
Lại thêm con trai bác Nguyễn Tế ở thôn Hòa Khương Tây đi học về, tắm sông Túy Loan bị nước cuốn mất! Năm nào, xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang TP Đà Nẵng) cũng có vài ba trẻ em chết đuối, nhất là vào mùa mưa lũ. Không cam tâm nhìn cảnh con trẻ chết oan uổng, ông Nguyễn Cò (71 tuổi, thôn Hòa Khương Tây xã Hòa Nhơn) lặn lội vô tận Bình Dương để học cách xây bể bơi cho lũ trẻ.
Xây bể bơi trên núi
Sau cái chết thương tâm của con trai bác Tế, ông Cò bắt đầu tìm hiểu thông tin về cách xây dựng bể bơi. Biết tin đứa cháu họ ở Bình Dương cũng xây hồ bơi, ông đánh liều khăn gói vô Nam để học hỏi kinh nghiệm của cháu. “Nhưng khổ nỗi địa hình địa lợi ở đó “ngon” hơn. Chỗ tui thì ở trên đồi núi nên đâu có dễ mần được. Thế là phải vừa mần vừa “bổ túc” thêm” – ông Cò phân trần.
Sau khi nhận hơn 100 triệu đồng tiền đền bù từ việc thực hiện dự án mở đường, ông Cò trích hơn 60 triệu đồng chia đều cho con cháu trong nhà. Số còn lại ông đổ hết cho hồ bơi. Nhiều người trong thôn cũng nói ra nói vào: “Hai ông bà già rồi, dành tiền mà lo hậu sự. Xây bể bơi bể biếc chi cho cực”…, nhưng ông vẫn quyết làm.
Tay lái máy múc được ông thuê về đào đất nhìn thấy toàn đất sỏi rắn như đá cũng ngán ngẩm, lắc đầu nhưng vì thương ông cụ, anh vẫn gắng làm. Đã có hình hài hồ bơi, ngày đêm ông tính toán để xây hồ bơi sao cho có thể dạy trẻ học bơi theo từng lứa tuổi. Ông chia bể bơi thành 3 khu vực, trẻ nhỏ, vừa vừa thì tắm chỗ cạn, lớn tắm chỗ sâu, “miễn sao các cháu được an toàn và học bơi tốt là được rồi” – ông Cò tâm sự.

Chỉ 11 - 12 tuổi nhưng qua lớp học bơi của ông Cò, bọn trẻ ở Hòa Thành đã bơi như rái cá.
Không như tính toán ban đầu, “kinh phí” đầu tư cho hồ bơi của ông Cò phát sinh thêm nhiều khoản. Số tiền được đền bù cũng không đủ thực hiện dự án như ban đầu, ông đành “chơi bài”: khi nào có tiền thì làm, hết tiền thì tạm nghỉ thi công.
Trong khi chờ hoàn chỉnh hồ bơi, ông thả cá vào nuôi. Thấy cá dưới hồ hơi to, gà, lợn trong chuồng “có da, có thịt”, ông bán lấy tiền đầu tư tiếp. Rồi ông khoan 2 giếng nước, mua 2 máy bơm, xây bể phơi nước như đứa cháu ở Bình Dương đã hướng dẫn.
Chưa có hồ bơi hoàn chỉnh nhưng bọn trẻ trong làng đã kéo đến… Dù có người “trực chiến” cả ngày mỗi khi có sắp nhỏ đến tắm ông vẫn không yên lòng. Ông “tiết kiệm” chi tiêu mua 30 cái áo phao, đi xin thêm ruột ô tô về làm phao. “Mình xây bể bơi, dạy bơi cho lũ trẻ mà để xảy ra sơ suất thì kỳ quá” – ông lý giải.
Ngày “khai trương” chính thức bể bơi, lũ trẻ, phụ huynh, thậm chí các bô lão cũng chống gậy tới xem “bể bơi ông Cò” hình thù thế nào. Còn ông Cò thì tâm đắc: “Vậy là từ giờ trở đi, trẻ con miền núi cũng có hồ bơi, có người dạy bơi tử tế. Sẽ không còn hoặc ít nhất là không có những cái chết như con trai bác Tế ở sông Túy Loan”.
Thấy 2 máy bơm nước từ giếng lên hoạt động hết công suất cũng không đủ nước, ông mua thêm 2 máy mới để luân phiên sử dụng. Bọn trẻ tới tắm ngày một đông, ban đầu nhiều bé gái còn ngại ngùng đến bể bơi nhưng dần dần chúng đến ngày một nhiều hơn.
Hiểu “tâm lý” của bọn nhỏ, ông lại gom góp xây hai phòng tắm riêng biệt dành cho nam và nữ. “Như vậy cha mẹ tụi nhỏ cũng thấy yên tâm hơn chớ” – ông tâm sự. Rồi ông đề ra bảng nội quy: Phải lau mồ hôi khô mới được tắm để tránh bị cảm, dép guốc quần áo để gọn gàng, giữ vệ sinh chung…
“Trường huấn luyện bơi”
Từ ngày khai trương giữa năm 2003, “bể bơi ông Cò” không chỉ phục vụ cho con em trong xã Hòa Nhơn mà “tiếng lành” lan rộng tới nhiều xã ở miền núi huyện Hòa Vang như Hòa Phú, Hòa Sơn, Hòa Khương… Nhiều bậc phụ huynh ở TP Đà Nẵng cũng chở con cái lên bơi. Dù bể bơi ở xa trung tâm nhưng phong cảnh núi non, không khí lại rất trong lành nên càng thu hút nhiều người.
Vào hè, cao điểm có những ngày “bể bơi ông Cò” tiếp nhận hơn 100 em. 4 máy bơm của ông phải chạy liên tục, thay nước 2 lần/tuần. Có tháng ông phải trả đến 600.000 – 700.000 đồng tiền điện chạy máy bơm nước. Thấy hai ông bà già “nặng gánh” với bể bơi, lại phải chi trả một khoản tiền điện không nhỏ, nhiều bậc phụ huynh tùy tâm góp lại một vài ngàn lẻ xem như “mua vé” để trả công ông…

Ngoài thời gian dành cho lũ trẻ, ông Cò còn có niềm vui nho nhỏ với hồ cá. Ảnh: Đ.CƯỜNG
Thương ông hàng ngày thân già lặn lội trông coi lũ trẻ bơi lội, đứa con thứ hai của ông là anh Nguyễn Văn Sương (49 tuổi) cũng tình nguyện phụ giúp, “túc trực” cả ngày cùng ông, thay ông dạy bơi cho bọn trẻ.
Hàng ngày, anh dậy từ 5 giờ sáng để mở cửa cho bọn trẻ đi tập thể dục vào tắm, đến tối khi mọi người đã về hết, anh lại cùng cha dọn dẹp vệ sinh, lau chùi bể tắm cho sạch sẽ.
Dù “tay nghề” bơi của anh Sương cũng thuộc loại “cứng” nhưng để không bị lạc hậu và muốn bọn trẻ không chỉ biết bơi để khỏi bị chết đuối mà còn có thể bơi được nhiều kiểu khác nhau, mỗi tuần anh đều xuống bể bơi thành tích cao ở TP Đà Nẵng để học thêm.
“Trẻ con trên núi mấy đứa biết bơi đâu. Phải mất 2 tuần tập luyện chúng mới có thể bơi cơ bản được. Sau đó tui bắt đầu dạy chúng bơi ếch, bơi sải, bơi ngửa… Chỉ có kiểu bơi vẫy đuôi cá là tui chưa dạy được thôi” – anh Sương cho biết.
Từ khi có bể bơi này, trẻ con ở khắp Hòa Vang đều nhanh chóng biết bơi. Nhiều đứa chỉ mới 11 tuổi đã bơi như rái cá. Ngày nào cũng có mặt ở hồ bơi, Trần Văn Thuận (lớp 6, Trường THCS Hòa Nhơn) vui vẻ nói: “Ngày trước em không biết bơi mà toàn theo các bạn chăn bò ra ục tắm hoài bị ba mẹ la. Học ở đây có mấy tuần là bơi tốt rồi. Bọn em quen tắm ở bể bơi sạch sẽ rồi chẳng muốn ra sông tắm nữa”.
Ngoài trẻ bơi không chuyên, “bể bơi ông Cò” còn mở cửa cho đội bơi của Trường THCS Đỗ Thúc Tịnh (Hòa Khương) đến tập huấn để đi thi đấu cho huyện. Ngay 2 đứa cháu nội ông Cò là Nguyễn Lê Như Quỳnh (11 tuổi) và Nguyễn Hà Như Ý (13 tuổi) năm 2007 đi thi bơi đã ẵm hai giải nhì của huyện rồi lên TP thi chẳng kém ai.
Tháng 7-2008, đội bơi 4 “vận động viên” được đào tạo từ “lò” của ông Cò cũng “giật” năm giải cự ly 100m và 50m tự do, 50m bơi ếch tại giải của huyện Hòa Vang. Giờ đây, ở các giải bơi dành cho thiếu niên, đội bơi trên núi Hòa Nhơn trở thành đội mạnh của cả TP Đà Nẵng.
Ngày đội bơi giành giải kéo về nhà ông liên hoan tưng bừng, ông nói mà giọng run run vì mừng: “Chà, tưởng chỉ dạy bơi cho bọn nhóc khỏi chết trôi, ai dè chúng còn đi thi giật giải nữa...”.
ĐOÀN THANH VÂN