Chỉ trong vòng 4 tháng, dừa khô nguyên liệu ở ĐBSCL liên tục rớt giá thê thảm, từ 140.000 - 150.000 đồng/chục nay chỉ còn 34.000 - 40.000 đồng/chục (12 trái). Nông dân trồng dừa ở các tỉnh ĐBSCL như Trà Vinh, Tiền Giang, Vĩnh Long, đặc biệt cuộc sống người dân tại xứ dừa Bến Tre, bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Lâm thế khó
Bà Võ Thị Hai ở ấp 8, xã Phước Long, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre than vãn: “Không tin nổi giá dừa khô rớt mạnh và nhanh như thế. Tháng 10-2011, nông dân ở đây bán dừa với giá cao ngất: 147.000 đồng/chục, trước tết còn 55.000 đồng/chục. Nhưng nay kêu bán 38.000 đồng/chục nhưng không ai dám mua. Người dân ở đây chủ yếu sống bằng vườn dừa, nên rất lo lắng trước tình trạng mất giá nhanh như hiện nay”.
Ngày 16-2, trao đổi với chúng tôi, ông Võ Thành Thưởng ở xã Hưng Phong, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre (người được mệnh danh là vua dừa Việt Nam) lo lắng: “Mới hôm qua, tôi kêu bán hơn 1 thiên dừa vừa thu hoạch, thương lái mối quen báo giá 36.000 đồng/chục nhưng sáng nay lại hồi và không hứa khi nào sẽ mua vì lo ngại giá còn giảm nữa. Với mức giá này, nếu tính kỹ, nông dân rất khó sống được với vườn dừa của mình, trong khi chi phí đầu tư liên tục gia tăng. Nếu tình trạng này kéo dài chắc chắn sẽ rất khó giữ diện tích dừa hiện tại”.
Ông Hồ Vĩnh Sang, Chủ tịch Hiệp hội Dừa tỉnh Bến Tre thừa nhận: “Giá dừa sụt giảm hơn 70% trong thời gian ngắn khiến nông dân trồng dừa gặp nhiều khó khăn; đặc biệt là khoảng 40.000 hộ dân sống chủ yếu nhờ vào vườn dừa của mình”.
Trước tình trạng dừa rớt giá, thu nhập từ vườn dừa giảm hơn 70%, nhiều nông dân ở Bến Tre đang có kế hoạch phá bỏ vườn dừa chuyển sang trồng cây khác. Đặc biệt, nhiều trường hợp sống ven sông Hàm Luông (huyện Giồng Trôm) đã cho các doanh nghiệp thuê đất vườn dừa đào ao nuôi cá tra.
Tại huyện Bình Đại, người dân cũng phá bỏ nhiều vườn dừa để nuôi tôm. Đáng chú ý, không ít hộ dân có trong dự án ngọt hóa của cống đập Ba Lai cũng triệt hạ vườn dừa đưa nước mặn về nuôi tôm thẻ chân trắng.
Đâu là nguyên nhân?
Tỉnh Bến Tre hiện có 52.500ha dừa, sản lượng đạt 424 triệu trái/năm, trong số này có 10-12% dừa lấy nước, phần lớn còn lại là dừa khô nguyên liệu. Toàn tỉnh có khoảng 70 doanh nghiệp và 1.400 cơ sở sản xuất các sản phẩm từ dừa, thu hút 50.000 lao động. 90% sản phẩm từ dừa xuất sang 80 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó chủ lực là cơm dừa nạo sấy.
Lãnh đạo các doanh nghiệp sản xuất cơm dừa nạo sấy xuất khẩu khẳng định: Giá dừa khô tuột không phanh như hiện nay do ảnh hưởng chính từ thị trường thế giới. Hiện nay, thị trường châu Âu, Bắc Phi, Trung Đông tiêu thụ hơn 50% sản phẩm cơm dừa nạo sấy đang gặp nhiều khó khăn. Vì thế nhu cầu tiêu thụ sản phẩm giảm, giá cơm dừa nạo sấy từ 2.900 USD/tấn còn 1.300 - 1.500 USD/tấn, các doanh nhiệp phải hạ giá thu mua nguyên liệu đầu vào. Đây là tình trạng chung của các nước trong khu vực có ngành trồng dừa và xuất khẩu cơm dừa nạo sấy.
Một nguyên nhân chính nữa, nhu cầu thu mua dừa khô nguyên liệu trên sông Hàm Luông của các tàu Trung Quốc cũng giảm mạnh. Các thương lái dừa phản ánh: Trước đây, thường xuyên có 5 - 6 tàu Trung Quốc mua dừa trên sông Hàm Luông nhưng nay giảm còn 3 - 4 chiếc.
Ông Hồ Vĩnh Sang cho biết hiện Trung Quốc tiêu thụ 35% sản lượng dừa khô của Bến Tre nên họ chủ động hạ giá thu mua. Còn lý do đánh thuế nguyên liệu 3% làm giảm mạnh giá dừa khô như phản ánh của nhiều người dân cũng không đúng vì tỷ lệ này không lớn và thực tế đến nay, tỉnh Bến Tre chưa thu đồng nào.
Bình Đại