Bệ phóng Sài Gòn

Bệ phóng Sài Gòn

Nếu hào sảng, phóng khoáng, làm ra làm, chơi ra chơi… được xem là những tính cách tiêu biểu của người Nam bộ thì Sài Gòn được xem là nơi hội tụ những tính cách tiêu biểu ấy.

Bệ phóng Sài Gòn ảnh 1

Xe lam chở rau củ quả tại xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn.

Trong ngôn ngữ thường ngày, người miền Trung, miền Bắc thường nói “vào Sài Gòn”; người miền Tây lại quen miệng “lên Sài Gòn”. Sài Gòn trở thành đất lành của người tứ xứ. Thoạt đầu, có người do tình cờ ghé qua, có người chỉ định kiếm sống qua ngày… nhưng cuối cùng họ đã quyết định dừng chân ở nơi đây.

Vì sao họ chọn Sài Gòn làm nơi để sống? Mời các bạn lắng nghe tâm sự của họ và nếu bạn muốn cùng chia sẻ lý do khiến bạn thương mến Sài Gòn, gắn bó với Sài Gòn, xin gửi bài về địa chỉ Tuần san SGGP Thứ Bảy, 432 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, TPHCM, ngoài bì thư xin ghi “Bài gửi cho trang Nhịp sống Sài Gòn” hoặc địa chỉ Email:sggpt7@sggp.org.vn

1- Có những thanh âm đã chạm khắc thật sâu vào ký ức tôi. Ở xứ sở của những vịnh hẹp, những đảo quốc sương mù hay như ở đây – quê hương của loài chuột túi - mỗi khi nhớ về Sài Gòn, tôi nhớ nhiều nhất tiếng tạch tạch, tè tè rồi lại lạch bạch, lạch bạch một chuỗi dài của những chuyến xe lam nửa đêm về sáng.

Khi tôi mới về trại mồ côi, thanh âm mà tôi đón nhận trong đêm mất ngủ đầu tiên chính là những tiếng tạch tè - lạch bạch ấy. Và trong nhiều năm tháng, thời học phổ thông, thanh âm này như người bạn thân thiết của tôi, từng đêm, từng đêm. Thường thì nó đánh thức tôi dậy để tôi vùi đầu vào bài vở cho sớm mai đến trường. Chỉ những hôm bất thường, bị mẹ nuôi mắng oan, tức mình không ngủ được, tôi vớ lấy một cuốn sách đọc ngấu nghiến cho đến khi thanh âm quen thuộc này nhắc nhở tôi hãy ngủ một chút đi, sáng còn đi học, không thôi cái mặt mất ngủ trông “đần” lắm!

Có một khoảng thời gian dài, tôi không hề biết cái gì đã tạo nên chuỗi âm thanh đó. Lớn lớn một chút, làm gan mở cửa chạy ra bờ rào, mới thấy những vệt khói còn chao giữa bờ lộ trắng mờ mờ hơi sương. Đó là mấy chiếc xe lam chở hèm bia. Hồi đó, vùng tôi ở chưa đô thị hóa.

Người ta còn làm rẫy, trồng rau, trồng hoa 4 mùa và nuôi heo, nuôi bò sữa. Nhà thầu hèm bia chở về đầu hẻm, đổ vào ụ xi-măng xây ở góc cua quẹo, sáng sớm nhà chăn nuôi ra chở về cho heo, bò ăn. Học xong cái học bổng ở Na-uy về, tôi náo nức chờ nghe cái thanh âm khó quên kia mà nó biến đi đâu mất tiêu. Đêm Sài Gòn ầm ừ đủ thứ âm thanh xa lạ.

2- Khi ông trời tàn nhẫn cướp mất cha mẹ tôi, ổng “đền bù” lại cho chị em tôi hai đặc ân lớn: được về sống ở làng mồ côi thành phố và có một bà mẹ nuôi nghiêm khắc. Nếu còn ở Bình Phước, có lẽ giờ đây tôi đã con cái đùm đề, tay xách nách mang. Nếu có một bà mẹ nuôi hiền hòa, ắt tôi mải mê với chữ hiếu, vui đạo làm con cho tròn bổn phận, không bù đầu vào việc học thì chẳng có cái học bổng nào mang tôi đi đến những chân trời xa. Cứ mỗi khi được “nặng nhẹ”, tôi lại vào phòng chúi mũi học và học, cho tới khi tiếng xe lam lạch bạch vỗ về tôi trong đêm vắng lặng…

3- Sài Gòn là cái nôi dưỡng nuôi tôi khôn lớn và là bệ phóng cho tôi bay bổng tới những bến bờ xa. Tôi sẽ quay về như chiếc bu-mơ-rang (một dụng cụ quen thuộc của thổ dân Úc, sau khi ném đi sẽ tự quay trở về) dẫu rằng thanh âm chuyến xe lam đêm đã chìm sâu vào quá khứ.

DUNG PHAN
(Monash University – Melbourne, Australia)

Tin cùng chuyên mục