1. Chỉ tính từ tháng 5-2012 đến nay, đã 3 lần tôi đến Quảng Bình cùng với các thành viên Ban Tổ chức Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo Sài Gòn Giải Phóng. Thế nhưng, dịp này là lần đầu tiên tôi được rảo bước bên bờ Nhật Lệ, ngắm nhìn tượng đài mẹ Suốt. Một thành phố thật yên ả, thanh bình. Đêm, ánh đèn đủ sắc màu từ cầu Nhật Lệ, vẫn không làm cho tôi có cảm giác ồn ào phố thị.
Thật khó hình dung ra một thành phố hoang tàn sau chiến tranh mà Thiếu tướng Phan Khắc Hy, người cách đây hơn 50 năm đã là Phó Bí thư Tỉnh ủy, Tỉnh đội trưởng Quảng Bình, tả cho chúng tôi nghe. Thế hệ những người sinh sau đẻ muộn như chúng tôi, quả thật, không thể nào cảm nhận hết được những khốc liệt của chiến tranh, dù hôm nay được đứng bên dòng sông mà mẹ Suốt đã vượt biết bao mưa bom bão đạn ngày đêm đưa chiến sĩ qua sông, được nghe những người chiến binh già kể chuyện chiến đấu năm xưa. Sông vẫn muôn đời hiền hòa, cuộc sống vẫn cứ trôi, sinh sôi, phát triển…
2. Từ căn nhà mới của chị Hoàng Thị Chớ, một cựu thanh niên xung phong Quảng Bình vừa được trao nhà Nghĩa tình Trường Sơn đợt này, ra bờ Nhật Lệ chắc chưa đầy trăm thước. Mưa như trút nước. Lạnh. Những người từ miền Nam ra như chúng tôi cứ run lập cập dù hai ba lớp áo quần. Cái rạp che tạm để làm lễ khánh thành nhà lủng lỗ chỗ. Mấy bác cựu chiến binh, người cầm nón lá, người che dù… Thế nhưng, người hát vẫn hát, người xem vẫn xem và tay ai nấy cùng vỗ nhịp đều. Trên ngực áo họ, huân huy chương kín chỗ. Một cựu chiến binh, râu tóc bạc phơ, một cánh tay đã mất, dùng bàn tay còn lại gõ nhịp. Các cô các bác, những diễn viên nghiệp dư, phủi cho nhau những giọt nước mưa, xăn phần quần bị ướt…
Tôi có cảm giác như núi rừng Trường Sơn đang ở đây, ngay tại nơi này. “Trường Sơn ơi! Trường Sơn ơi!...”. Trong người tôi bỗng rạo rực với những ca khúc Trường Sơn thật hào hùng, bi tráng. Trời lạnh nhưng trong lòng người rất ấm. Ấm tình đồng chí, đồng đội từng đi qua chiến tranh, cùng nhau vượt khó khăn thời bình…
3. Một ngày sau khi rời Quảng Bình, chúng tôi nghe hung tin: cụ Hoàng Đại Chùy ở Kiến Giang, Lệ Thủy, người vừa nhận nhà mới vào ngày 18-1, qua đời. Với những người làm Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn, đây không phải là lần đầu gặp phải cảnh ngộ này. Đã vài lần, sau khi hoàn tất thủ tục thì người đề nghị hỗ trợ nhà không còn cơ hội nhận nhà, vì đã qua đời. Biết các cụ hầu hết tuổi đã cao, sức khỏe yếu, thương tật những năm tháng chiến tranh hành hạ… chúng tôi thường xuyên bảo nhau chạy đua với thời gian, nhưng nhiều khi thời gian vẫn thắng.
Các bác cựu thanh niên xung phong bảo: “Dù sao thì cụ Chùy cũng được “đi” trong căn nhà nhiều năm mong ước”. Thế nhưng, với chúng tôi, hai ngày là quá ngắn ngủi cụ ơi! Bỗng dưng nổi gai ốc cả người khi nghĩ đến hàng trăm lá đơn đề nghị hỗ trợ nhà còn tồn ở Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam…
Hương Uyên