của Mỹ - cũng bị tai tiếng khi lần đầu tiên bị phát hiện Azodicarbonimide (ADA), một hợp chất hóa học được sử dụng làm thảm tập yoga và đế cao su, được Subway sử dụng trong bánh mì như một loại “bột lạnh”. Nhằm xóa bỏ những ảnh hưởng tiêu cực, Subway cam kết sẽ ngừng ngay việc sử dụng chất này.
Còn trong lĩnh vực nước giải khát, nổi đình nổi đám về những lời cam kết cải tiến chất lượng sau những vụ bê bối được phanh phui là tập đoàn nước giải khát của Mỹ, Coca-Cola. Trên thực tế, dầu thực vật brom (BVO) được sử dụng như hóa chất chuyển thể hương vị trong một số loại nước ngọt.
Sau rất nhiều kiến nghị và báo chí đưa tin phản ánh, gần đây Coca-Cola và PepsiCo đã cam kết sẽ bỏ chất này khỏi đồ uống của họ (vì brom có thể gây mất trí nhớ, ảnh hưởng cho da và nhiều vấn đề về thần kinh), bao gồm cả Mountain Dew, Fanta, Powerade và Fresca vào cuối năm nay.
Mặc dù BVO đã bị cấm ở hơn 100 quốc gia, nhưng rất nhiều sản phẩm đóng gói chứa hóa chất này vẫn được bày bán trên thị trường. Năm 2004, tập đoàn Coca-Cola đã phải cho thu hồi khoảng 500.000 chai nước uống mang nhãn hiệu Dasani của hãng này tại thị trường Anh sau khi phát hiện các mẫu thử từ những chai nước này chứa lượng hóa chất bromate - một loại chất hóa học làm tăng nguy cơ ung thư - vượt ngoài tiêu chuẩn cho phép Dasani. Đến tháng 1-2013, Coca-Cola còn gây sốc khi thừa nhận đã lọc nước vòi với hoạt chất gây nghiện.
Hàng loạt vụ bê bối thực phẩm trong ngành công nghiệp thức ăn nhanh cho thấy các tập đoàn này đã cố tình vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm. Chẳng hạn, mạng lưới KFC tại Trung Quốc cũng từng thừa nhận đã bán sữa đậu nành được làm từ bột sữa do Công ty Dragon King cung cấp. Sữa đậu nành của KFC được bán trên khắp thị trường Trung Quốc, ngoại trừ thành phố Bắc Kinh, với giá bán gấp 9 lần chi phí sản xuất.
Thậm chí, khi vụ việc được phanh phui, đại diện KFC còn thanh minh rằng họ không gian dối vì chưa bao giờ quảng cáo sản phẩm “sữa đậu nành KFC” được làm từ đậu nành. Năm 2013, vụ bê bối đánh tráo thịt bò bằng thịt ngựa trong nhân bánh hamburger của các tập đoàn thức ăn nhanh cũng đã gây ra “địa chấn” trên toàn châu Âu, bởi nó xảy ra tại nơi nổi tiếng nghiêm ngặt về các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.
Những sự thật kinh hoàng cho thấy dù có cam kết thế nào trong kinh doanh, mức lợi nhuận khổng lồ đã khiến các công ty trong ngành công nghiệp thức ăn nhanh nhắm mắt làm ngơ cho nhiều việc làm sai trái, bất kể gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng và có khi để lại hậu quả lâu dài chưa lường trước.
HẠNH CHI (tổng hợp)