Ngày 4-12, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có cuộc họp cuối cùng trong năm 2014 về chính sách tài chính. Trước thềm cuộc họp, giới lãnh đạo của Liên minh châu Âu (EU) đã phải đón nhận thông tin kém vui từ kết quả khảo sát của công ty tài chính uy tín Markit.
Theo đó, Chỉ số quản lý sức mua (PMI) - thước đo về hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ - của khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) trong tháng 11 giảm xuống 51.1 điểm, mức thấp nhất trong vòng 16 tháng qua. Trong khi đó, chỉ số phụ về doanh nghiệp mới cũng giảm xuống dưới mức 50 điểm (tính từ giữa năm ngoái đến nay).
Theo nhà kinh tế của Markit, Chris Williamson, cùng với mức tăng trưởng GDP của eurozone chỉ ở mức 0,1% trong quý 4-2014, các chỉ số này đã báo hiệu eurozone nhiều khả năng rơi vào suy thoái, nền kinh tế bị co lại trong năm 2015.
Trước khi khảo sát của Markit được công bố, ECB đã bày tỏ quan ngại về sự trì trệ của kinh tế eurozone. Lạm phát tháng 11 của khu vực này tiếp tục giảm 0,1% so với tháng trước, xuống mức 0,3%, cách rất xa mục tiêu ECB đặt ra là 2%, mức để nền kinh tế khu vực tăng trưởng. Chủ tịch ECB Mario Draghi đã gọi mức lạm phát trên là “mức nguy hiểm”.
Có thể nói, ECB đã dùng đủ mọi cách để giúp kinh tế khu vực tăng trưởng từ mở rộng cung cấp tín dụng để giảm chi phí cho vay cho đến giảm áp lực ngân sách đối với các hộ gia đình. Ngoài ra, các gói kích thích đầu tư, tiêu dùng cũng đã được ECB dành cho các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng kinh tế là Tây Ban Nha, Ireland và Hy Lạp.
Tuy nhiên, cuộc xung đột tại Ukraine cùng nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm đã đẩy nền kinh tế eurozone đến bờ vực của suy thoái. Tờ Guardian dẫn lời giám đốc cấp cao của quỹ quản lý trái phiếu Pimco (Mỹ) Andrew Bosomworth cho rằng chỉ khi ECB đưa ra gói nới lỏng định lượng (QE) mới trong năm 2015, eurozone mới hy vọng thoát khỏi suy thoái.
Cùng quan điểm với ông Bosomworth nhưng một số chuyên gia cũng cho rằng việc áp dụng các gói QE không phải dễ dàng khi mà nhiều quốc gia EU không đồng ý với giải pháp này. Đức là quốc gia đi đầu trong việc phản đối gói QE khi mà nền kinh tế đầu tàu của châu Âu không đồng tình chính sách mua trái phiếu chính phủ của ECB. Theo Đức, chỉ có thắt lưng buộc bụng, cân đối thu chi mới giúp các nền kinh tế của eurozone vượt khó bất chấp việc nhiều thành viên phản đối chính sách khắc khổ này.
Ngoài giải pháp QE, các chuyên gia cũng hy vọng việc giá dầu thô tụt giá thời gian qua sẽ giúp cho khu vực châu Âu. Ví dụ như Pháp, tổng nhập khẩu nhiên liệu các loại của Pháp lên tới 66 tỷ EUR trong năm 2013.
Theo thẩm định của Viện Nghiên cứu kinh tế COE-Rexecode, trụ sở Paris, thì Pháp sẽ tiết kiệm được ít nhất 5 tỷ EUR về nhập khẩu nhiên liệu trong năm 2014. Trong ngắn hạn, giá dầu xuống thấp giúp giảm chi phí sản xuất cho các doanh nghiệp, giá thành sản phẩm từ đó theo đà đi xuống, do đó kích thích được người dân chi tiêu. Việc người dân mở hầu bao sẽ góp phần giúp kinh tế khu vực tăng trưởng.
Ông Patrick Artus, phụ trách nghiên cứu thuộc Ngân hàng Natixis cho biết giá dầu giảm sẽ giúp eurozone tăng thêm 0,5% và tính theo cả năm 2014, sẽ tăng 0,25%.
Đỗ Cao