Chiều 21-6, kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII đã bế mạc tại Hà Nội. Tới dự phiên bế mạc có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cùng các lãnh đạo cao cấp khác của Đảng và Nhà nước, các vị lão thành cách mạng.
Chưa thông qua Luật Đất đai sửa đổi
Trước khi Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng phát biểu bế mạc, QH đã thông qua Nghị quyết về việc kéo dài thời hạn đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối của hộ gia đình, cá nhân với trên 95% số đại biểu tán thành.
Theo giải trình của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Nguyễn Văn Giàu, đa số ĐB nhất trí với đề nghị của Thường vụ QH lùi việc thông qua dự thảo Luật Đất đai sửa đổi tới kỳ họp cuối năm nay. Lý do là dự thảo Luật Đất đai sửa đổi là một đạo luật quan trọng, có tác động lớn đến kinh tế, xã hội và đời sống của nhân dân. Một số nội dung của dự thảo có liên quan dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, hiện đang được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu ý kiến nhân dân, ý kiến các đại biểu QH và các cơ quan, tổ chức hữu quan.
Do đó, Ủy ban Thường vụ QH đề nghị QH cho phép thông qua dự án Luật Đất đai sửa đổi sau khi thông qua dự thảo sửa đổi Hiến pháp tại kỳ họp tháng 10 năm nay và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2014, như ý kiến của đa số đại biểu QH.
Như vậy, Luật Đất đai sửa đổi sẽ được biểu quyết sau khi thông qua Hiến pháp 1992 sửa đổi tại kỳ họp thứ 6 tháng 10-2013. Thay vào đó, QH đồng ý ban hành Nghị quyết về việc kéo dài thời hạn đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối của hộ gia đình, cá nhân. Theo đó, khi hết thời hạn sử dụng (vào ngày 15-10-2013), Nhà nước không điều chỉnh lại các loại đất này đã được giao cho hộ gia đình, cá nhân theo Luật Đất đai hiện hành. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1-10-2013. “Người trực tiếp sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và làm muối được tiếp tục sử dụng đất đến khi Luật Đất đai sửa đổi được ban hành và có hiệu lực. Sau đó, các đối tượng này được điều chỉnh theo Luật Đất đai sửa đổi” - nghị quyết nêu rõ. Ủy ban Thường vụ QH khẳng định, việc thông qua nghị quyết về vấn đề này là nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người sản xuất, ổn định tâm lý của người dân.
Thanh tra, kiểm toán thất thoát lãng phí
Cũng trong chiều qua, QH biểu quyết thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát việc thi hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) cho đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2006 - 2012 với tỷ lệ tán thành 95,98%. Theo nghị quyết, QH đồng ý tiếp tục thực hiện kế hoạch vốn TPCP trung hạn giai đoạn 2013 - 2015, tuy nhiên phải giám sát chặt chẽ, bảo đảm hiệu quả, đồng thời yêu cầu kiểm điểm và xử lý trách nhiệm đối với các sai phạm trong quản lý và sử dụng vốn TPCP giai đoạn 2006 - 2012, báo cáo kết quả tại kỳ họp tới.
Nghị quyết cũng chỉ ra thực trạng thất thoát, lãng phí trong việc sử dụng nguồn vốn này, vì vậy yêu cầu Chính phủ rà soát, báo cáo QH các công trình sử dụng vốn TPCP còn thiếu vốn, trong đó ưu tiên các dự án trọng điểm, trình Ủy ban Thường vụ QH xem xét quyết định. Chính phủ xem xét trình QH quyết định bố trí vốn TPCP cho một số dự án cấp bách, nhưng phải xem xét thận trọng, không để ảnh hưởng tới nợ công. QH cũng yêu cầu Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước tiến hành thanh tra, kiểm toán các dự án, công trình sử dụng vốn TPCP để xảy ra thất thoát, lãng phí.
Yêu cầu thực hiện “lời hứa”
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn với hơn 95% đại biểu tán thành. Giải trình của Ủy ban Thường vụ QH khi tiếp nhận một số ý kiến cho rằng nhiều người trả lời chất vấn chưa giải đáp hết các vấn đề các đại biểu QH nêu ra, còn biểu hiện né tránh hoặc trả lời chung chung nên đề nghị không khẳng định trong nghị quyết là các bộ trưởng, trưởng ngành đã giải đáp được các vấn đề mà đại biểu nêu ra.
Nghị quyết chất vấn yêu cầu Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát phải có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nông dân đồng bằng sông Cửu Long như thu mua lúa gạo tồn đọng, tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, bảo đảm người trồng lúa có lãi tối thiểu 30%, rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; khắc phục nạn phá rừng, chống cháy rừng. Cùng với đó có biện pháp hỗ trợ ngư dân bám biển.
Quốc hội yêu cầu Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Tuấn Anh có giải pháp tích cực để giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa, lịch sử của dân tộc. Chấn chỉnh hoạt động sáng tác, biểu diễn nghệ thuật; bảo đảm giữ gìn thuần phong mỹ tục, khuyến khích các loại hình văn hóa, nghệ thuật truyền thống. Xử lý tình trạng chặt chém trong du lịch, phấn đấu đến năm 2020 du lịch Việt Nam trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế; sau năm 2020 có vị trí xứng đáng trong khu vực.
Với Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH, QH yêu cầu mở rộng thị trường xuất khẩu lao động; tiếp tục thực hiện lộ trình điều chỉnh lương tối thiểu theo quy định của pháp luật về lao động. Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Hòa Bình được yêu cầu bảo đảm kiểm sát 100% số vụ án hình sự ngay từ khi khởi tố; kiểm sát chặt chẽ hoạt động điều tra, kịp thời đề ra yêu cầu điều tra, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội; kịp thời khắc phục những tiêu cực, tồn tại trong ngành kiểm sát.
Kỳ họp nhiều ấn tượng
Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng khẳng định kỳ họp đã hoàn thành các nội dung công việc đã đề ra. QH hoan nghênh Chính phủ, các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp và toàn dân đã nỗ lực vượt qua khó khăn, đạt được những thành quả quan trọng. QH yêu cầu trong những tháng cuối năm, cần tích cực triển khai đề án tái cơ cấu kinh tế, giải quyết nợ xấu, hàng tồn kho... để tạo đà quan trọng cho phát triển giai đoạn sau. Đánh giá nhiều nội dung quan trọng như thảo luận sửa Hiến pháp, hoãn thông qua Luật Đất đai sửa đổi, đặc biệt là thực hiện thành công việc lấy phiếu tín nhiệm lần đầu tiên, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng khẳng định đã hoàn thành trọng trách một kỳ họp lịch sử.
Chủ tịch QH hoan nghênh, trân trọng sự đóng góp của đồng bào trong và ngoài nước trong góp ý sửa đổi Hiến pháp. QH đã thảo luận dân chủ, thẳng thắn, với tinh thần trách nhiệm cao và đề nghị Ban soạn thảo có trách nhiệm nghiên cứu tiếp thu nghiêm túc ý kiến của các đại biểu đến 30-9-2013 để hoàn thiện dự thảo Hiến pháp trình QH thông qua vào kỳ họp cuối năm. Chủ tịch QH tin tưởng sẽ có một bản Hiến pháp thể hiện được ý chí, nguyện vọng, trí tuệ của nhân dân. Các đại biểu đã thảo luận dân chủ, thẳng thắn, nhất là các vấn đề có tính nguyên tắc hệ thống về thể chế chính trị, về quyền làm chủ của nhân dân.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng khẳng định kỳ họp QH thứ 5 đã thành công, để lại nhiều ấn tượng, được nhân dân tin tưởng.
| |
PHAN THẢO
Kết quả lấy phiếu tín nhiệm là sự đòi hỏi, nhắc nhở
các trưởng ngành nhìn lại mình
(SGGP).- Chiều 21-6, ngay sau khi kết thúc kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức họp báo thông báo kết quả của kỳ họp.
Theo thống kê, sau 27 ngày làm việc (trong đó có 44 phiên họp toàn thể tại hội trường và 10 phiên họp tại tổ), QH đã thảo luận, thông qua 9 dự án luật, 2 nghị quyết. Cùng với đó, QH cho ý kiến 8 dự án luật, trong đó có dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Cũng tại kỳ họp, QH đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm (LPTN) 47/49 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Theo đánh giá của Văn phòng Quốc hội, việc LPTN đã được thực hiện đảm bảo nghiêm túc, đúng mục đích, nguyên tắc, quy trình. Quá trình LPTN được công khai và được dư luận cử tri đánh giá cao. Theo ý kiến của cử tri, việc LPTN sẽ là cơ hội để những người giữ chức vụ do QH bầu, phê chuẩn nhìn vào đó mà nỗ lực làm việc. Điều này đã thể hiện rõ tính công khai, minh bạch của một thể chế đang vận động theo hướng tiến bộ, góp phần xây dựng nhà nước của dân, do dân và vì dân.
Trả lời câu hỏi liên quan đến việc phiếu tín nhiệm của các trưởng ngành khối hành pháp thấp hơn lập pháp cũng như quan điểm về việc LPTN vừa qua, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, việc kết quả LPTN vừa qua thể hiện đúng thực trạng tình hình đất nước, nhất là các lĩnh vực đụng chạm nhiều đến người dân như: ngân hàng, y tế, giáo dục, giao thông… Kết quả LPTN cũng đòi hỏi, nhắc nhở các trưởng ngành nhìn lại ngành mình để từ đó nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động đáp ứng tốt hơn niềm mong mỏi của cử tri.
Còn theo ông Nguyễn Sỹ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, việc LPTN lần này được coi là bước tiến dân chủ. “Tất nhiên có những ý kiến phản hồi rằng sau việc LPTN này rồi cũng “hòa cả làng” nhưng chúng ta phải hiểu dư luận xã hội là đa dạng và đa số đánh giá việc LPTN vừa qua là tích cực, là sự cảnh báo, đòi hỏi các lãnh đạo ngành cần có sự cố gắng hơn nữa trong thời gian tới”, ông Dũng nói.
Liên quan đến dự án Luật Đất đai (sửa đổi) hoãn thông qua tại kỳ họp này và trả lời câu hỏi của SGGP về việc phải chăng công tác chuẩn bị, tiếp thu ý kiến đóng góp của các chuyên gia không được tốt nên phải hoãn, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, dự luật khi trình ra QH được đánh giá là công phu. Song qua quá trình thảo luận của các đại biểu cho thấy còn nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến việc thu hồi, đền bù, xác định giá… cũng như các văn bản hướng dẫn chưa đầy đủ. Do vậy, cần có thời gian để ban soạn thảo tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu cũng như soạn thảo các văn bản hướng dẫn để luật có hiệu lực vào ngày 1-7-2014.
Với việc hoãn thông qua, ông Phúc cho biết, QH sẽ ban hành một nghị quyết để kéo dài thời hạn giao đất nông nghiệp sẽ hết hạn vào ngày 15-10-2013.
NGỌC QUANG