Bến phà cả nước sang sông

Nơi những cái tên hóa vào lòng đất
Bến phà cả nước sang sông

Phà Long Đại (Hiền Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình) nằm ở sườn Đông dãy Trường Sơn. Trong chiến tranh, bến phà được ví là “long đầu” bởi bom đạn ngút trời, qua được bến phà là một kỳ công. Biết bao máu xương đã đổ xuống cho mạch máu giao thông thông suốt. 15 thanh niên xung phong quê Nghệ An ngã xuống, rồi 16 thanh niên xung phong ở Thái Bình hy sinh. Long Đại từ đó trở thành huyền thoại, như Truông Bồn, Ngã ba Đồng Lộc…

Bến phà và cầu Long Đại xưa. Góc trái là núi Thần Đinh sừng sững - Ảnh Tư liệu.

Bến phà và cầu Long Đại xưa. Góc trái là núi Thần Đinh sừng sững - Ảnh Tư liệu.

Nơi những cái tên hóa vào lòng đất

Bến phà Long Đại nằm trên trục dọc chiến lược quốc lộ 15. Khi máy bay địch phong tỏa các trục ngang như đường 12, đường 20 qua nước bạn Lào, đường 15 được sử dụng như một con đường chiến lược vận tải chi viện lớn. Tên lửa, lương thực, thuốc men, đạn dược… đều vượt tọa độ lửa Long Đại, sau đó bám theo đường 10, đường 16 lật cánh lên Tây Trường Sơn vào Quảng Trị, qua Lào.

Cùng với đó là hàng vạn chiến sĩ, cán bộ vượt Long Đại vào chiến trường. Long Đại thời ấy là điểm vượt sông Đại Giang cực kỳ quan trọng ở phía Đông Trường Sơn. Chính vì lẽ đó mà Mỹ chọn đây là nơi thả quả bom đầu tiên trong cuộc chiến bắn phá miền Bắc. Không một trọng điểm nào ác liệt như bến phà cả nước sang sông. B52 rải thảm hàng trăm ngàn lần, khoảng hơn 2 triệu quả bom các loại trút xuống.

Trong vô vàn những tấm gương anh dũng đã ngã xuống, như tạc vào ký ức là sự hy sinh của 15 thanh niên xung phong Nghệ An vào ngày 16-6-1972. Họ ngã xuống khi đang hát quốc ca trong buổi chào cờ, lúc bình minh vừa ló dạng, chuẩn bị một ngày bạt đường cho xe qua. 3 tháng sau, 16 thanh niên xung phong quê Thái Bình làm nhiệm vụ tại đây lại tiếp tục ngã xuống.

Nơi bến phà Long Đại xưa, nay bao vết thương đã lành lặn. Nhưng còn một điều gì đó chưa trọn vẹn. Hoa chạc chìu rơi đặc bến sông, tấm bia di tích phà Long Đại rêu phong, cỏ lá phủ dày... Cựu chiến binh Đinh Hữu Chiến - nhân chứng hiếm hoi còn lại của hai sự kiện lịch sử nhói lòng nói: “Chừ vẫn rứa, chẳng có sự thay đổi nào. Nhiều cựu chiến binh đến rồi lặng im, xót xa. Họ mong có một nơi hương khói đồng đội đã ngã xuống”.

Người Long Đại vẫn còn nhớ lắm, thời chiến tranh, làng ít chữ, những thanh niên xung phong đã bày cho họ tập đọc, tập viết. “Các cô các chú xong việc là dạy chúng tôi chữ nghĩa. Dạy cách làm lúa như quê lúa Thái Bình. Làng trả công bằng cách thêm sắn, khoai cho các o, các chú no bụng để thông đường, bạt núi”, ông Chiến kể.

Ở nơi những cái tên hóa vào lòng đất, nay là ngôi nhà của vợ chồng ông Nguyễn Văn Trương. Ở tuổi 85, ông và vợ sống qua ngày bằng nghề hái củi. Biết khu vườn nhà mình từng là nơi của các thanh niên xung phong hy sinh, ông đã dựng lên cái bàn thờ nhỏ ngưỡng vọng, khói hương vào ngày lễ trọng mỗi tháng. Gặp chúng tôi, ông tâm sự: “Ước chi có nơi chốn hương khói đàng hoàng hơn cho những người vì nước vì non như rứa”.

Đền thờ các liệt sĩ

Năm 2009, khi cả nước kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn, Long Đại được nhắc đến như địa danh lừng lẫy với bao chiến công của lòng yêu nước, quả cảm. Người Long Đại lúc đó đã thỉnh thị tấm lòng của 10.000 dân xã Hiền Ninh qua nhiều bức thư gửi đi khắp nơi. Và sau đó, một dự án dần hình thành.

Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn của Báo SGGP với sự tài trợ của Vietcombank dự kiến sẽ xây ở bến phà Long Đại này một đền thờ các anh hùng liệt sĩ trị giá 10 tỷ đồng. Địa điểm đặt đền thờ được chọn nằm trên khu đồi cao, mặt hướng ra sông Đại Giang, sau có núi Thần Đinh linh thiêng án ngữ. Khúc sông chảy qua trước cửa đền có cồn bãi được ví như tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ. Khó có nơi nào trước mặt đền là dòng sông ngoạn mục chảy qua, có bến thả hoa phù hợp. Một vị sư đã xác định đó là thế đất thiêng, hợp để thờ cúng anh linh các anh hùng liệt sĩ.

Hiện công trình đang chờ thẩm định từ Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Quảng Bình. Ông Lê Hùng Phi, Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin - Du lịch tỉnh Quảng Bình cho biết: “UBND tỉnh và sở đang gấp rút thiết kế chi tiết ngôi đền và các hạng mục khác để sớm khởi công. Đây là công trình hết sức ý nghĩa của Báo SGGP và nhà tài trợ Vietcombank nhằm góp phần nhắc nhớ thế hệ tương lai trân trọng quá khứ”.

Người dân Long Đại đang mong chờ đến ngày ấy. Mà không chỉ họ và những ai đã từng đi qua Trường Sơn, tất cả chúng ta đều mong có một ngày được đặt chân đến đền thờ, thắp nén hương tưởng nhớ những người con ưu tú của đất nước đã hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Minh Phong

Tin cùng chuyên mục