Bên dòng Long Đại

Đất nước cũng như tình yêu. Mỗi giai đoạn đời người đều có cảm nhận mới. Sâu, rộng và cao hơn. Cảm nhận về đất nước qua những dòng sông luôn mới mẻ và sâu đậm. Ai đã qua sông Hồng, sông Mã, sông Gianh, sông Hương, sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, sông Cửu Long… đều nhận thấy hồn thiêng sông núi, khí phách hiên ngang, quật cường và hào sảng của dân tộc Việt. Tầm vóc của đất nước ta thể hiện ở những dòng sông. Đến với dòng Long Đại ở Quảng Bình cảm nhận ấy càng rõ ràng, sâu sắc hơn. Long Đại, nghĩa là con rồng lớn. Dường như tổ tiên cha ông ta đã sớm nhận ra sứ mạng lịch sử của dòng sông bé nhỏ trong xanh hiền hòa này. Đây là “con rồng lớn” của thời kỳ chiến tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Từ năm 1965, bến phà Long Đại là một “tọa độ lửa”, một điểm oanh kích chiến lược của không quân và pháo hạm Mỹ. Sự chi viện của hậu phương đến với chiến trường miền Nam hầu hết phải đi qua đây.
Bên dòng Long Đại

Đất nước cũng như tình yêu. Mỗi giai đoạn đời người đều có cảm nhận mới. Sâu, rộng và cao hơn. Cảm nhận về đất nước qua những dòng sông luôn mới mẻ và sâu đậm. Ai đã qua sông Hồng, sông Mã, sông Gianh, sông Hương, sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, sông Cửu Long… đều nhận thấy hồn thiêng sông núi, khí phách hiên ngang, quật cường và hào sảng của dân tộc Việt. Tầm vóc của đất nước ta thể hiện ở những dòng sông. Đến với dòng Long Đại ở Quảng Bình cảm nhận ấy càng rõ ràng, sâu sắc hơn. Long Đại, nghĩa là con rồng lớn. Dường như tổ tiên cha ông ta đã sớm nhận ra sứ mạng lịch sử của dòng sông bé nhỏ trong xanh hiền hòa này. Đây là “con rồng lớn” của thời kỳ chiến tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Từ năm 1965, bến phà Long Đại là một “tọa độ lửa”, một điểm oanh kích chiến lược của không quân và pháo hạm Mỹ. Sự chi viện của hậu phương đến với chiến trường miền Nam hầu hết phải đi qua đây.

Cũng có thể coi đây là một khởi điểm của đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh. Những năm đó, dòng sông Long Đại thơ mộng hiền hòa luôn dựng ngược lên trời. Pháo từ ngoài biển bắn vô. Bom các loại từ trên trời trút xuống. Con rồng lớn vẫn hiên ngang chống trả, vẫn căng mình nối tiếp đôi bờ. Xin hãy dành ít phút tưởng tượng. Suốt gần chục năm trời, từng đoàn xe tải, từng đoàn quân hối hả đi trên thân con rồng lớn trong bom đạn mịt mù và dòng nước sôi đục để có thêm những cảm xúc, những ý tưởng khi đến với bến phà Long Đại trong những ngày cuối tháng 7 năm 2013.

        ***

Khánh thành Đền tưởng niệm Liệt sĩ phà Long Đại là một sự kiện chính trị văn hóa lớn của tỉnh Quảng Bình, của Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn do Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức. Quy mô, tầm vóc, ý nghĩa của ngôi đền này đã được các cơ quan truyền thông thông tin đầy đủ. Xin không nói nữa. Tôi muốn nói đến cái phần nhỏ nhất, nối tiếp giáp mặt nước sông Long Đại với quả đồi dựng ngôi đền. Ở đây dòng Long Đại bắt nguồn từ dãy Trường Sơn uốn cong mềm mại rồi mở rộng lòng sông đi ra biển. Nước xanh thăm thẳm. Người dân địa phương nói chỗ này sâu lắm, quanh năm tĩnh lặng, mặt nước phẳng lì như gương. Nơi đây chỉ có loài cỏ lông heo lá nhỏ như cây kim sợi chỉ và những bông hoa dại màu tím trầm ngâm suy tưởng cùng mặt nước.

Đền tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn - Bến phà Long Đại vừa khánh thành nằm bên bờ sông Long Đại (Quảng Bình). Ảnh: THÀNH VƯƠNG

Đền tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn - Bến phà Long Đại vừa khánh thành nằm bên bờ sông Long Đại (Quảng Bình). Ảnh: THÀNH VƯƠNG

Khi tạo ra sự sống, tạo hóa luôn có ý thức về sự hòa thuận và phát triển. Biên giới của sự phân chia dù rõ ràng hay mờ nhạt cũng tuân theo quy luật tự nhiên ấy. Nơi mép nước yên tĩnh và hoang sơ này dung hòa sự sống nhỏ bé của cỏ dại và một loại cá loòng toong nhỏ xíu như chiếc tăm xỉa răng. Tôi thấy loại cá này từ những con suối nhỏ ở bên Lào, ở vùng rừng núi Tây Bắc. Chúng sống bằng những thứ phù sa, phù du mắt thường không thể nhìn thấy. Chúng quanh quẩn nơi biên giới giữa đất và nước, để vui đùa hàn huyên tâm sự với cỏ, rêu và những chiếc lá cây. Tôi chợt nhớ chuyện “con tôm - con tép” trên đường Trường Sơn năm xưa.

Hồi ấy, đám lính trẻ chúng tôi luôn xảy ra những cuộc khẩu chiến ác liệt về nhiều thứ lặt vặt trong đời sống. Dữ dội nhất là chuyện con tôm - con tép. Dân Hà Nam gọi con vật có hình dáng giống như con tôm là con tôm. Dân Thái Bình gọi con ấy là con tép. Lý do của phía Hà Nam đưa ra là con ấy giống con tôm nên gọi là tôm. Lý lẽ bên Thái Bình cho rằng con ấy không bao giờ lớn, suốt đời bé nhỏ như tép nên phải gọi bằng tép. Cuộc tranh luận chỉ kết thúc khi B trưởng (Trung đội trưởng) của chúng tôi, một thượng sĩ đã có tuổi, hai lần đưa quân vào Nam lên tiếng phân xử. Thực ra, anh ấy bị chúng tôi quấy rầy giấc ngủ nên bực mình phán bảo: “Gọi tôm cũng được, gọi tép cũng được. Tên gọi không quan trọng, cái quan trọng là sự tôn trọng lẫn nhau. Ít nhất chúng mày phải tôn trọng giấc ngủ của tao”.

Đã 43 năm qua đi, không biết anh ấy sống, chết ra sao?! Tôi không thể ngồi lâu trên mép nước được nữa. Con tàu Thống Nhất xuôi Nam đã hú còi chạy qua cầu Long Đại. Tôi lên đồi, dâng hương tưởng niệm các liệt sĩ tại đền thờ.

***

Người ta bảo, lên cao để tìm ra chiều sâu của tâm hồn. Đến với các đền thờ là đến với chiều sâu của thế giới nội tâm. Nguồn cội của văn hóa Việt Nam là Đạo thờ cúng tổ tiên, ông, bà, cha mẹ và những bậc tiền nhân anh hùng có công dựng nước và giữ nước. Từng bước một lên Đền Tưởng niệm Liệt sĩ phà Long Đại, tôi cảm nhận rất rõ âm hưởng, giai điệu Quốc ca và bài hát “Quảng Bình quê ta ơi”. Dường như tôi vẫn là tôi, một binh nhất, chức vụ tiểu đội phó vác xoong nồi nấu ăn cho tiểu đội 1, trung đội 2, đại đội 3, tiểu đoàn mang phiên hiệu 2255 đi B2 từng bước một vượt Trường Sơn năm xưa trong khí thế “Đoàn quân Việt Nam đi, Sao vàng phấp phới, bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa...” (lời Quốc ca). Dường như tôi vẫn nghe thấy bài hát “Quảng Bình quê ta ơi” của nhạc sĩ Hoàng Vân nơi trận địa chốt chặn ở Đường 13 năm 1972: “...Giữ lấy đất trời của quê hương ta, Giữ lấy những gì mà ta yêu quý...”.

Và, dường như tôi nhận thấy vong linh các anh hùng liệt sĩ Trường Sơn đã hội tụ đầy đủ về Đền tưởng niệm. Họ tiếp tục bàn luận về chuyện con tôm - con tép. Sôi nổi hào hứng. Trăng lên. Gió mát dạt dào.

***

Giờ đây người ta nói nhiều về những thứ bệnh tật của con người hiện đại. Từ bệnh tim mạch, tiểu đường, ung thư và đặc biệt là bệnh sa sút trí tuệ, một thứ bệnh “sống còn khổ hơn chết”. Sa sút trí tuệ khiến người ta không biết mình là ai, là người hay một loại động vật nào đó. Theo các nhà khoa học, dấu hiệu đầu tiên của bệnh sa sút trí tuệ là sự tổn thương của bộ nhớ trong não bộ. Mới đầu là tình trạng mau quên. Nói trước quên sau. Đi trên xa lộ lại tưởng như đang đi trên đường làng, ngõ xóm. Các thầy thuốc khuyên, để ngăn chặn bệnh này cần sống lành mạnh, rèn luyện bộ nhớ. Cái gì cần nhớ phải nhớ. Cái gì cần quên phải quên. Quên để nhớ. Nhớ để quên sẽ góp phần ngăn chặn hoạt động gốc tự do - một nhân tố chủ chốt gây bệnh.

Xin cảm ơn Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn do Báo Sài Gòn Giải Phóng khởi xướng, tổ chức và các nhà tài trợ, tỉnh Quảng Bình đã dựng lên ngôi đền tưởng niệm liệt sĩ ở kế bên cầu Long Đại. Rồi đây, ngôi đền này sẽ đi vào cuộc sống, giúp cho thế hệ trẻ hôm nay, ngày mai nhớ lại những gì phải nhớ, góp phần ngăn ngừa bệnh sa sút trí tuệ về phương diện văn hóa và tinh thần.

Tùy bút của TRẦN VĂN TUẤN

Tin cùng chuyên mục