Tháo gỡ điểm nghẽn về kinh tế nông nghiệp
Năm 2018 vừa kết thúc với những kết quả khá quan trọng: 22/24 chỉ tiêu lớn của nghị quyết Tỉnh ủy Bến Tre đạt và vượt; tốc độ GRDP tăng 7,22%, vượt gần 0,3% so với nghị quyết, đứng thứ 5/13 tỉnh, thành trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long; kinh tế tăng trưởng tốt; an ninh chính trị, trật tự xã hội ổn định; an sinh xã hội đảm bảo; xây dựng đảng và hệ thống chính trị được chú trọng, sự đoàn kết trong đảng và đồng thuận xã hội được duy trì.
Nhận định về kết quả này, đồng chí Võ Thành Hạo, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, cho biết: “Có thể khái quát bức tranh toàn cảnh tình hình Bến Tre năm qua là thế. Tuy nhiên, trong bức tranh mà màu sáng là màu chủ đạo đó, vẫn còn nhiều điểm tối khiến chúng ta chưa hài lòng, niềm vui chưa trọn vẹn: Giá cả nông sản thấp; các dự án chậm tiến độ; nông thôn mới trầm lắng; an ninh nông thôn phát sinh nhiều phức tạp; một số tổ chức đảng và đảng viên còn vi phạm kỷ luật; cải cách hành chính và thực thi công vụ chưa đạt yêu cầu; các nghị quyết lớn của Tỉnh ủy chưa có sự chuyển biến rõ nét, nhất là nghị quyết về chuỗi giá trị nông nghiệp; “điểm nghẽn” cơ bản về thông tin chưa được khai thông triệt để; sự phối hợp trong hệ thống chính trị vẫn còn thiếu đồng bộ. Tinh thần trách nhiệm và tâm huyết của cán bộ chưa được phát huy đúng mức”.
Theo ông Cao Văn Trọng, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, để ngành nông nghiệp Bến Tre bật lên được phải khai thông những điểm nghẽn sau: Sản xuất manh mún chủ yếu theo quy mô hộ gia đình; trình độ ứng dụng khoa học và kỹ thuật vào sản xuất còn thấp; chưa có sự gắn kết chặt chẽ theo chiều ngang lẫn chiều dọc, chưa đáp ứng được nhu cầu của việc sản xuất hiện đại, quy mô lớn; hoạt động chế biến, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm vẫn thiếu ổn định, yếu ớt khi gặp biến cố, bấp bênh. “Quan trọng nhất trong nền nông nghiệp Bến Tre là khâu tổ chức sản xuất để tạo ra các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng theo lợi thế của tỉnh. Đến nay, ngoại trừ lĩnh vực nuôi trồng và đánh bắt thủy sản là có doanh nghiệp đầu tư trực tiếp, còn lại lĩnh vực trồng trọt thì hầu như không có nhà đầu tư hay doanh nghiệp nào tham gia, gây cản trở cho nền nông nghiệp Bến Tre”, ông Cao Văn Trọng cho biết.
Để giải bài toán này, ông Bùi Văn Lâm, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre, cho biết ngành nông nghiệp đang tổ chức lại sản xuất nông nghiệp gắn với quy hoạch đất đai và tổ chức lại dân cư nông thôn để phát triển nông nghiệp tập trung, sạch, hữu cơ, an toàn, từng bước công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tập trung lãnh đạo phát triển mạnh lĩnh vực du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hóa, tâm linh với nông nghiệp làng nghề theo hướng sạch, an toàn, công nghệ cao, lấy xây dựng nông thôn mới làm nền tảng. Đồng thời, tỉnh triển khai thực hiện tốt Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” và xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực; tập trung lan tỏa cuộc cách mạng nhận thức chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất an toàn được chứng nhận GAP, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch và có chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc thông qua các hoạt động khuyến nông, khuyến ngư.
Mỗi đảng viên một đầu việc
Nghị quyết Tỉnh ủy Bến Tre xác định, năm 2019 là năm “Tiếp tục tăng tốc - Tạo bứt phá”, với 9 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó quan trọng nhất là: hoàn thành hạ tầng khu công nghiệp Phú Thuận; thúc đẩy chương trình xây dựng nông thôn mới, tổ chức tốt “Ngày Chủ nhật Nông thôn mới”; đưa hoạt động khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp vào nền nếp và chú trọng thực chất; cụ thể hóa tư duy kinh tế nông nghiệp theo kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nông nghiệp - nông dân - nông thôn; tiếp tục phát huy hiệu quả phương châm “tỉnh nắm tới xã; huyện nắm tới ấp, khu phố; xã nắm tới hộ gia đình” theo tinh thần “4 nắm”: nắm tổ chức, nắm con người, nắm quy chế và nắm nghị quyết. Trong đó, về mặt giải pháp, vấn đề tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát được xem là “đột phá” của “bứt phá”. “Tỉnh ủy nhận thấy, điểm yếu lớn nhất trong thời gian qua của hệ thống chính trị nằm ở khâu tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát, đôn đốc, nhắc nhở. Cho nên, muốn bứt phá thành công thì phải tập trung tháo gỡ những vướng mắc, hạn chế trong khâu này. Cụ thể là phải phát huy thật sự vai trò của người đứng đầu, giao việc cụ thể cho cấp dưới. Cấp dưới phải thật sự chủ động đề xuất biện pháp tháo gỡ khi có vướng mắc, không trông chờ, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm”, ông Võ Thành Hạo nhấn mạnh.
Theo đồng chí Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bến Tre, nếu như mỗi cán bộ chủ chốt, công chức, viên chức trong chức năng, nhiệm vụ được giao chọn, đăng ký ít nhất một đầu việc có tính bứt phá để tập trung thực hiện trong năm 2019 thì hiệu quả sẽ rất lớn. Cả tỉnh có hơn 50.000 đảng viên, nếu mỗi cán bộ, đảng viên làm được một việc thì cả tỉnh sẽ có ít nhất 50.000 việc cụ thể trên nhiều lĩnh vực, nhiều ngành, nhiều địa phương. Ngoài ra, tỉnh tiếp tục tháo gỡ “điểm nghẽn” cả trong nội bộ và nhân dân, nhất là các dự án ảnh hưởng trực tiếp đến người dân phải được thông tin, tuyên truyền thông suốt. Nâng cao tính chủ động của từng tổ chức đảng trong kiểm tra, giám sát, xem đây là công cụ hiệu quả trong phòng ngừa vi phạm của cán bộ, đảng viên. Với tinh thần “Đồng khởi mới”, năm 2019, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bến Tre sẽ đoàn kết phấn đấu, đạt những kết quả “ngoạn mục” trên tất cả các lĩnh vực!