Xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam đang đi đúng hướng. Có thể nói như vậy sau khi ngành hàng này không những lập nhiều kỷ lục trong lịch sử phát triển mà còn có dấu hiệu đang dần dần nắm thế chủ động trong xuất khẩu.
Điều tiết lượng hàng bán ra
Việt Nam, quốc gia xuất khẩu hồ tiêu số 1 thế giới từ nhiều năm nay. Từ lợi thế này, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) đang hướng đến chi phối giá và điều tiết thị trường thế giới, bằng cách rải đều lượng xuất khẩu trong cả năm, thay vì tập trung vào mùa thu hoạch, một điều rất khó thực hiện, nhưng không phải không làm được.
Đầu năm 2010 đã có những dấu hiệu tích cực cho thấy, sẽ không quá khó nếu các bên đều quyết tâm. Gần như thành quy luật của ngành hàng này, khi hồ tiêu tăng giá mạnh và đạt đỉnh vào năm 2008 (giá xuất gần 4.000 USD/tấn), sau đó giá sẽ giảm dần theo dạng hình sin và chu kỳ giữa 2 đỉnh khoảng 10 năm. Nếu theo quy luật này, giá hồ tiêu sẽ còn tiếp tục giảm như đầu năm 2009 thêm một thời gian nữa, chưa thể có sự phục hồi trở lại ngay. Nhưng từ tháng 8-2009, giá hồ tiêu đã tăng mạnh trở lại cho đến nay, ngoài dự kiến không ít doanh nghiệp. Theo VPA, quý 1-2010, giá xuất bình quân 2.809 USD/tấn, tăng 29,6% so cùng kỳ năm 2009 (cả năm 2009 giá bình quân cũng chỉ đạt 2.387 USD/tấn).
Hiện nay, trong khi giá nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu khác như gạo, cà phê, sắn, điều nhân… giảm, giá hồ tiêu đang ở mức 3.000-3.100 USD/tấn. Nếu xem xét kỹ sẽ thấy rằng, sự trái chiều và trái với “quy luật giá” của hồ tiêu có sự tác động khá rõ từ những động thái điều tiết thị trường của người trồng và doanh nghiệp xuất khẩu.
Theo ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch VPA, người trồng hồ tiêu không bán ra ồ ạt như trước khi vào vụ thu hoạch và doanh nghiệp cũng đã tự điều tiết lượng xuất khẩu, không tranh bán để khách hàng nước ngoài có dịp ép giá. Đây là mặt hạn chế các ngành hàng nông sản xuất khẩu khác của Việt Nam lâu nay đều vấp phải. Điều này cho thấy, lượng người trồng hồ tiêu có của ăn của để tăng dần lên, không còn quá bức xúc chuyện cơm, áo, vốn như người trồng lúa, điều, cà phê… nên không bán ra bằng mọi giá, đặc biệt khi thấy giá xuống thấp. Bà con đã biết trữ hàng, nắm bắt tình hình, theo dõi sát diễn biến sàn giao dịch hồ tiêu tại Ấn Độ để cập nhật giá bán. Nhờ đó, khác nhiều năm trước, tiến độ xuất khẩu cả năm 2009 được rải đều các tháng, vì thế tránh được thiệt hại khi giá thấp.
Một điểm nữa khác biệt với các ngành hàng nông sản khác: hồ tiêu không bán khi dưới giá sàn. Điều đó giải thích vì sao, giá nội địa hồ tiêu luôn áp sát giá xuất khẩu và tỷ giá giữa USD và VND theo từng thời điểm. Những yếu tố này góp phần không nhỏ vào việc giúp phục hồi nhanh giá trên thị trường thế giới, khi Việt Nam chiếm hơn 50% tổng lượng hồ tiêu giao dịch trên thế giới. Điều này khẳng định bước trưởng thành của ngành hồ tiêu Việt Nam trong quá trình tham gia giao dịch thị trường thế giới.
Bán trực tiếp người tiêu dùng
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2009 Việt Nam xuất khẩu 134.264 tấn (nếu tính cả xuất khẩu tiêu ngạch qua Trung Quốc, con số này trên 154.000 tấn). Tổng kim ngạch đạt 348,1 triệu USD, là năm ngành hồ tiêu đạt số lượng và giá trị xuất khẩu cao nhất từ trước đến nay, vượt xa 3 quốc gia có lượng xuất khẩu hồ tiêu lớn: Indonesia (40.000 tấn), Brazil (32.000 tấn), Ấn Độ (22.000 tấn). 4 tháng đầu năm 2010, Việt Nam tiếp tục xuất khẩu nhiều nhất, khoảng 40.000 tấn hồ tiêu các loại, kim ngạch trên 110 triệu USD. Trong đó, tỷ lệ tiêu đen xuất khẩu giảm xuống còn 80,9%, tiêu trắng tăng lên 19,1% (năm 2009: 16,8%). Đặc biệt, đã có sản phẩm tiêu bột bán trực tiếp cho người tiêu dùng nước ngoài (tiêu bột đen và trắng chiếm gần 12%, con số này năm 2009 là 7,9%).
Những tín hiệu này cho thấy sản phẩm xuất khẩu đã bắt đầu đa dạng, không còn đơn thuần là tiêu đen. Như vậy, so với những năm trước, hồ tiêu chế biến làm tăng giá trị gia tăng khi xuất khẩu. Trong đó, tiêu bột - sản phẩm bán trực tiếp đến người tiêu dùng nước ngoài đã được sản xuất và xuất khẩu ngày càng nhiều. Thị trường đã có sự chuyển dịch tích cực, từ châu Á sang châu Âu - nơi có những quy định gắt gao về chất lượng thực phẩm khi nhập vào.
Sau khi dự hội nghị thường niên của Hiệp hội Gia vị châu Âu tại Milano (Italia, 6-2009), VPA đã làm sáng tỏ quy trình chế biến tiêu trắng, không sử dụng hóa chất làm trắng như thông tin trước đó, giải tỏa được ấn tượng xấu về chế biến tiêu trắng của Việt Nam. Kết quả xuất khẩu tiêu trắng năm 2009 vào châu Âu và châu Mỹ tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay, trên 22.500 tấn, tăng 126% so với năm 2008. Các nước châu Âu chiếm 41,5%, vượt qua châu Á (chỉ còn 34,2%), trở thành khu vực nhập khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam hiện nay.
Tuy vậy, khâu chế biến, tạo ra giá trị gia tăng phải tiếp tục nâng cao hơn nữa, vì tiềm năng sản xuất, công suất nhà máy và nhu cầu thị trường còn lớn. Vì vậy, dù sản lượng xuất khẩu cao nhất, điều tiết được lượng hàng bán ra nhưng giá hồ tiêu Việt Nam vẫn phải bán khá thấp so với thị trường chung. Do đó, Indoneisa, Malaysia, Ấn Độ, kể cả Trung Quốc vẫn nhập khẩu hồ tiêu Việt Nam (cả tiêu đen và tiêu trắng) để chế biến, sau đó xuất khẩu sang nước khác với giá cao hơn Việt Nam.
Công Phiên